Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân P.V.M (51 tuổi, Tuyên Quang) trong tình trạng chảy máu nhiều vùng miệng, hàm, cẳng tay phải có 4 vết răng do chó cắn.
VTV dẫn lời người nhà bệnh nhân, lúc sáng sớm 18/6, xuất hiện một con chó lạ xông vào cắn gà trong vườn, ông M. đã đến gần để đuổi nhưng bất ngờ bị chó xông vào cắn liên tiếp vào tay và mặt.
Ngay sau khi được đưa đến viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vết thương phức tạp vùng hàm do chó cắn. Vết thương khá nghiêm trọng, vùng môi biến dạng cần được cắt lọc và khâu thẩm mỹ.
Các bác sĩ khuyến cáo, chó là động vật gần gũi với con người nhưng cũng là vật nuôi có thể gây tình trạng tử vong cho con người khi bị bệnh dại.
– Những gia đình nuôi chó trong nhà cần tuân thủ đúng lịch tiêm phòng dại cho vật nuôi, nuôi nhốt hoặc rọ mõm khi cho vật nuôi ra ngoài.
– Khi vật nuôi có biểu hiện của bệnh dại như sùi bọt mép, hung dữ… cần được nhốt, cách ly và theo dõi.
– Với những gia đình có trẻ nhỏ, tránh cho trẻ tiếp xúc quá gần với chó, mèo, các vật nuôi có thể gây tổn thương cho trẻ.
3 bước sơ cứu tại chỗ khi bị chó cắn – Làm sạch: Rửa vết thương dưới vòi nước và xà phòng diệt khuẩn để loại bỏ mầm bệnh. Rửa nhẹ nhàng, tuyệt đối không chà xát mạnh. – Thuốc sát trùng: Sử dụng thuốc sát trùng chuyên dụng, cồn hay nước oxy già để làm sạch vết chó cắn. Dung dịch sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. – Cầm máu: Trong quá trình rửa vết thương bạn không nên cầm máu. 15 phút sau khi bị chó cắn, nếu máu vẫn tiếp tục chảy, đặt gạc y tế lên vết thương và băng lại. Nếu vết thương vẫn chảy nhiều máu, bạn nên nâng cao vùng bị thương để cầm máu. Trong trường hợp vết thương sâu, máu phun thành tia, dùng dây thun để garô xung quanh vết thương. Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. |
Lan Phương