Ở Mỹ, khí hậu mùa hè ấm áp cũng là dịp rất thích hợp để đi câu cá, câu cua. Tuy nhiên, đi câu ở Mỹ vô cùng rắc rối, không phải cứ thích vác cần câu ra bất cứ bờ sông, con suối hay bãi biển nào là được, bởi nếu không cẩn thận, bạn rất có thể bị… hầu tòa.

Học luật trước khi đi câu

Tại Mỹ, đi câu là môn giải trí được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, muốn đi câu cá, câu cua ở Mỹ, trước tiên bạn phải mua giấy phép đi câu. Mỗi tiểu bang có quy định riêng về giá cả nhưng luật chung là bạn phải có giấy phép đi câu.

Giấy phép có nhiều loại như: giấy phép về câu cá nước mặn, câu cá nước ngọt, câu ở cả nước mặn và ngọt, giấy phép về câu cua… Tất cả đều là riêng biệt, bạn thích câu loại nào thì mua loại đó. Giá một giấy phép câu cá khoảng vài chục đô và một giấy phép chỉ dành cho một người với thời gian sử dụng thường chỉ trong một mùa câu (tức một năm) mà thôi.

Muốn đi câu cá, câu cua ở Mỹ, trước tiên bạn phải mua giấy phép đi câu.  (Ảnh minh họa: immica)

Hơn nữa, trước khi đi câu, bạn phải lên Internet xem khúc sông nào, bờ biển nào được chính phủ cho phép câu và câu trong thời gian cụ thể nào. Tuy là với hình thức giải trí nhưng bạn buộc phải hiểu rõ luật câu ở tiểu bang bạn sống. Khi mua giấy phép câu, họ sẽ cho bạn một quyển sách về luật câu và bạn phải đọc để thực hiện các luật đó. 

Ví dụ như, có những khúc sông không cho phép bạn câu những lưỡi câu có ngạnh sâu. Bạn phải biết luật một con cá dài khoảng bao nhiêu thì được lấy. Nếu bạn nhỡ câu được cá nhỏ (dưới tiêu chuẩn cho phép) thì bạn phải thả vì cá chưa đủ lớn để bắt. Thường thì một con cá hồi ở Mỹ dài hơn nửa thước, nặng ít nhất là 4kg, nếu nhỏ hơn thì bạn phải thả.

Nếu bạn nhỡ câu được cá nhỏ (dưới tiêu chuẩn cho phép) thì bạn phải thả vì cá chưa đủ lớn để bắt.  (Ảnh minh họa: nld)

Quan trọng hơn hết, bạn phải nắm rõ mỗi loại cá bạn được câu bao nhiêu con trong một lần câu và một năm bạn được câu tất cả bao nhiêu con cá. Ví dụ như cá salmon (cá hồi) loại thường bạn được câu 4 con một lần nhưng King Salmon bạn chỉ được phép câu 2 con một lần. Trong một năm bạn chỉ được phép câu không quá 60 con cá. Vì vậy, mỗi lần câu được cá bạn phải lấy giấy phép ra đánh dấu số lượng cá mà hôm đó bạn đã câu. Thông thường nếu ai câu quá số lượng của một ngày thì tự nhiên họ sẽ thả con cá đó ra.

Nếu ai câu quá số lượng cá của một ngày thì tự nhiên họ sẽ thả con cá đó ra.  (Ảnh minh họa: youtube)

Người Mỹ tôn trọng sự thành thật và mỗi người đều phải có ý thức. Nếu như bạn không mua giấy phép câu cá, hoặc bạn lấy quá số lượng, hoặc cá, cua chưa đủ kích thước và nghĩ rằng sẽ chẳng ai thấy thì đó là một sai lầm. Cảnh sát thường đi kiểm tra giấy phép của người đang câu hoặc khi bạn câu được cá, họ sẽ kiểm tra xem bạn có ghi chép số lượng hay không. Cảnh sát có thể kiểm tra và đọc vanh vách số lượng cá mà bạn đã câu và thả trong những lần trước là bao nhiêu con (có lẽ họ đặt máy quay đâu đó mà bạn không biết). Vậy nên, nếu may mắn, bạn có thể thoát được một lần nhưng chưa chắc đã thoát được lần sau. Nếu bạn phạm các luật trên thì sẽ bị tịch thu cần câu, xe, bị ra tòa, nộp phạt ít nhất cả nghìn đô và lý lịch thì sẽ bị một “vết dơ”.

Người Mỹ tôn trọng sự thành thật và mỗi người đều phải có ý thức. (Ảnh minh họa 123rf)

Việc đem bán cá, cua câu được cũng được xem là một tội, vì giấy phép bạn mua chỉ cho phép câu dưới hình thức giải trí chứ không phải để mua bán. Nếu bạn bán với giá rẻ hơn ở chợ thì đó là một sự không công bằng, cả người mua lẫn người câu đều có tội. Cảnh sát cũng hay bắt được những trường hợp mua bán trái phép này, nhất là những người câu cua.

Đến chuyện đi câu ở Việt Nam

Điều này hoàn toàn trái ngược với Việt Nam. Ở nước ta, việc câu, đánh bắt tôm, cua, cá diễn ra khá tự do và thoải mái, bạn muốn câu ở đâu thì câu, câu bao nhiêu cũng được, cá lớn cá nhỏ đều không bị kiểm soát. Thậm chí ở nhiều nơi còn sử dụng chích điện, sử dụng chất nổ dẫn đến cá chết hàng loạt. Cơ quan chính quyền có biết thì chỉ phạt cảnh cáo, nhắc nhở và rất nhanh sau đó các “ngư ông” lại tái diễn. Bởi vậy nên trước kia, đặc biệt là vùng miền Tây sông nước, chim cá rất nhiều, nhưng giờ cũng chẳng còn bao nhiêu.

Ruộng vẫn còn đó, con kênh vẫn còn đó… nhưng cảnh tượng chim chóc, động vật đi kiếm ăn rồi trú đêm trên những ngọn cây chẳng còn nữa (Ảnh minh họa: vovworld)

Ở Ấn Độ – đất nước có thổ nhưỡng gần giống Việt Nam, động vật và con người dường như là bạn. Trên cánh đồng, con người thì lao động và động vật thì kiếm ăn bình thản bên con người mà không hề có chút sợ hãi nào. Ở Việt Nam những cảnh như thế thì hiếm thấy lắm.

Trước kia, đặc biệt là vùng miền Tây sông nước, chim cá rất nhiều, nhưng giờ cũng chẳng còn bao nhiêu. (Ảnh minh họa: vtc)

Tôi nhớ khi còn nhỏ, sống ở vùng nông thôn, các loài chim, cá, tôm cua… còn nhiều, tôi thường cùng mấy đứa bạn trong xóm đi bắt cá. Hồi ấy, sau mỗi cơn mưa rào đầu hạ, chỉ cần chạy ra ngoài sân cũng bắt được đầy cá. Mới hơn 25 năm thôi mà giờ quay lại, ruộng vẫn còn đó, con kênh vẫn còn đó… nhưng cảnh tượng chim chóc, động vật đi kiếm ăn rồi trú đêm trên những ngọn cây chẳng còn nữa, tôm cá của chúng ta cũng đi đâu hết cả. Liệu đến đời con cháu chúng ta rồi sẽ ra sao?

Thiện Nam