Nước sâm, bông cúc, trà bí đao, la hán… là thức uống được ưa chuộng trong những ngày nắng nóng. Thành phần của các loại thức uống giải nhiệt này gồm các thảo dược có tính mát (hoặc hàn) giúp tiêu khát, dưỡng âm sinh tân, nhuận tràng, giải độc, mát gan. Tuy nhiên, nếu uống sai cách, những loại nước giải nhiệt này không giúp đỡ khát còn gây hại cho sức khỏe.
Theo Đông y nguyên liệu của các nước thảo mộc đều có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ khát, thường được dùng để phòng ngừa và giải trừ tình trạng tích nhiệt trong cơ thể.
Nhìn chung, các loại nước giải khát này không độc hại vì chúng được chế biến từ những cây cỏ lành tính và đã được sử dụng trong đời sống từ xa xưa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, công dụng chỉ khát, giải nhiệt chỉ phát huy trong điều kiện các thảo mộc an toàn, chất lượng, người dùng uống với định lượng vừa đủ. Nếu sử dụng sai cách, thức uống tưởng có lợi lại gây đến sức khỏe.
1. Uống quá nhiều
Nguyên liệu đa số là thảo dược trong nước giải nhiệt có tác dụng lợi tiểu, nếu uống nhiều sẽ kích thích thận hoạt động, tăng đào thải, các chất điện giải trong cơ thể bị pha loãng, cơ thể kém hấp thu một số vi chất cần thiết như Ca, K… gây nên tình trạng hạ natri máu, tụt huyết áp… Ngoài ra, các dược liệu có khả năng tương tác với một số tân dược, làm giảm tác dụng của thuốc chính.
Phụ nữ mang thai, người bệnh sốt cao do nhiễm trùng hoặc người tì vị yếu, người già yếu cũng nên hạn chế dùng loại nước mát này.
Liều lượng an toàn đối với người lớn từ 300-500 ml/ngày, trẻ em khoảng 100-250ml/ngày
2. Uống vào buổi tối
Do tính hàn, lợi tiểu của nguyên liệu, không nên uống nước sâm, la hán… vào buổi tối vì có thể gây lạnh, đau bụng, khó tiêu, đi tiểu đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Sau bữa ăn có nhiều thực phẩm sống, lạnh như hải sản cũng không nên uống vì rất dễ gây rối loạn tiêu hóa.
3. Ngay sau khi vận động
Nước mát giải nhiệt chứa ít khoáng chất như kali, natri, sắt… do đó, không có khả năng bù điện giải cho người mới vận động. Mất cân bằng ion, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng suy kiệt, mất nước, yếu cơ, co giật thậm chí hôn mê.
Đặc biệt, uống ngay sau khi hoạt động có thể khiến khối lượng nước trong cơ thể tăng đột ngột, làm loãng máu, tạo gánh nặng cho hoạt động của hệ tuần hoàn và tim, giảm hiệu suất lao động, làm việc.
4. Uống khi đói
Thảo mộc cũng là vị thuốc thiên nhiên, do đó không uống những loại nước này khi đói, đặc biệt là bí đao sống. Bí đao có tính kiềm nhẹ, nếu uống lúc đói sẽ tổn hại đến dạ dày. Nên sử dụng sau khi ăn no từ 1-2 giờ.
5. Nước giải nhiệt không rõ nguồn gốc
Hiện nay, trên thị trường bày bán nhiều loại nước giải khát có giá thành rẻ, bỏ trong các chai nhựa không rõ nguồn gốc. Phần lớn chúng được sản xuất trên nguyên liệu kém chất lượng, đường hóa học, chất tạo màu gây nguy hại sức khỏe.
H.H