Trung Quốc nổi tiếng là dân tộc có bề dày lịch sử và nội hàm văn hóa sâu sắc nhất trên thế giới. Sự tồn tại của những cổ trấn từ thời xa xưa, vẫn giữ nguyên được nét cổ kính thuở sơ khai như một sự sắp xếp khéo léo của tạo hóa nhằm lưu giữ một phần ký ức về văn minh năm nghìn năm Trung Hoa.
Châu Trang cổ trấn
Nằm cách Tô Châu khoảng 30 km về phía Đông Nam, không phải bỗng dưng người ta ví trấn cổ Châu Trang là “Venice của phương Đông”. Thị trấn 900 năm tuổi này không chỉ nổi tiếng với những kiến trúc nhà, chùa cổ kính được xây dựng theo phong cách nhà Minh và Thanh, mà còn đem đến cho du khách phương xa sự bình dị, yên bình hiếm nơi nào có được.
Những con phố xinh xắn, những cây cầu đá cổ độc đáo và hệ thống kênh rạch xen giữa các tòa nhà… Châu Trang không hề xa hoa, tráng lệ, trấn cổ này đã níu chân người ở lại bằng chính sự mộc mạc, thanh bình. Những vướng bận trong cuộc sống, hối hả, xô bồ của dòng đời đều sẽ được gác lại, nhường chỗ cho những lắng đọng tâm hồn.
Đại Nghiên cổ trấn
Nằm trong khu vực thành cổ Lệ Giang thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Đại Nghiên được mệnh danh là thắng cảnh nên thơ nhất nhì Trung Hoa. Nhờ vị trí giáp biên giới Tây Tạng, những kiến trúc ở Lệ Giang là sự giao thoa giữa nhiều dân tộc: Hán, Bạch, Tạng, Nạp Tây. Phố xá trong cổ trấn gắn liền với sông núi, hoa cỏ miên man, tạo một không khí hoài cổ, lãng đãng mà vẫn tươi tắn, nên thơ.
Được xây dựng từ cuối đời Tống, cổ trấn này nổi tiếng với những ngôi nhà gỗ với kiến trúc cổ, mái ngói âm dương, cột gỗ đặc trưng kiểu Trung Hoa cổ xưa. Những con đường lát đá vuông cạnh và 354 cây cầu bắc qua dòng sông Ngọc (Ngọc Hà) đã tạo nên một thành phố cổ tuyệt đẹp cả về phong cảnh lẫn lịch sử.
Đối với nhiều người dân Trung Quốc, không phải Phượng Hoàng cổ trấn mà Lệ Giang mới chính là địa danh sở hữu khu cổ trấn đẹp nhất đất nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và bào mòn của thời gian, không khí cổ kính nơi đây vẫn được giữ lại nguyên vẹn, toát ra từ từng ngôi nhà, con phố, cho đến lối sống và sinh hoạt của người dân. Dường như mọi thứ cứ hòa quyện vào nhau, không một chút sắp đặt, như tự bản thân chúng từ khi xuất hiện đã như vậy.
Thôn Tây Đệ thuộc tỉnh An Huy
Thôn Tây Đệ nằm tại huyện Y, thành phố Hoàng Sơn, phía Nam tỉnh An Huy. Đây là 1 thị trấn cổ tồn tại từ thời nhà Tần, còn lưu giữ lại những kiến trúc đậm phong cách Trung Quốc xưa: đường cổ, cầu cổ, bia cổ, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ…
Thôn Tây Đệ bốn mặt đều giáp núi. Nước trong xanh, cây cối um tùm, tường nhà màu trắng, ngói màu đen. Những ngôi nhà hầu hết đều có giếng trời, xung quanh có tường bao bọc, không khí vào trong nhà theo giếng trời. Tường và mái của các giếng trời đều nghiêng vào trong mảnh đất để nước mưa chảy vào trong, ngụ ý nước non phì nhiêu không chảy ra ngoài.
Nơi đây được mệnh danh là “ngôi làng trong Đào Nguyên Minh”. Tương truyền ông tổ của thôn này là Hồ Thị Thủy, con của Đường Chiêu Tông. Khi đi lánh nạn, ông đã lưu lạc khắp nơi sau đó đến sống ở đây, đổi thành họ Hồ và xây dựng thôn theo sự chỉ dẫn của thầy địa lý. Thôn có hình dáng của một con thuyền, dài 700m, rộng 300m. Cách bố trí của thôn mang theo ý nghĩa “trôi theo dòng nước về phía Tây sẽ được các vị thần giúp đỡ lấy chân kinh, từ đó sẽ đại cát đại lợi”.
Phượng Hoàng cổ trấn
Địa danh được nhiều du khách Việt Nam yêu thích nhất có lẽ là Phượng Hoàng – ngôi trấn cổ hơn 1.300 năm tuổi, nằm nép mình dưới chân những ngọn núi hùng vĩ hai bên sông Đà Giang. Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Miêu, Hán, Hồi, Thổ Gia, với những phong tục và văn hoá đặc trưng từ xa xưa vẫn được lưu giữ lại.
Được biết, nguồn gốc tên gọi Phượng Hoàng Cổ Trấn được gắn với truyền thuyết về một đôi chim phượng hoàng, vốn đã tu luyện ngàn năm bên cạnh Đức Phật. Vào một ngày nọ, khi chứng kiến vùng đất nơi đây chìm trong hỏa hoạn rất nguy kịch, đôi chim đã cùng nhau lao vào lửa nguyện hy sinh tính mạng để cứu sống mảnh đất này. Để ghi nhớ ân đức và sự từ bi của đôi chim thần, người dân đã đặt tên trấn là Phượng Hoàng.
Bất chấp sự tàn phá của thời gian, Phượng Hoàng trấn vẫn lưu giữ lại được những thành quách, đền chùa, những dãy phố, nhà cổ dọc bờ sông, cùng các món ngon địa phương như ớt đỏ ngâm hay kẹo gừng… tách biệt hoàn toàn với nhịp sống hối hả hiện đại.
Nhiều người cho rằng, việc những trấn cổ từ hằng xa xưa vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay là một sự an bài tỉ mỉ của Thần linh, nhằm nhắc nhở con người hiện đại không lãng quên nguồn cội. Khi chiêm ngưỡng những ngôi trấn cổ, tìm lại sự an yên, lắng đọng trong tâm hồn, người ta mới nhận ra rằng, những bức tranh Trung Hoa xưa đẹp, hữu tình và có nội hàm sâu sắc vẫn sẽ mãi trường tồn, bởi tận sâu trong bản nguyên của sinh mệnh vốn đã gắn bó và thuộc về những giá trị truyền thống.
(Ảnh dẫn theo pctest)
Hiểu Minh (tổng hợp)