17 tuổi, Sonali Mukherjee là một cô gái xinh đẹp, một học sinh sáng giá của trường trung học Dhanbad, miền đông Jharkhand, Ấn Độ. Nhưng chỉ vì từ chối tình yêu của một cậu bạn cùng trường mà cô đã bị tạt axit. Vụ tấn công kinh hoàng làm toàn bộ khuôn mặt của Sonali biến dạng nghiêm trọng: Mắt bị hỏng, tai và mũi bị hủy hoại nặng nề. Điều đáng buồn là những kẻ tấn công Sonali đã được tại ngoại chỉ sau bốn tháng tù giam.

Sonali Mukherjee trước và sau khi bị tạt axit (Ảnh: Internet)
Sonali Mukherjee trước và sau khi bị tạt axit (Ảnh: Internet)

23 tuổi, nữ sinh Jyoti Singh bắt một chuyến xe buýt về nhà sau buổi xem phim với bạn trai thì bị 6 tên côn đồ trên xe thay nhau thực hiện hành động đồi bại và đánh đập bằng những thanh sắt. Chúng thậm chí còn lột trần cô và ném cả hai xuống đường. Jyoti bị thương nặng và qua đời hai tuần sau đó. Những kẻ này không hề tỏ ra ăn năn sám hối trong phiên tòa, còn các luật sư bào chữa thì ra sức bày tỏ quan điểm cực đoan về việc phụ nữ ra ngoài buổi tối.

Ngoài 70 tuổi, bà Lalita Goswami đã từng có một người chồng nghiện ngập. Sau vài năm chung sống, chồng bà qua đời, để lại cho bà ba đứa con nhỏ. Sau khi chồng mất, bà bị đuổi ra khỏi nhà. Anh trai ruột coi bà và các cháu mình như gánh nặng còn hàng xóm thì luôn xa lánh. Để chiều lòng con trai, mẹ đẻ đã đuổi bà cùng các cháu ra khỏi nhà. Lalita đành tới thành phố Vrindavan,  nơi được mệnh danh là “thành phố của những góa phụ”.

Vrindavan, "thành phố của những góa phụ" (Ảnh: STAR Plus, YouTube)
Vrindavan, “thành phố của những góa phụ” (Ảnh: STAR Plus, YouTube)

Những tội ác như vậy vẫn thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ, nơi trung bình cứ 3 phút lại có một hành vi gây hại cho phụ nữ, cứ 29 phút thì xảy ra một vụ cưỡng hiếp và cứ 9 phút thì xảy ra một vụ việc do chồng hoặc họ hàng của nạn nhân gây ra. 70% phụ nữ Ấn Độ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chỉ trong thế kỷ qua, đã có tới 50 triệu bé gái và thai nhi bị sát hại; 100 triệu phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người và 44,5% nữ giới phải kết hôn trước 18 tuổi tại đất nước này.

Người dân Delhi xuống đường biểu tình sau vụ việc cưỡng hiếp gây chấn động Ấn Độ (Ảnh: Ramesh_lalwani, Wikimedia)
Người dân Delhi xuống đường biểu tình sau vụ việc cưỡng hiếp gây chấn động Ấn Độ (Ảnh: Ramesh_lalwani, Wikimedia)

Triển khai nhiều cảnh sát trên đường phố cũng không giải quyết được vấn đề, bởi nhiều người trong số đó cũng tin rằng chỗ của phụ nữ là ở nhà. Dường như chính quyền và người dân Ấn Độ phần nào chấp nhận bạo lực đối với nữ giới. Một khảo sát do chính phủ tiến hành năm 2005 cho thấy 54% số phụ nữ nước này nói rằng chồng họ có lý khi đánh vợ, lý do thường được đưa ra biện hộ nhất là “thiếu tôn trọng nhà chồng”.

Nữ giới ở Ấn Độ đã có những bước tiến dài trong những thập kỷ qua. Tỷ lệ đến trường của họ cũng bằng của nam giới, và họ đã tiến chân được vào nhiều ngành công nghiệp. Phụ nữ Ấn Độ cũng đã trở thành các nhà lãnh đạo trong chính giới. Tuy nhiên, họ vẫn bị đối xử tàn tệ bởi những kẻ côn đồ dưới cái gọi là vỏ bọc “truyền thống”. Cái gọi là “truyền thống” ấy từ hàng thế kỷ nay đã trở thành mối nguy chết người cho những phụ nữ nào dám vứt bỏ hoặc không đáp ứng được.

Quang Minh tổng hợp

Xem thêm: