Tưới nước đúng thời điểm, bón phân hợp lý, tạo bóng mát… là những bước chăm sóc đơn giản, giúp cây cảnh chống chọi với nắng gắt.

Nắng nóng cao điểm lên tới 39-42 đội C khiến đất vườn trở nên khô khốc, cây trồng thiếu nước, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của cây cảnh. Nhiều cây trở nên tàn tạ, cháy lá thậm chí chết vì khô hạn.

Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc cây cảnh trong mùa hè:

Vị trí đặt cây cảnh

Tạo bóng mát cho cây là cách chăm sóc đơn giản và hiệu quả, hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu vào. Tuy nhiên không phải loại cây nào cũng cần chế độ che nắng như nhau.

– Những cây chịu hạn, nắng nóng cao như tùng, sanh, si, đa, vạn tuế, sứ… có thể đặt nơi có nắng.

Chăm sóc cây cảnh vào ngày nắng nóng

– Cây chịu nắng nóng nhưng không chịu khô hạn như lộc vừng, sung… phủ một lớp rơm rạ mục hoặc bèo Tây để giữ ẩm.

– Dòng cây không chịu nắng nóng như bồng bồng, thiết mộc lan, trúc nhật… làm giàn che hoặc kê đặt dưới các tán cây, để nơi thoáng mát.

Lưu ý, không để cây gần cục nóng điều hòa.

Tưới nước khoa học

Nhiệt độ tăng cao khiến nước nhanh bay hơi, đất khó giữ độ ẩm để đáp ứng lượng nước cây hấp thụ.

Chăm sóc cây cảnh vào ngày nắng nóng

– Cây trồng trong bồn, bầu đất nhỏ, cần tưới nước bổ sung 2 lần/ngày lúc sáng sớm và chiều tà, khi nhiệt độ ngoài trời đã giảm. Đặc biệt, không nên tưới trực tiếp trên lá cây vì giọt nước đọng lại, mặt trời lên cao sẽ làm cháy lá. – Không tưới cây giữa lúc trời trưa nắng gắt, cây có thể bị chết do chênh lệch nhiệt độ hoặc khúc xạ nhiệt.

– Không tưới quá nhiều bởi độ ẩm đất cao là điều kiện để các loại nấm và cỏ dại sinh sôi nảy nở làm hại cây trồng.

Tạo và giữ ẩm cho đất

Sử dụng cỏ mục, lá cây, rơm rạ… tạo ẩm cho đất. Thường xuyên xới đất tạo sự thông thoáng cho cây, có thể sử dụng đất thịt và đất mùn để tạo ẩm cho gốc và vùng rễ. Điều này giúp duy trì nhiệt độ và vùng ẩm ở bộ rễ, nhanh chóng hấp thụ nước, các dưỡng chất cần thiết. Khi tưới nước cho cây, lượng ẩm sẽ duy trì trong thời gian dài.

Chăm sóc cây cảnh vào ngày nắng nóng

Chống úng

Nếu lỗ dưới đáy chậu không thoát nước, cây dễ bị ngập úng, bộ rễ bị thâm đầu, thối rữa, cây héo rũ rồi chết. Thường xuyên chú ý quan sát sau mỗi một trận mưa, nếu chậu cây nào nước bị đọng không thoát, cần có biện pháp khắc phục.

Bón phân, tỉa cành hợp lý

Cây trồng cần bổ sung chất dinh dưỡng để chống chọi với nắng hạn. Tuy nhiên, không nên tỉa cành, bón phân vào lúc những ngày nắng nóng cao điểm, nên chờ thời tiết mát trời, ít nắng.

Chăm sóc cây cảnh vào ngày nắng nóng

Không nên đào bới gốc để bón phân trực tiếp, làm như vậy rễ bị đứt, cây bị chột, phát triển không đều. Nên ngâm phân bón NPK với nước sau đó tưới cho cây. Sau khi tưới nước phân, cần tưới thêm nước lã, giúp phân ngấm sâu vào bầu đất, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Đơn giản hơn là làm phân bón vi sinh từ nguyên liệu như vỏ chuối, vỏ trứng…

Phòng trừ sâu bệnh

Thời tiết nóng ẩm là mùa sâu bệnh phá hoại phát triển mạnh, nhất là sâu ăn lá và sâu đục thân. Người trồng cần thường xuyên theo dõi, phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Làm phân bón hữu cơ từ vỏ trứng, vỏ chuối

Nguyên liệu

Vỏ chuối chín, vỏ trứng, nước, chai đựng

Thực hiện

– Cắt nhỏ vỏ chuối, vỏ trứng, bỏ vào chai.

– Đổ nước vào chai và ngâm trong 3-5 ngày.

– Lấy nước ngâm để tưới cây. Sử dụng đều đặn 1 tuần/lần giúp cây xanh tốt.

H.H