Cuộc sống là một quá trình thức tỉnh. Cái gọi là thức tỉnh đòi hỏi một người không ngừng tìm kiếm khám phá nội tâm của chính mình để nâng cao sự hiểu biết của bản thân. 

Người lợi hại thật sự chính là biết cúi người nhìn vào bên trong, thấy rõ nội tâm của mình mới có thể tinh tiến không ngừng. 

Nhìn vào nội tâm tìm thiếu sót

Khi Vương Hy Chi còn trẻ, ông đã có một trải nghiệm như vậy.

Ông thấy rằng, bản thân rất có năng khiếu về thư pháp nhưng sau một thời gian dài luyện tập lại không thấy có tiến bộ gì. 

Một ngày nọ, ông vô tình nhìn thấy tác phẩm của thư pháp gia Trương Chi thời Đông Hán. 

Từ tác phẩm ông thấy được khí độ điềm tĩnh trầm ổn của người viết. Lúc này ông mới nhận ra rằng, trong khi luyện viết, bản thân ông luôn thiếu kiên nhẫn và nóng lòng cầu thành quả.

Thế là ông liền chú trọng vào việc thay đổi tâm thái khi luyện chữ, cảnh giới tinh thần cũng nhờ vậy mà tăng lên, chữ viết cũng dần được cải thiện. 

Cuối cùng, ông đã trở thành bậc thầy trong làng thư pháp. 

Đời người, chỉ khi biết nhìn lại và kiểm điểm bản thân thì mới không ngừng đạt được tiến bộ. Đột phá nhận thức ban đầu, thay đổi quan niệm thì mới có thể thăng hoa, cảnh giới tinh thần cũng theo đó mà nâng cao lên. 

Nhìn thấu nội tâm của chính mình

Do quanh năm không có mưa nên việc phải sống trên sa mạc Taklimakan đã trở thành cơn ác mộng đối với vô số loài động vật và thực vật.

Thế nhưng, ở một góc của sa mạc lại xuất hiện khu rừng hồ dương cây mọc thẳng đứng. Mà những cây hồ dương này có thể sinh trưởng trong nghịch cảnh là bởi rễ của chúng cắm rất sâu xuống lòng đất, tới mức đủ để chạm tới mạch nước ngầm chảy qua sa mạc. 

Cây hồ dương đã chọn cách ưu tiên phát triển bộ rễ, sinh trưởng mạnh hướng xuống phía dưới trước, khi bộ rễ đã ghim chắc vào lòng sa mạc, chạm tới mạch nước ngầm, chúng mới bắt đầu phát triển hướng lên. Chính bởi vậy mà cây hồ dương đã trở thành biểu tượng của sự thông tuệ và ngoan cường. 

Đôi khi chúng ta cũng giống với cây hồ dương, mặc dù không thể thay đổi được thời đại bão cát nhưng lại có năng lực kiểm soát được dáng vẻ khí chất của chính mình. 

Những người có thể thi triển được tài năng không phải là trời sinh ra họ đã phát ra ánh hào quang, mà là trong quá trình sinh trưởng phát triển, họ trước tiên đã ẩn nhẫn, dành tinh lực bồi dưỡng nội tâm của chính mình. 

Không ai có thể nằm ngủ một tư thế trong suốt cuộc đời mình, chọn sống buông thả sẽ chỉ làm hao mòn ý chí và không thể giúp cho một người thực sự được tận hưởng được niềm vui cuộc sống. 

Năng lực cần có kết tinh, kinh nghiệm cần tích lũy, mỗi một giai đoạn đời người chẳng cầu làm được kinh thiên động địa, chỉ mong cho bản thân ngày hôm nay có thể tốt hơn ngày hôm qua. 

Gặp phải khó khăn khúc mắc thì chúng ta cần nhìn vào trong tâm mình nhiều hơn, khi không có việc gì để làm thì hãy học hỏi nhiều hơn và suy nghĩ thấu đáo hơn, để cho gốc rễ cắm được vào nơi sâu nhất, như vậy thì mưa to gió lớn mới không thể quật ngã được chúng ta. 

Để bản thân có thời gian ở một mình

Khi còn trẻ, tôi thường được dạy phải hòa đồng với mọi người, nhưng khi trưởng thành rồi tôi mới thấy được rằng, có thể sống một mình cũng là một loại vũ khí lợi hại. 

Nhìn vào việc sống một mình, sinh hoạt trông dường như tẻ nhạt, nhưng trên thực tế, chúng ta đã sáng tạo ra vương quốc tinh thần của bản thân từ lâu. 

Tâm an mới có thể để cho ý đắc. Khi đối diện với thế giới ồn ào náo động, chúng ta mới có thể trồng được bờ rào hoa cúc trong tâm. 

Nhờ biết tận hưởng cuộc sống ở một mình mà chúng ta học được cách gia tăng giá trị cho bản thân, kiên trì theo đuổi lý tưởng của chính mình, duy trì được tình yêu với cuộc sống, không ngừng cảm nhận được sự thỏa mãn trong cuộc đời này. 

Ở một mình không phải là cô độc, mà là nương theo thanh âm của trái tim để sống hòa hợp với thân thể và tinh thần. Làm được như vậy thì một người cũng có sức mạnh sánh cùng thiên quân vạn mã. 

Thành thật với chính mình

Schopenhauer từng nói: “Một trong những điểm yếu đặc biệt nhất của nhân tính chính là chúng ta thường quan tâm đến những gì người khác đối đãi với mình”.

Trong cuộc sống đời thường, tất cả chúng ta đều ít nhiều để ý đến ánh mắt của người khác, và những mối quan tâm này cũng là nguồn gốc khiến chúng ta lo lắng và tự ti.

Vì muốn được người khác chấp nhận mà ngụy trang nội tâm của mình. Vì những kỳ vọng của người khác mà thay đổi lý tưởng của bản thân. Kỳ thực, sống là để mình sống chứ không phải để người khác xem. 

Điều đáng quý nhất trong cuộc đời chính là được sống thật với lòng mình.

Chúng ta không cần phải sống như chính mình trong mắt người khác, cũng không cần vì người khác mà thay đổi cách sống của mình. Chỉ bằng cách nhìn vào lòng mình, thành thật với ước nguyện ban đầu của bản thân, chúng ta mới có thể tiến xa hơn.  

“Một người có thể là chính mình, đây mới là điều quan trọng hơn hết thảy”.

Trở thành chính mình, chấp nhận chính mình, là con đường ngắn nhất giúp chúng ta cảm nhận được niềm vui cũng như hạnh phúc khi được sinh ra trên cõi đời này. 

Theo Aboluowang
San San biên dịch