Đau, tê hoặc yếu ở một hay cả hai chân, bàn tay, bồn chồn, động đậy chân trong khi ngủ, đau nhức cơ ở hai tay và hai chân… rất có thể là những dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm.
Trong hầu hết các hoạt động của cơ thể đều cần có sự tham gia của cột sống: nâng vật nặng, xoay người, mang vác, ẵm bồng trẻ con, ngồi lâu với tư thế không đúng… tất cả đều sử dụng phần lưng. Các cơ lưng và cột sống chịu trách nhiệm cho các hoạt động này.
Cột sống được cấu tạo từ các thân sống nối với nhau bởi các mấu khớp, chúng kết hợp với nhau tạo thành một cái ống bao bọc chung quanh là xương để bảo vệ tủy sống và các dây thần kinh bên trong.
Có thể hình dung đĩa đệm giống như một tấm cao su có độ đàn hồi, giúp các thân sống chuyển động êm ái, khử các chấn động bên ngoài và làm giảm thiểu tác động mạnh khi có chấn thương.
Khi đĩa đệm bị thoát vị, tức là đĩa đệm không còn nằm ở vị trí bình thường như mọi khi mà lồi ra ngoài, chèn ép vào dây thần kinh phía sau gây đau. Bản thân đĩa đệm cũng bị tổn thương như: nhân đệm mất nước do thoái hóa, bao xơ bị rách, nhân đệm thoát vị ra khỏi bao xơ… Đôi khi nhân đệm rời ra và chiu ra phía sau chèn ép vào các rễ thần kinh.
Khi các dây thần kinh bị chèn ép sẽ gây ra triệu chứng lâm sàng với biểu hiện là cơn đau thắt lưng, khu trú hoặc lan xuống mặt trong đùi theo dây thần kinh hoặc nặng nề hơn nữa là hội chứng chùm đuôi ngựa. Hội chứng này gồm:
- Đau thắt lưng dữ dội.
- Đau, tê hoặc yếu ở một hay cả hai chân khiến bạn thường xuyên vấp ngã hay khó khăn khi ngồi xuống ghế.
- Mất dần cảm giác ở vùng chân, mông, đùi, lưng, cẳng chân hoặc bạn chân.
- Tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.
- Rối loạn chức năng tình dục đột ngột.
Nhân đệm (màu xanh) lồi ra khiến bao xơ (màu hồng) rách, đồng thời chèn ép vào rễ thần kinh.
Chấn thương, thoái hóa đĩa đệm do tuổi tác hoặc tư thế cột sống sai kéo dài do ngồi làm việc không đúng cách gây cong vẹo cột sống, tập thể dục thể thao không đúng cách gây trật khớp… là những nguyên nhân thường gặp của thoát vị đĩa đệm.
Khi có triệu chứng yếu chân hoặc mất kiểm soát bàng quang, ruột với triệu chứng tiêu tiểu không tự chủ, bạn hãy mau chóng đến gặp bác sĩ để có chẩn đoán chính xác.
Mai Lan
Xem thêm:
- Phiền lòng vì đau cổ, đau lưng mãi không khỏi, bạn hãy thử những biện pháp sau
- Chọn đúng loại thực phẩm để bộ xương cứng chắc suốt đời
- Sau 14.500 giờ bay, Cơ trưởng người Việt tìm ra món quà quý giá và thực hiện nguyện ước của mình
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.