Một chiều cách đây 11 năm, trên đường về nhà, ông Lâm thấy nhiều người vây quanh một bãi rác. Ông đến xem và thấy một đứa trẻ đỏ hỏn, bị kiến cắn nát cả mặt mày, tay chân. Khi ấy, không ai dám động vào, cũng không ai nghĩ rằng đứa bé có thể sống sót. Nhưng có điều gì đó đã thôi thúc ông ào đến, ôm đứa trẻ đưa vào bệnh viện và… đứa bé sống sót.

Tròn một tháng sau, cũng trên đường đi làm về, ông Lâm lại nghe tiếng trẻ con khóc ở bãi cỏ ven lộ, và ông có đứa con thứ 2. Một năm sau đó, ông Lâm nhận cuộc gọi từ một người đàn ông nói về việc một phụ nữ vừa sinh con muốn bỏ rơi đứa bé vào ngày mai. Vạn bất đắc dĩ, không thể đành lòng làm ngơ, ông Lâm lại chạy vào bệnh viện, nhận đứa trẻ ngay trước lúc mẹ nó định bỏ con đi.

Như một nhân duyên tiền định, thời gian sau đó, ông tiếp tục bắt gặp những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Không nỡ mặc kệ những đứa trẻ tội nghiệp, ông Lâm lại đem về, thuê phòng trọ, thuê người nuôi… Ông tâm sự với mẹ và được bà đồng cảm, khuyến khích. Từ đó, ông quyết định mở một mái ấm để đón những đứa trẻ bị bỏ rơi về chăm sóc.

Đồng hành cùng ông Lâm từ đứa con đầu tiên là em trai ông, anh Nguyễn Văn Phúc. Hai người đàn ông độc thân chăm trẻ thật là điều chẳng dễ dàng gì. Họ bắt đầu mua sách dạy kỹ năng làm mẹ về học, có những đêm khuya lắc, hai anh em vẫn dò trên mạng cách bồng bế, chăm sóc trẻ. Nhưng khó khăn hơn cả, có lẽ vẫn là vấn đề tài chính.

Ông Lâm và em trai có thu nhập chính từ một công ty bảo vệ. Mặc dù đồng lương không phải quá thấp nhưng khi phải nuôi quá nhiều con thì cuộc sống trở nên thiếu thốn trăm bề. Có quãng thời gian, ông Lâm phải làm việc hơn 20 tiếng mỗi ngày. Ông thức dậy từ 2 rưỡi sáng, dậy hầm cháo, khuấy bột để kịp giờ cho các cô bảo mẫu sáng đến cho các bé ăn. Sau đó, ông ra chợ đầu mối đẩy dù thuê cho tiểu thương, rồi giữ xe cho người đi chợ. Trong khi đó, em trai ông đưa rước các con đến trường. Ban ngày, hai anh em lo việc công ty, tối đến thì đi làm thêm cho một quán cà phê, 10 giờ đêm mới trở về nhà….

Rồi những đứa con cứ lần lượt “tìm đến” ông. Nhiều bé bị bỏ ngay trước cửa nhà, với hình hài dị tật chẳng ai dám nhìn. Nhiều bé đẻ rớt trong bồn cầu, bé thì cha tự tử bỏ lại, bé thì mẹ ung thư thời kỳ cuối… Đỉnh điểm những năm 2014 – 2016, trung bình mỗi tháng có đến 2 – 3 trẻ bị bỏ rơi. Mái ấm cũ kỹ ngày càng ọp ẹp, dột nát đủ bề.

May mắn thay, ông Lâm được mẹ ủng hộ, dành toàn bộ đất chung quanh để xây dựng mái ấm, rồi đến tất cả anh em đồng lòng để lại một nửa tài sản cho ông và lũ trẻ. “Những gì các con đang ở, đang sống ngày hôm nay, mình tôi không thể nào làm được”, ông Lâm tâm sự, trích dẫn từ báo Thanh Niên.

Tháng 8/ 2017, mái ấm được xây dựng khang trang hơn. Tuy nhiên, mới dọn vào nhà mới được 10 ngày thì một trận hỏa hoạn đột ngột thiêu rụi tất cả đồ đạc, may mắn không có ai bị thương. Nhưng trong cái rủi có cái may, sau trận cháy, một người cháu của ông Lâm đã đăng lên mạng xã hội, xin sự giúp đỡ về quần áo, tập sách cũ cho các con đi học. Và câu chuyện ầm thầm cưu mang những đứa trẻ của người đàn ông độc thân bắt đầu được cộng đồng biết đến, đông đảo mạnh thường quân tìm đến mái ấm hỗ trợ. Nhờ vậy, đến nay đã có 90 trẻ dưới mái nhà chung, trong đó có 38 trẻ sơ sinh nằm nôi, những bé còn lại đều được đến trường đúng tuổi.

Từ đứa trẻ thứ 2, tất cả các con đều có cái tên chung là “Nguyễn Hoàng Phúc …”. “hoàng” trong từ “huy hoàng”, “phúc” có nghĩa là “hạnh phúc”. Đó là tất cả những gì cha nuôi mong mỏi cho các con sau này. Gần 100 con, là ngần ấy câu chuyện in sâu vào ký ức người cha ấy.

“Nguyễn Hoàng Phúc Hậu bị bỏ trong bọc đen, bị chó tha ngang cửa mái ấm. Con bé lúc ấy bé xíu, vỏn vẹn 700 gram, chỉ bằng bàn tay, phải nằm lồng kính 3 tháng. Nguyễn Hoàng Phúc Nhân cũng bị bỏ trước cửa mái ấm vì không mắt, mũi, miệng, chỉ có một lỗ đen giữa mặt. Ba ca mổ rồi, vẫn chưa lấy lại được hình hài cho cậu bé… Nguyễn Hoàng Phúc Thông như một chú bạch tuộc, với đầu bự và tay chân teo tóp. Một lần trong bệnh viện, mẹ của cậu bé chạy đến nhờ ông bế giúp, rồi không bao giờ quay lại nữa. Còn mẹ của Nguyễn Hoàng Phúc Nhàn, mang bầu tháng thứ 7 thì tự tử. May mắn là vẫn cứu được con…”

Niềm vui của ông Lâm giờ đây đơn giản chỉ là được nhìn các con bình an, khỏe mạnh. Nhưng hạnh phúc hơn cả, với ông có lẽ là đừng có thêm sinh linh nào ngoài kia phải gọi ông là cha…

(Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên)

Bạn đang đọc bài viết: “Rơi lệ trước câu chuyện về người cha của trăm đứa con” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||cbafd04ea__