Sự cầu toàn ở một khía cạnh nào đó có một vị trí rất quan trọng trong sự phát triển tinh thần của con người. Nó chính là động lực thúc đẩy con người bứt phá khỏi sự lười biếng, đạt tới một sự nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, trong rất nhiều nền văn hóa, người ta lại tìm thấy dấu ấn của sự không hoàn hảo mà con người cố ý tạo ra. Ý nghĩa nào ẩn giấu đằng sau những chi tiết đầy mâu thuẫn này, chúng ta hãy cùng khám phá.
Đối với nhiều người, “chủ nghĩa hoàn hảo” là sự ám ảnh, cứng nhắc thái quá. Tuy nhiên, người ta lại không thể phủ nhận sự thành công mà đức tính cầu toàn, kỹ lưỡng mang lại khi chứng kiến cuộc sống ở những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ và khác biệt, ví như Đức – một dân tộc có thời gian làm việc cực ít nhưng hiệu suất lại cao nhất thế giới.
Phần lớn chúng ta biết đến đạo “Trung dung” của Khổng Tử. Hiểu một cách căn bản, nó miêu tả trạng thái của những người luôn giữ vị trí trung lập với tất cả các công việc: Không cầu toàn tới mức ám ảnh, đồng thời cũng không qua loa một cách xuề xòa.
Vậy đâu mới là vị trí mà con người có thể tìm thấy sự cân bằng cho chính mình?
Việc nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật và thủ công của nhiều nền văn hóa có thể cho chúng ta một câu trả lời. Những người thợ thủ công và các nghệ sĩ thường được biết đến là những người tôn sùng đức tính cầu toàn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sẽ quan sát thấy dấu vết của những chi tiết không hoàn hảo trong các tác phẩm của họ, thậm chí trong những tác phẩm có độ khó và đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Thêm vào đó, những chi tiết này được tạo ra một cách hoàn toàn có chủ ý.
Những chi tiết mang tính “nổi loạn” này thường được biết đến với tên gọi “sự khiếm khuyết có chủ ý”. Chúng được cố ý tạo ra để làm lời nhắc nhở cho mỗi người rằng sai sót là một phần không thể thiếu của con người.
Trong văn hóa Navajo – một dân tộc bản địa tại Tây Nam Hoa Kỳ, người thợ dệt thảm sẽ để lại một vài chi tiết không hoàn hảo ở đường viền bao quanh của thảm. Chi tiết khác biệt này được người Navajo goi là “dòng tinh thần” hay “con đường tinh thần”. Họ tin rằng, khi một người phụ nữ dệt tấm thảm, cô ấy đã phải gửi một phần tâm hồn mình vào đó, vậy nên “đường tinh thần” này sẽ giúp phần linh hồn bị mặc kẹt của người phụ nữ thoát khỏi chiếc thảm một cách an toàn.
Người Navajos tin rằng chỉ có Chúa Trời là hoàn hảo và rằng con người không thể đạt được mức hoàn hảo như vậy. Vì lẽ đó, họ luôn để lại một chút không hoàn hảo vô cùng tự nhiên trong tất cả những sản phẩm của mình.
Thông thường, người ta phải nhìn rất gần để tìm ra cái “không hoàn hảo”, nên những chi tiết khác biệt này hầu như không ảnh hưởng tới vẻ đẹp tổng thể của tác phẩm. Người Navajos thường để lại một sợi chỉ mảnh khác màu khi dệt vải, hoặc một điểm màu khác biệt một cách cố ý trên những tấm thảm.
Tinh thần “Thượng Đế mới có thể tạo ra những thứ hoàn hảo còn con người thì không thể” cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng của kiến trúc Hồi giáo. Trần nhà hình vòm đẹp mắt của nhiều nhà thờ Hồi giáo ở Ả Rập luôn được xây dựng và trang trí theo nguyên tắc đối xứng, nhưng trên thực tế nó có những khoảng nhỏ không tuân theo nguyên tắc này. Tuy nhiên chúng được bố trí rất khéo và các du khách sẽ không dễ nhận ra.
Ngay cả tại nhà thờ Quốc gia ở Washington DC, thủ đô của Hoa Kỳ, người ta cũng phát hiện ra những sai sót nhỏ trong kiến trúc, được cho là cố tình tạo ra để minh họa cho niềm tin: Chỉ có Chúa mới hoàn hảo. Phần trần nhà hình vòm phía trên của lối đi chính trong nhà thờ cũng được xây dựng hơi lệch khỏi trục đối xứng của toàn bộ công trình. Tất cả đều được cho là để thể hiện sự tôn kính của con người với sự hoàn hảo trong công việc tạo tác của Chúa Trời.
Tại khu vực Punjab của Ấn Độ và Pakistan, một kỹ thuật thêu rất phổ biến gọi là Phulkari, tạm hiểu là công việc của những bông hoa. Kĩ thuật này tạo ra những mẫu thêu cầu kì bằng cách dệt kết hợp các loại sợi có màu sắc rực rỡ. Người ta thường dùng những mẫu dệt này để tạo nên khăn choàng dành cho phụ nữ hay các sản phẩm dệt may khác cần thiết cho cả gia đình.
Hầu hết các mẫu Phulkari gồm những hoa văn rất đều đặn, nhưng đôi khi những người phụ nữ sẽ gửi gắm vào tác phẩm của họ một vài họa tiết lạ hoặc màu sắc hoàn toàn khác biệt.
Một phần, những chi tiết “chẳng giống ai” này được thêm vào để bảo vệ người sử dụng tấm khăn khỏi sự rình rập của cái ác. Phần khác, những chi tiết không hoàn hảo được dùng để đánh dấu một sự kiện quan trọng đã xảy ra trong quá trình họ dệt nó, ví dụ như niềm vui khi một sinh linh chào đời hoặc sự đau buồn vì sự ra đi của một người thân trong gia đình.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, việc kết hợp “sự không hoàn hảo” một cách cố ý vào các tác phẩm còn được coi là một loại nghệ thuật, được biết đến với tên gọi “Wabi sabi”, xuất hiện ít nhất là từ thế kỷ 16. Đặc điểm của wabi-sabi chính là những nét bất đối xứng, gồ ghề và đơn giản được cố tình tạo ra cho tác phẩm.
Người ta dễ dàng quan sát được nghệ thuật wabi sabi trong các tác phẩm đồ gốm Hagi. Gốm sứ được thực hiện theo phong cách này có hình dạng không đối xứng, màu sắc và bề mặt và kết cấu nhấn mạnh vào những nét thô mộc, chưa qua tinh chế của sản phẩm.
Các sản phẩm gốm bị vỡ cũng được phục dựng lại bằng loại chất kết dính đặc biệt, tạo nên một đời sống hoàn toàn mới cho đồ vật. Khi ấy, sự không hoàn hảo chính là nét đẹp khiến mọi người nhìn ngắm đồ vật lâu hơn, sâu hơn.
Một trong những nét dễ nhận ra nhất đó là các đáy cốc đều có vết mẻ hoặc sứt được tạo nên một cách cố ý.
Wabi Sabi còn có mặt trong rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như kiến trúc, nội thất hay thời trang.
Phong cách này được người Nhật vô cùng yêu chuộng, bởi nó đưa con người quay về với những điều giản dị, đơn sơ nhưng lại có khả năng mang tới sự an hòa rất lớn và có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống.
Wabi sabi là một ví dụ hoàn hảo cho những điều “không hoàn hảo có chủ ý”. Không chỉ thể hiện niềm tôn kính với quyền năng sáng tạo toàn vẹn của các vị Thần, wabi sabi đưa con người trở về với sự tôn trọng, kính ngưỡng ẩn giấu trong sự sống, bất chấp sự không hoàn hảo, đơn giản và vô thường của sự vật.
Hoàng Quỳnh – Hải Lam