Bạn có biết cơ thể con người chủ yếu là nước, thậm chí đối với chúng ta nước quan trọng hơn thức ăn. Cơ và thận chiếm 70% là nước, máu có 83% là nước, 93% phổi là nước và nước cấu thành nên 76% não bộ của bạn.
Cơ thể mất nước từng giây từng phút qua hơi thở, qua nước tiểu và mồ hôi, vì vậy bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể là rất quan trọng. Nhiều người vì mải mê công việc hoặc không chú trọng đến uống nước nên không bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể. Nhìn chung nam giới cần bổ sung 3 lít nước (12 cốc nước) mỗi ngày và nữ giới cần bổ sung 2,2 lít nước (9 cốc nước) mỗi này.
Không bổ sung đủ nước theo nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn tới những biểu hiện thiếu nước nhẹ ở nhiều cơ quan. Dưới đây là các biểu hiện ra bên ngoài giúp bạn dễ dàng nhận thấy rằng cơ thể đang thiếu nước-vật chất khởi nguồn của sự sống.
1. Nước tiểu màu vàng sẫm
Đây thường là dấu hiệu sớm đầu tiên khi bạn không uống đủ nước. Thông thường nước tiểu có màu vàng nhạt. Khi một người không uống đủ nước, thận sẽ tái hấp thu lại nhiều nước hơn, dẫn đến nước tiểu bị cô đặc và có màu vàng sẫm.
Tuy nhiên một số loại thuốc cũng có thể khiến nước tiểu có màu vàng sẫm. Vitamin B, củ cải đường, quả mâm xôi, măng tây hay phẩm nhuộm màu vàng đều có thể khiến nước tiểu có màu vàng đậm. Một số bệnh lý như sỏi mật, viêm gan cấp, tan huyết cũng có biểu hiện nước tiểu vàng sẫm.
Khi loại trừ nguyên nhân do thuốc và một số thực phẩm, bạn nên uống thêm nước và quan sát xem nước tiểu có trở lại màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu vẫn có màu vàng sậm thì đây có thể là dấu hiệu bệnh lý.
2. Giảm lượng nước tiểu
Hầu hết người bình thường đều đi tiểu 6-7 lần mỗi 24h. Khi bạn không uống đủ nước, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách hạn chế lượng nước tiểu nhờ thận tái hấp thu lại nhưng đồng nghĩa với việc thận phải tăng cường làm việc và nhiều độc tố không được bài tiết ra.
Do đó nếu bạn đi tiểu ít hơn 6 lần trong 24h (mùa đông thì sẽ nhiều hơn mùa hè), hãy xem lại lượng nước bổ sung hàng ngày và uống thêm nước nếu cần thiết.
3. Táo bón
Thiếu nước là một nguyên nhân phổ biến gây táo bón và táo bón đôi khi có thể được giải quyết đơn giản nhờ uống thêm nhiều nước. Khi bạn thiếu nước, cơ thể sẽ cố gắng hấp thu lại nước từ bất cứ nơi đâu, từ thận hay thậm chí là đại tràng. Phân vốn mềm vì chứa một lượng nước nhất định khi này sẽ trở nên khô và cứng, khiến đại tiện trở nên khó khăn.
Để phòng ngừa và điều trị táo bón, hãy đảm bảo bạn uống đủ nước bên cạnh bổ sung thêm chất xơ từ rau quả. Ngoài ra táo bón có thể là hậu quả của thiếu vận động, thiểu năng tuyến giáp, viêm ruột, căng thẳng v.v. Nếu bạn đã uống đủ nước mà triệu chứng vẫn tiếp diễn, hãy kiểm tra các nguyên nhân gây táo bón khác.
4. Da khô và nếp nhăn rõ hơn
Nhiều phụ nữ dựa vào các sản phẩm dưỡng ẩm đắt tiền để giữ làn da mềm mại và duy trì độ ẩm. Một số chi nhiều tiền cho các thủ thuật loại bỏ nếp nhăn. Trước khi áp dụng các biện pháp trên, bạn hãy thử uống thêm nhiều nước. Vì thiếu nước có thể khiến làm da trở nên nhạy cảm, dễ kích thích, ngứa và viêm. Nghiêm trọng hơn, da có thể bị bong, nứt nẻ và chảy máu.
Đồng thời, khi làn da mất độ ẩm, các tế bào teo lại và khiến nếp nhăn trở nên rõ nét và làn da trở nên già hơn tuổi. Cách tốt nhất để hồi sinh làn da khi này và bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, giải quyết gốc rễ của vấn đề.
5. Đói và tăng cân
Đôi khi cơ thể chúng ta trở nên khá ngốc nghếch khi không phân biệt được giữa đói và khát. Vùng dưới đồi trong não bộ là trung tâm điều chỉnh khát và đói của cơ thể, thỉnh thoảng sẽ nhầm lẫn khát thành đói. Khi này bạn sẽ ăn thêm thức ăn thay vì uống nước và hậu quả là tăng cân.
Do vậy nếu bạn đang muốn duy trì cân nặng hợp lý, hãy đảm bảo bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể để vùng dưới đồi không bị nhầm lẫn.
6. Khát và khô miệng
Khi cảm thấy khát là cơ thể bạn đã đang thiểu nước ở mức độ nhẹ. Dấu hiệu khô miệng kết hợp với khát cho thấy cơ thể bạn đang rất cần nước.
7. Đau đầu
Khi thiếu nước, cơ thể sẽ lấy nước từ các mô cơ quan để bù lại lượng dịch thiếu hụt. Hậu quả là, mô não bị mất nước và co nhỏ, các thụ cảm thể trong não bị kích thích gây đau đầu. Đồng thời khi cơ thể thiếu nước, lượng oxy lên não suy giảm sẽ dẫn đến đau đầu.
8. Mệt mỏi
Nghiên cứu cho thấy thiếu nước nhẹ có thể gây mệt mỏi, uể oải, cảm giác thiếu năng lượng. Bởi vậy khi cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể thử uống nước trắng. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng cà phê, nước ngọt, nước tăng lực không thể thay thế cho nước trắng vì chúng thậm chí có thể làm cơ thể mất thêm nước.
9. Đau khớp
Nước là thành phần quan trọng giúp bôi trơn cho các khớp để chúng vận động trơn tru. Khi cơ thể không nhận đủ nước, các khớp bị thiếu nước gây tổn thương những tế bào sụn. Nếu tình trạng này kéo dài thì tốc độ tổn thương sẽ vượt quá khả năng phục hồi. Do vậy khi bị đau khớp bạn nên chú ý bổ sung đủ nước cho cơ thể.
10. Hệ miễn dịch suy yếu
Thiếu nước làm tăng nồng độ các chất độc hại trong máu, từ đó làm suy yếu hệ miễn dịch. Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể sẽ giúp loại bỏ các chất không cần thiết và hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
Bạn không ốm, bạn chỉ đang khát?
Nhiều người tin rằng mọi loại chất lỏng đều giúp bổ sung thêm nước cho cơ thể, tuy nhiên thực tế không phải vậy. Một số loại đồ uống như cà phê, nước ngọt thực sự khiến cơ thể mất thêm nước vì chúng có chứa nhiều đường và chất gây lợi tiểu.
Theo tiến sỹ Batmanghelidi, một chuyên gia về chữa bệnh bằng nước, rất nhiều vấn đề sức khỏe được coi là “bệnh” trên thực tế có đáp ứng tích cực khi bổ sung thêm nước. Theo nghiên cứu của ông, bệnh tiểu đường, mỡ máu, béo phì, bệnh tim mạch, hen, đau khớp có thể được chữa đơn giản nhờ uống thêm nước.
Nếu bạn muốn có sức khỏe tốt nhất, hãy nhớ rằng những thay đổi nhỏ tạo nên sự khác biệt lớn lao. Luôn chú ý đến lượng nước uống hàng ngày và đảm bảo cơ thể đầy đủ nước là một hành động nhỏ nhưng thực sự rất có ý nghĩa.
Đại Hải
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.