Người ta thường nói lời cám ơn khi ai đó giúp đỡ mình. Đây là phép lịch sự tối thiểu mà cha mẹ dạy bạn từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, trong một vài tình huống khác bạn vẫn có thể sử dụng cụm từ “cảm ơn”. Thủ thuật này chẳng những giúp cho cuộc đối thoại bớt trở nên nhàm chán mà còn khiến cho bạn trở nên thân thiện hơn trong mắt người đối diện.

Dưới đây là một số trường hợp mà James Clear – Tác giả cuốn sách Transform Your Habits (Thay đổi thói quen của bạn) gợi ý cho tất cả chúng ta.

Cảm ơn khi ai đó khen bạn

Hãy tưởng tượng bạn đến một buổi tiệc nhẹ, và có ai đó khen rằng chiếc áo của bạn thật đẹp. Thông thường, chúng ta sẽ khiêm tốn phủ định nó: “Ôi cái áo này tôi mua lâu rồi” hoặc “thế à, thế mà tôi thấy nó không hợp với mình lắm!”. Mọi người thường nghĩ rằng cách đáp lễ này thật lịch sự và khiêm tốn, thế nhưng việc phủ định ý kiến của người đối diện xem ra lại khiến cho họ cảm thấy có phần ngượng ngạo. Vì vậy, cách tốt nhất để đáp lại lời tán dương trên là hãy nói: “Cảm ơn bạn, mình cũng thích cái áo này lắm”.

Cảm ơn khi bạn đến muộn

Lời cảm ơn có nhiều công dụng hơn bạn nghĩ (Dẫn ảnh: Odyssey)

Không phải lúc nào bạn cũng có thể đến cuộc hẹn đúng giờ. Tuy nhiên, chỉ nói một câu “Xin lỗi” và nói về lý do đến muộn chắc chắn sẽ không thể khiến mọi người cảm thấy hài lòng vì đã phải chờ đợi bạn. Thay vào đó, hãy thể hiện sự biết ơn với họ vì đã dành thời gian cho mình, hãy nói “Cảm ơn vì đã kiên nhẫn chờ tôi”.

Cảm ơn khi bạn an ủi ai đó

Nghe có vẻ nực cười, nhưng thực ra điều này rất dễ hiểu. Việc an ủi một ai đó trong lúc họ đang đau buồn là việc rất khó khăn, nhiều khi ta không biết phải nói gì để biểu thị sự đồng cảm và để họ không hiểu lầm rằng đây là một kiểu an ủi khách sáo. Cho nên, thay vì cố gắng đem đến cho họ những thông điệp tích cực và cảm thông như: “Chú cún của bạn bị mất ư, không sao rồi nó sẽ quay trở về thôi”, tốt nhất, bạn nên nói, “Cảm ơn vì đã kể cho mình nghe câu chuyện về chú cún của bạn. Đây chắc hẳn là một khoảng thời gian khó khăn, gọi cho mình bất cứ lúc nào nếu cậu cảm thấy cô đơn nhé”.

Cảm ơn khi bạn nhận được lời khuyên chân thành

Hãy cảm ơn cả những lời khuyên khó lọt tai. (Dẫn ảnh: Gordon Training International)

“Sự thật mất lòng”, đôi khi những lời góp ý chân thành lại nghe khó lọt tai, đặc biệt là khi chúng đụng chạm đến lòng tự tôn của chúng ta. Vì vậy, mọi người thường có xu hướng phủ nhận những lời góp ý, thậm chí là tấn công ngược lại người nói. Tuy nhiên, cách làm này thực sự rất tệ, cho dù lời nhận xét đó có đúng hay sai, trước hết hãy nói 2 từ “Cảm ơn” để bày tỏ sự tôn trọng của mình tới người đối diện. Ví dụ: Khi Sếp góp ý về năng suất làm việc của bạn trong tuần vừa qua đã giảm xuống, thay vì giải thích và đổ lỗi, trước hết hãy nói: “Cảm ơn anh đã góp ý cho em” rồi sau đó mới đề cập đến những khó khăn mà mình đang gặp phải.

Cảm ơn cả những lời chỉ trích không có tính xây dựng

Luôn có những người thích chỉ trích người khác, họ đưa ra những lời chê bai không có tính xây dựng và dễ làm chúng ta nổi nóng. Tuy nhiên, hãy giữ cho mình một đầu óc sáng suốt. Lão Tử từng nói: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được”.  Vì vậy, đừng cố gắng cãi nhau tay đôi với những người chỉ trích, hậu quả mang tới chỉ là sự ganh ghét và hằn thù mà thôi.

Thay vì cố gắng cãi nhau tay đôi, hãy nói một từ “Cảm ơn” thật chân thành (Ảnh: dkn.tv)

Thay vào đó, hãy lịch sử nói với họ rằng “Cám ơn”. Ví dụ như bạn vừa mới vẽ xong một bức tranh rất đẹp. Bạn muốn chia sẻ nó lên mạng xã hội để khoe với bạn bè về tác phẩm mới này. Thế nhưng, có người bình luận rằng bức vẽ thật xấu xí, cứ như thể là do một đứa trẻ tạo ra vậy. Hãy vui vẻ trả lời họ rằng: “Cám ơn đã cho tôi lời khuyên, kỹ năng của tôi còn chưa tốt, tôi còn cần học hỏi thêm nhiều điều”.

Cảm ơn những lời khuyên không có giá trị

Đừng tỏ ra khó chịu với những lời khuyên vô nghĩa. (Dẫn ảnh: Poptamil)

Có những người thích đưa ra lời khuyên kiểu “Đẽo cày giữa đường”, nó không có ý chỉ trích nhưng về cơ bản chỉ là một lời khuyên bâng quơ để thể hiện sự hiểu biết của họ, dù họ không biết tình huống bạn gặp phải đang khó khăn như thế nào. Vậy thì thay vì đáp trả bằng lời thách thức kiểu như: “Cậu mà giỏi thế thì cậu làm thử cho tôi xem!”, hãy cứ trả lời một cách thiện ý: “Cảm ơn lời khuyên nhé”, rồi quay lại làm tiếp công việc của bạn.

Khi bạn không chắc có nên nói lời cảm ơn hay không

Với những trường hợp này, hãy cứ nói cám ơn. Lời nói chẳng mất tiền mua, huống hồ là một lời nói chân thành.

Bạn đừng suy nghĩ rằng nói lời cảm ơn chỉ là một hành động nhằm đáp lại một cách xã giao khi mang ơn người khác. Thực ra, nó có nhiều quyền năng hơn thế, khi lời cảm ơn thoát ra từ miệng của bạn, cũng chính là bạn đang gửi đến người đối diện sự tôn trọng, sự đồng cảm. Và hơn thế nữa nó còn mang về cho chính bạn sự tự trọng và nhân cách.

Nguyên Trực