Quy luật năm giây là một cách gọi “lịch sự hài hước” về việc ăn những thức ăn đã bị rơi. Theo đó, nhiều người thực sự tin rằng, đồ ăn rơi xuống đất mà được nhặt lên trong vòng 5 giây thì vẫn có thể ăn được bình thường.

Quy tắc 5 giây liệu có đúng không?

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm kiểm nghiệm mức độ chính xác của quy tắc 5 giây. Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi Giáo sư Anthony C. Hilton (Đại học Aston) tiến hành theo dõi sự xâm nhập của vi khuẩn phổ biến Escherichia coli (E. coli) và Staphylococcus aureus (S. aureus) lên đồ ăn bị đánh rơi, bao gồm cả thảm trải sàn, gỗ, bề mặt lát gạch.

Đồ ăn “được” đánh rơi gồm bánh mì nướng, mì ống, bánh quy và kẹo dẻo, thời gian thực phẩm “có mặt” trên sàn là khoảng từ 3 – 30 giây.

Quy luật năm giây là một cách gọi “lịch sự hài hước” về việc ăn những thức ăn đã bị rơi.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, bề mặt trải thảm ít có khả năng truyền vi khuẩn hơn bất cứ loại bề mặt nào khác ở cả 4 lần thử nghiệm các loại đồ ăn trên. Ngược lại, sàn lát gạch và gỗ là loại bề mặt sàn chứa nhiều vi khuẩn nhất, bên cạnh khuẩn E. coli, S. aureus còn có sự góp mặt của khuẩn Pseudomonas và Klebsiella – vi khuẩn thường ký sinh trong giẻ lau nhà.

Cùng với đó, bánh mì nướng là thực phẩm ít có khả năng bị xâm nhập vi khuẩn từ bất kỳ loại bề mặt sàn nào. Tuy nhiên, bánh mì nướng có kèm bơ hay mứt lại làm tăng khả năng vi khuẩn bám vào đồ ăn. Đặc biệt, những loại thực phẩm ẩm như mỳ ống, đồ ngọt… lại có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn Pseudomonas sau 3 giây. Sau 5 giây trở lên, vi khuẩn Klebsiella gây nhiễm trùng tiết niệu bắt đầu xâm nhập loại đồ ăn này.

Bánh mì nướng có kèm bơ hay mứt lại làm tăng khả năng vi khuẩn bám vào đồ ăn. (Ảnh: Tenovi)

Như vậy, xét về tính khoa học, quy tắc 5 giây không hoàn toàn chính xác, ngoài vấn đề thời gian, nó còn phụ thuộc vào loại đồ ăn và bề mặt mà bạn đánh rơi. Nếu có vi sinh vật nguy hiểm hiện diện, dù có làm theo quy tắc này bạn cũng không thể tránh khỏi việc nhiễm bệnh. Ngược lại, việc ăn thức ăn đã rơi xuống đất đôi khi vẫn an toàn tùy theo môi trường bạn sinh sống.

Bạn có nên áp dụng quy tắc 5 giây?

Có nhiều quan điểm thú vị xoay quanh quy tắc 5 giây, khá nhiều người tin tưởng và làm theo nhưng cũng không ít người phản đối vì cho rằng quy tắc này thiếu cơ sở khoa học.

Dù bị cho là hoang đường nhưng Adam Harmsworth – một độc giả trên BBC vẫn hoàn toàn tin tưởng rằng quy luật này là đúng. Ông nói: “Chắc chắn là vi khuẩn và các sinh vật lây nhiễm đều hiểu quy tắc thời gian này.” 

Manuel Rodriguez là một sinh viên đại học nghèo. Vì thế, thay vì sử dụng quy tắc 5 giây, anh áp dụng quy tắc 5 phút. Thế nhưng, với người chỉn chu như Corinne Howard thì hoàn toàn ngược lại: “Nếu đồ ăn không vào thẳng miệng, thì bỏ nó vào sọt rác”.

Chắc chắn là vi khuẩn và các sinh vật lây nhiễm đều hiểu quy tắc thời gian này.”  (Ảnh: Fiveprime)

Thực tế, sàn nhà không phải lúc nào cũng có cả đàn vi khuẩn nằm đó sẵn, chực chờ vồ lấy bất cứ thức ăn gì mà bạn đánh rơi xuống. Thay vào đó, vi khuẩn có ở bất cứ đâu, ngay cả sau khi bạn vừa lau nhà xong. Bất cứ lúc nào, cũng luôn có khoảng 9.000 loài vi sinh vật khác nhau rình rập trong bụi bặm trong nhà bạn.

Ngoài ra vi khuẩn luôn ở xung quanh bạn bất cứ lúc nào, trên tay, trên mặt, trong nhà… Chúng ta vẫn luôn bị vi khuẩn bám vào qua da, qua không khí ta hít thở… Jack Gilbert (nhà sinh thái học vi sinh vật tại Đại học Chicago) nói: “Bạn không thể tránh khỏi các vi sinh vật. Thực ra, bạn đang sống và thở trong một biển vi khuẩn.”

Chúng ta vẫn luôn bị vi khuẩn bám vào qua da, qua không khí ta hít thở… (Ảnh: Motthegioi)

Tuy vậy, bạn hãy yên tâm rằng hầu hết chúng đều vô hại. Thậm chí, các nhà nghiên cứu ngày càng tin rằng vi khuẩn có một vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người. Thực tế, chúng ta dính vi sinh vật từ môi trường từ khi còn rất bé, kể cả việc nghịch đất, cát. Vì vậy, nếu có vi sinh vật dính trên thức ăn, nó có thể đóng góp thêm quá trình phát triển hệ miễn dịch cho cơ thể. Bạn sẽ không thể có hệ miễn dịch tốt nếu quá mức sạch sẽ.

Nói chung, quy tắc 5 giây có nhiều biến thể. Đôi khi thời hạn được điều chỉnh khiến cho nó có nhiều tên khác như “quy tắc 3 giây”, “quy tắc 7 giây”, “quy tắc 5 phút”… tùy theo quyết định của người nhặt thức ăn. Trên thực tế, không có quy tắc nào là cố định, điều đó phụ thuộc vào việc bạn đánh rơi cái gì, ở đâu và đang đói cỡ nào.

Hiểu Minh

Xem thêm: