Nói đến nghệ thuật Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay tới những tính từ “tĩnh lặng”, “mộc”, “tự nhiên” và triết lý sống “Wabi – sabi” cũng như “Minimalise”. Kiến trúc nội thất cũng không nằm ngoài những vẻ đẹp ấy. Căn nhà sẽ khiến bạn trở thành một con người khác khi bước vào: trầm tĩnh và bình yên.
Người Nhật vốn được biết đến với đầu óc tính toán tinh nhạy, đôi mắt thực tế, đặc biệt là trong những công việc mang tính kỹ thuật cao như xây dựng và thiết kế. Tuy nhiên nhìn ngắm và tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của người Nhật truyền thống, chúng ta sẽ khám phá ra, họ còn là những nghệ sĩ, những người muốn biến chính cuộc sống mỗi ngày của mình thành nghệ thuật. Nhưng là một thứ nghệ thuật bắt nguồn từ sự hòa điệu với thiên nhiên và nhịp thở của sự sống.
Mộc mạc và giản đơn
Đó là ấn tượng đầu tiên mà một người nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ những nền văn hóa tiêu thụ trong xã hội hiện đại tìm thấy ở một ngôi nhà Nhật Bản truyền thống. Sẽ không ít người ngạc nhiên vì sự đơn giản trong việc người Nhật phân chia các phòng của ngôi nhà, cách họ trang trí nhà cửa và kê đồ đạc. Sự tối giản được áp dụng một cách triệt để khiến nhiều người đặt câu hỏi: Là hoàn cảnh gia đình khó khăn hay là người Nhật cố ý tạo nên một không gian sống như vậy?
Câu trả lời nằm ở khái niệm “Không gian”. Với người Nhật, “không gian” đặc biệt quan trọng trong việc diễn tả vẻ đẹp của bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Trên một bức tranh, phần “khoảng trắng” có giá trị tương đương với những gì mà người nghệ sĩ vẽ ra. Quan niệm này bắt nguồn từ quan niệm về cái Đẹp của Lão Tử. Cái đẹp chỉ xuất hiện khi người thưởng thức nó có cơ hội hoàn thiện tác phẩm, tự mình lấp đầy những “khoảng trắng” bằng những xúc cảm và ấn tượng diễn ra trong tâm trí họ, khi nhìn ngắm những gợi ý của người nghệ sĩ.
Căn nhà đối với người dân của xứ sở Anh Đào cũng là một tác phẩm như thế. Họ chọn sự bài trí tối giản để tạo ra nhiều những khoảng không nhất có thể. Trái với chủ nghĩa đồ dùng hiện đại, người Nhật dành dụm từng chút một khoảng không trong không gian sống của mình. Những khoảng không này chính là nơi mà con người có đủ sự tĩnh lặng để ngắm nhìn thật kỹ lưỡng mỗi thứ mà mình sở hữu.
Người Nhật tự biến mình thành một nghệ sĩ khiêm nhường trong chính ngôi nhà của mình, bằng cách chăm chút cho sự sáng – tối, việc sử dụng những gam màu trung tính, những hoa văn trạm trổ trên cửa hành lang, lựa chọn bề mặt của chiếc chiếu Tatami, bề mặt của bức tường.
Để cảm nhận sự tinh tế của người Nhật, có một nhà văn đã viết:
“Sự đơn giản đến tối giản của diện mạo tổng thể, sự tinh tế đến đáng ngạc nhiên của những chi tiết nhỏ bé nhất: như cách mà người Nhật vẫn làm, đó là cách để cảm nhận sự thanh tao của nội tâm”.
Hài hòa với thiên nhiên
Sự hài hòa với thiên nhiên trước hết đến từ chất liệu mà người Nhật truyền thống sử dụng để xây dựng căn nhà của họ. Gỗ, tre, rơm, giấy, đá là những vật liệu chủ yếu trong kiến trúc truyền thống của người Nhật. Việc sử dụng chất liệu thiên nhiên trong kiến tạo nhà ở vừa giúp người Nhật đối phó được với thiên nhiên khắc nghiệt: Sức sát thương được giảm đi đáng kể, cùng với đó, việc xây dựng lại nhà ở cũng dễ dàng, ít tốn kém hơn.
Trong nhóm những nguyên liệu này, rơm và giấy đóng vai trò rất lớn trong việc kiến tạo nên vẻ đẹp và sự thoải mái cho không gian sống. Chiếc chiếu Tatami làm từ rơm được coi là trung tâm của căn nhà. Tạo sự ấm áp cho ngôi nhà vào mùa đông, thoáng đãng vào mùa hè, những chiếc chiếu Tatami vẫn là một trong những “bảo vật” trong gia đình của người Nhật hiện đại.
Hiên nhà cũng là một trong những nét đặc biệt đưa người Nhật về giữa thiên nhiên ngay cả khi họ sống tron ngôi nhà của mình. Mái hiên thường mở ra một không gian xanh thoáng đãng của khu vườn nhỏ hay của cảnh sắc xung quanh nhà. Hiên nhà giống như một bức tranh 3D đầy sống động. Nơi đó, người Nhật có thể lặng ngắm những mùa lá đổi màu, những ngày mưa rả rích hay những đêm hè đom đóm lập lòe.
Cuối cùng, sự hòa điệu với tự nhiên nằm trong những họa tiết trang trí trên các vật dụng trong gia đình (những bức tranh, đồ gốm sứ hay việc bài trí hoa). Tất cả được hòa nhịp với sự chuyển vần của tự nhiên. Chúng sẽ được thay đổi luân phiên cho phù hợp với khung cảnh của từng mùa.
Sự linh hoạt và tối ưu hóa không gian
Trong nhà của người Nhật, căn phòng có trải chiếu Tatami có một sự linh hoạt đáng ngạc nhiên. Căn phòng này thường không có một chức năng cố định, nó có thể mang rất nhiều tính năng: Nó có thể là phòng khách, phòng ngủ hay phòng ăn. Chủ nhà hoàn toàn có thể thu nhỏ hay mở rộng căn phòng theo mong muốn và như cầu của mình.
Những chiếc cửa trượt, thay cho những khung cửa sổ cố định, những chiếc tủ âm tường là những “bảo bối”, giúp người Nhật hô biến không gian sống của mình một cách linh hoạt. Thậm chí, vào mùa hè, người Nhật có thể mở rộng hoàn toàn một căn phòng ra khu vườn xanh mướt.
Sự tối giản
Không có những đồ đạc dư thừa trong ngôi nhà! Đó là nguyên tắc tuyệt đối của người Nhật. Ở phần đầu tiên, bạn hẳn đã cảm nhận được vai trò thiết yếu của “khoảng không” trong tâm hồn Nhật Bản. Vậy nên sự tối giản là điều tất yếu. Thêm vào đó, niềm tin vào Thần đạo, người Nhật sẽ cảm thấy một cảm giác khó chịu, bứt rứt khi một đồ vật nào đó không được sử dụng trong thời gian dài. Đặc điểm này khiến bạn có cảm giác, mỗi đồ vật trong ngôi nhà của người Nhật đều có tác dụng của riêng nó và chắc chắn sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Tuy nhiên, tiết kiệm khoảng không không phải là lý do duy nhất cho việc tối giản đồ. Việc chất đầy đồ đạc trong nhà sẽ làm phân tán sự tập trung của người sinh sống trong căn nhà. Mỗi đồ vật đều có câu chuyện của riêng mình. Chính vì vậy, càng nhiều đồ đạc, trí lực của người sở hữu càng bị phân nhỏ.
Người Nhật vốn coi trọng sự hiệu quả. Vì thế, thay vì mua sắm thật nhiều đồ dùng, họ dồn tụ những nét tinh túy của ngôi nhà vào một nơi được gọi là Tokonoma. Đây được coi là góc trang trọng nhất trong ngôi nhà. Không gian này được người Nhật dành riêng để trưng bày những “tác phẩm nghệ thuật” như những bình hoa Ikebana, các bức họa hay thư pháp. Tất cả những gì tinh túy nhất của gia chủ dường như sẽ được đặt trong góc Tokonoma này.
Cuối cùng, sự tối giản cho phép người Nhật lựa chọn được những nguyên vật liệu tốt nhất để xây dựng và trang trí cho ngôi nhà. Nổi tiếng với sự kỹ càng trong lựa chọn, họ đặt ra những tiêu chí khắt khe cho chất lượng cũng như tính thẩm mỹ của từng sản phẩm. Điều này giúp người dân của xứ Phù Tang có thể gắn bó lâu dài với những gì mình sở hữu.
Trên đây là một vài những nét phác họa cơ bản trong nghệ thuật tạo dựng không gian sống của người Nhật. Hy vọng rằng, bạn có thể tìm thấy một vài gợi ý hay để tạo cho riêng mình một không gian sống thoáng đãng và nuôi dưỡng.
Hy Văn