Một ngoại hình ưa nhìn sẽ mang đến cho bạn nhiều thế mạnh trong cuộc sống hiện đại, thế nhưng, đó có phải là tất cả để làm nên một cuộc đời ý nghĩa, tốt đẹp? Câu chuyện của một chàng trai “xấu xí” dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời thật sâu sắc.

Vào một ngày trong năm 1970 tại Úc, bà Mary đang rất háo hức chào đón đứa con thứ năm của mình. Khi cậu bé Robert vừa chào đời, bà Mary đã cảm thấy “sốc” khi thấy khuôn mặt em. Bà ấy thốt lên với người chị rằng: “Nó xấu quá”. Cậu bé có một khối u trên mặt, không những vậy, Robert còn phải chịu những bất thường về thể chất mà có ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc đời cậu.

Mary cảm thấy hoang mang, bối rối đến nỗi bà không muốn đón đứa con mình về nhà. Mọi người xung quanh đều cố gắng dành những lời an ủi và động viên cho người mẹ đang bị chấn động tinh thần ấy. Họ khuyên rằng, gia đình nên đưa cậu bé hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Và cậu bé Robert mang trong mình nhiều khiếm khuyết ấy đã trở về nhà sống cùng gia đình.

Robert đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để loại bỏ khối u trên khuôn mặt khi kích thước của nó càng ngày càng lớn (bằng một quả bóng tennis). Cậu bé cũng phải phẫu thuật lắp đôi chân đã bị cụt. Thế nhưng, diện mạo của cậu vẫn chưa hoàn toàn bình thường.

Robert cũng có nhiều trải nghiệm không mấy hạnh phúc từ những khiếm khuyết của bản thân. Mỗi khi bạn bè hỏi về dị tật của mình, Robert đều phải bình tĩnh ứng phó. Họ thường hỏi: “Tại sao mũi bạn trông như trái bí vậy?”, và Robert chỉ đáp lại nhẹ nhàng: “Vì tôi được sinh ra như vậy đó”.

“Thực tế thì khoảng 9/10 trường hợp khi được trả lời như vậy, các bạn sẽ không hỏi thêm nữa… Có lẽ câu trả lời đã làm họ hài lòng, và chắc chắn nó cũng đã làm tôi hài lòng”, Robert nói thêm.

Năm 14 tuổi, Robert tiến hành phẫu thuật chỉnh hình nhằm che đi những dấu hiệu của các ca phẫu thuật trước đây, nhưng rất tiếc nó không thành công.

Robert kể lại: “Cuộc nói chuyện kết thúc bằng việc đề cập tới những ảnh hưởng sau cuộc phẫu thuật vì tôi có khả năng gặp biến chứng không đáng có. Họ muốn chỉnh hai mắt của tôi gần hơn một chút, và như vậy tôi phải đối diện với nguy cơ bị mù”. Vậy nên, Robert đã không làm cuộc phẫu thuật đó nữa.

Đến năm 14 tuổi, sau 24 ca phẫu thuật, Robert muốn sống thật với những gì bản thân mình có. Lúc này, anh đã nhận ra vẻ đẹp thực sự không nằm ở những đường nét trên khuôn mặt, và anh không muốn để những điểm “không hoàn hảo” của mình cướp mất đi hạnh phúc đáng lẽ anh nên có trong cuộc sống.

Với lòng dũng cảm, Robert đã vượt qua tất cả những mặc cảm, tự ti về ngoại hình và những cái nhìn tiêu cực của người xung quanh. Cuối cùng, số phận cũng đã mỉm cười với anh, khi vào năm 30 tuổi, anh kết hôn với cô Sue và có một cô con gái đáng yêu. Bạn thấy đấy, Robert hiện giờ đang rất hạnh phúc.

Robert đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho công việc viết sách và diễn thuyết của mình, và anh thậm chí phục vụ như một cố vấn chính trị cho cựu thủ tướng Queensland và phó Thủ tướng.

Những trải nghiệm trong cuộc sống của anh tới thời điểm này là nguồn động lực quý báu để hoàn thành cuốn sách đã xuất bản năm 2013. Robert truyền đạt tâm ý của mình qua tác phẩm “Kẻ xấu xí” – cuốn sách miêu tả thật chi tiết hành trình cuộc đời ông, và quan trọng nhất là những cuộc chiến nội tâm với những lần tổn thương, vùng vẫy hòng thoát ra khỏi bàn tay của số phận. Trong một bài báo, Robert nói: anh muốn truyền đạt đến những đứa trẻ hãy cố gắng vượt qua cảm giác tự ti nếu các em có sự khác biệt ngoại hình với mọi người. Robert muốn giúp các em vượt qua sự trở ngại của ngoại hình để có thể mở lòng và thoải mái với tất cả người khác.

“Chúng ta nên hướng những đứa trẻ tới vẻ đẹp của sự ấm áp, cảm thông, sự đồng điệu và cả những vẻ đẹp còn bao la, sâu sắc hơn nữa. Các em nên được lắng nghe để biết rằng chúng ta ai cũng có lúc cảm thấy mình xinh đẹp, hoặc xấu xí, có lúc thấy mình thông minh nhưng có lúc thật ngốc nghếch. Và sau đó, các em cần được dạy bảo rằng không một ai chỉ luôn đáng yêu, không một ai lúc nào cũng xấu xí, hay thông minh, nghèo đói, hoặc ngồi trên xe lăn. Không một ai chỉ là một điều gì đó”.

Chúng ta có thể cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi, cũng là vì chúng ta giống như nhau và sẽ không có điều kì diệu xảy ra nếu mỗi chúng ta cứ nhìn vào khiếm khuyết của mình và tách biệt mình với những người khác. Câu chuyện tuyệt vời của Robert thực sự khiến chúng ta cảm thấy tự hào và trân trọng hơn những gì mình đang có.

Hoàng Quỳnh

Theo Diply

Video xem thêm: Nói là khả năng, im lặng là “thăng hoa” của hùng biện

videoinfo__video3.dkn.tv||7d970cce1__