Theo đánh giá từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc-xin.

Vậy bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh do virus dại (rabies virus) gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong 100%. Là một trong những bệnh được ghi nhận từ thời cổ xưa, mô tả từ cách đây hơn 3000 năm và là một bệnh truyền nhiễm đáng sợ. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật có vú.

Đường lây truyền bệnh dại

Virus dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết liếm vào vết thương người của động vật mắc bệnh dại. Nhiễm bệnh dại từ người qua người rất hiếm gặp. Chỉ ghi nhận được trường hợp mắc bệnh dại do truyền qua ghép giác mạc: giác mạc người cho bị chết vì bệnh của hệ thần kinh trung ương không rõ nguyên nhân và người nhận chết vì bệnh dại sau 50 – 80 ngày.

Về mặt lý thuyết, bệnh dại có thể khởi đầu từ nước bọt bệnh nhân sang người tiếp xúc, nhưng trên thực tế chưa bao giờ ghi nhận được kiểu truyền bệnh từ người sang người theo cách này. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính qua vật nuôi là chó.

Chó là nguồn truyền bệnh dại chính cho người. (Ảnh: nepalpana.com)

Phòng chống bệnh dại

Theo Báo Mới, hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Việc sử dụng vắc-xin kịp thời là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh dại.

Sau thông tin khan hiếm vắc-xin phòng dại, nhiều người dân đã đổ xô đi tiêm phòng dại khiến nhu cầu đột ngột tăng cao. Trong những tháng đầu năm 2018 tại một số địa phương xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ vắc-xin phòng bệnh dại.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trên cả nước có khoảng 700 điểm tiêm chủng vắc-xin dại. Hàng năm trung bình có khoảng 400.000 – 500.000 người tiêm vắc-xin phòng dại. Do đó, Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người đã khuyến cáo các điểm tiêm phòng dại cần tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp khi sử dụng vắc-xin dại để tiết kiệm sử dụng vắc-xin, tăng số lượng người được tiêm.

Vắc-xin phòng dại cho chó, mèo… cũng được triển khai trên diện rộng. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Bên cạnh đó Bộ Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp như: ban hành kế hoạch dự trù vắc-xin; phối hợp với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch dại kịp thời; hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng các quy định hiện hành trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Đặc biệt, Bộ Y tế đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nhập khẩu, kiểm định, phân phối vắc-xin này để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của người dân. Đến nay đã cung ứng kịp thời cho các cơ sở tiêm chủng vắc-xin dại trên phạm vi toàn quốc để người dân có thể tiêm chủng phòng chống bệnh dại.

Yến Dương