Người có tiền sử bệnh mạch vành khi xem bóng đá nên vận động nhẹ nhàng trong giờ giải lao, bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế theo dõi trận cầu mang tính sống còn… để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Khám bệnh bệnh viện Tim Hà Nội, người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt, đặc biệt là bóng đá có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim khi xem những trận thi đấu kịch tính. Nguyên nhân là nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp kịch phát, bóc tách động mạch chủ… Do đó, người hâm mộ có tiền sử bệnh tim mạch nên theo dõi có chừng mực, vô tư theo kiểu “ai thắng ai thua cũng vui vẻ” và hạn chế xem những trận cầu mang tính sống còn.
Với bệnh nhân, không chỉ tình huống gay cấn trong trận đấu mới ảnh hưởng đến tim mạch, mà việc nghỉ ngơi không đủ, ngồi lâu một chỗ cũng khiến quả tim “thoi thóp”, khó chịu. Hơn nữa, khi xem bóng đá, để tăng bầu không khí, nhiều người còn tổ chức ăn uống, chúc mừng chiến thắng. Đồ ăn, thức uống trong bữa nhậu thường không tốt cho sức khỏe, thậm chí làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Lưu ý dành cho bệnh nhân tim mạch khi xem bóng đá
– Kiêng thuốc lá, uống rượu bia, không ăn nhiều thức ăn có chứa muối và đường.
– Không nên ngồi một chỗ quá lâu, cần đi lại, luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga… trong giờ giải lao để tăng cường sức khỏe, phòng bệnh tái phát.
– Nghỉ ngơi đủ, ngủ đủ giấc vì thiếu ngủ có thể dẫn tới mệt mỏi, thiết tập trung, giảm trí nhớ…
– Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường như đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi… cần ngừng xem bóng đá và tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
– Nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, axit folic, vitamin B, hợp chất saponin, chống oxy hóa như măng tay, bơ, hạt khô, chuối, bông cải…
Lan Phương