Chủ nhật ngày 16 tháng 6 vừa qua, khoảng gần 2 triệu người Hồng Kông đã xuống đường để yêu cầu rút hoàn toàn luật dẫn độ của Trung Quốc cũng như đòi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trưởng đặc khu hành chính phải từ chức. Sự kiện này đã được đăng tài trên hầu hết các mặt báo khắp thế giới và trở thành tâm điểm trong những ngày vừa qua.

Nhưng điều đáng chú ý là, sau khi biển người “tràn ngập” thành phố, sáng hôm sau khi họ rời đi, con đường đã trở lại sạch bong “không tỳ vết”!

Được biết, những người dân Hồng Kông, phần đông là giới trẻ, đã ở lại suốt đêm để dọn dẹp những con đường này. Họ đã dọn sạch rác do hàng triệu người để lại chỉ trong một đêm!

Đường phố sạch bong sau cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hồng Kông

Tác giả Kong Tsung-gan viết trên Twitter vào đầu giờ sáng thứ Hai: “Những người [biểu tình] chiếm đóng [con phố] đã thực hiện cuộc càn quét cuối cùng để thu dọn rác. Hai triệu người đã tuần hành qua đây và không có lấy một mẩu rác trên đường phố.”

Tờ báo của Anh, The Independent đưa tin: Rất nhiều thanh niên đã ở lại và dọn rác. 

Một cư dân mạng cho biết vào lúc 2:30 sáng, người dân Hồng Kông vẫn đang ở lại điểm biểu tình để thu gom rác.

Đây là lần thứ hai người Hồng Kông khiến cả thế giới nể phục vì ý thức của họ. Lần dọn dẹp đường phố đầu tiên được thực hiện sau cuộc biểu tình rầm rộ vào thứ Tư, ngày 12/6, cũng vào lúc 2 giờ sáng!

Lòng tốt của người Hồng Kông

Trong phong trào quần chúng lịch sử này, điểm nổi bật và được nhiều người quan tâm nhất chính là ý thức và lòng tốt của nhân dân Hồng Kông. 

Ngày 17/6 vừa qua, một học sinh trung học giấu tên đã chia sẻ với phóng viên báo The Independent:

“Cuộc biểu tình của ngày hôm qua thật tốt đẹp. Những người biểu tình đã rất lịch sự. Có rất nhiều người biểu tình lớn tuổi hơn – nếu họ cảm thấy không khỏe, mọi người xung quanh sẽ chăm sóc họ, đưa cho họ nước hoặc bánh mì. Trẻ em trong cuộc biểu tình cũng được cho những miếng làm mát để làm dịu cơ thể. Mọi người thường nhắc nhở những người xung quanh cẩn thận.”

Những hình ảnh dưới đây sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên về một Hồng Kông trật tự và kỷ luật!

Mức độ rác ở Hồng Kông sau cuộc biểu tình quy mô lớn!
Trong lúc hỗn loạn, những người biểu tình ở Hồng Kông vẫn không quên dùng nước để dập tắt hơi cay, thay vì để nó lan rộng.
Sinh viên Hồng Kông tranh thủ đọc sách trong khi biểu tình.
Biển người biểu tình Hồng Kông dạt sang hai bên cho xe cứu thương đi qua
Những chai nước được đặt ngay ngắn trên lề đường để khi cảnh sát sử dụng hơi cay thì những người khác có thể tự bảo vệ mình. Nếu cần, họ có thể sử dụng nước bất cứ lúc nào.

Dường như đây không phải là một cuộc biểu tình “bạo động” như lời chính quyền, mà chỉ là một lần “biểu đạt ý kiến với quy mô lớn” của người dân Hồng Kông mong muốn giữ lại những giá trị mà họ vẫn bảo vệ và tin tưởng.

Sự kiện này cũng khiến người ta liên tưởng đến cuộc thỉnh nguyện ôn hòa vào ngày 25/4/1999 của 10.000 học viên Pháp Luân Công tại Văn phòng Khiếu nại Trung ương, gần Trung Nam Hải (khu làm việc và cư trú của các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc tại Bắc Kinh).

Trước đó không lâu, cảnh sát Thiên Tân đã bắt giữ vô cớ một số học viên Pháp Luân Công. Cuộc thỉnh nguyện này nhằm bày tỏ mong muốn chính phủ thả người và cung cấp hoàn cảnh an toàn cho người dân tập Pháp Luân Công.

Các học viên Pháp Luân Công đứng xếp hàng một cách trật tự, trên vỉa hè ở phía Tây của phố Fuyou, thuộc Trung Nam Hải, Bắc Kinh vào ngày 25/04/1999. (Ảnh: en.minghui.org)

Theo nhận định của tiến sỹ Benjamin Penny, một học giả tại Thư viện Quốc gia Australia, viết trong bài nghiên cứu Quá khứ, Hiện tại và Tương lai của Pháp Luân Công (2001), những học viên này không có khẩu hiệu, không có biểu ngữ. Họ “rất lặng lẽ, lịch sự, và bày tỏ nguyện vọng rằng họ sẽ không bị đối xử” như vụ việc ở Thiên Tân.

Thủ tướng Chu Dung Cơ đã dẫn đầu một nhóm người đi ra từ cửa phía Tây của Trung Nam Hải và gặp mặt các học viên Pháp Luân Công. Ông Chu đã dẫn 3 học viên Pháp Luân Công vào bên trong Trung Nam Hải để nói chuyện.

Thủ tướng Chu Dung Cơ “khẳng định chính phủ không phản đối Pháp Luân Công và hứa rằng các học viên Thiên Tân sẽ được thả tự do”, theo nhà báo Ethan Gutmann trong bài viết đăng trên National Review có tựa đề “An Occurrence on Fuyou Street” (tạm dịch: Biến cố trên phố Fuyou).

Sau khi biết tin, hơn 10,000 học viên đang tập trung tại Trung Nam Hải đã nhanh chóng giải tán, không quên thu dọn những mẩu rác mà họ nhìn thấy trên con phố mà họ thỉnh nguyện.

Tuy nhiên, sự kiện ôn hòa này cũng bị vu cáo bởi chính quyền Trung Quốc. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đương thời Giang Trạch Dân nói rằng đây là một cuộc “bao vây” Trung Nam Hải và là một “sự cố chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau sự kiện Lục Tứ” – tức vụ thảm sát mà quân đội Trung Quốc nhắm vào phong trào biểu tình của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Đây cũng chính là cái cớ mà ông Giang sử dụng để ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999.

Kể từ đó tới nay, chiến dịch “xóa sổ” Pháp Luân Công của ông Giang gần như đã thất bại hoàn toàn, vì không chỉ người Trung Quốc, mà người dân từ nhiều quốc gia trên thế giới đều đang tập luyện theo môn khí công thuộc trường phái Phật gia này.

Hàng trăm học viên Pháp Luân Công từ nhiều nước tập luyện tại Quảng trường Union, Lower Manhattan, thành phố New York, nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 13/5/2014. (Ảnh: Minghui.org)

Sự phổ biến của Pháp Luân Công trên thế giới là một lời phản bác hiệu quả đối với chiến dịch vu khống Pháp Luân Công mà ông Giang ra lệnh thực thi nhằm biện minh cho cuộc đàn áp.

Bà Sarah Cook, chuyên gia Nghiên cứu Cấp cao về Đông Á của Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) đã chỉ ra một thực tế đơn giản là: Để biết thật sự về Pháp Luân Công, hãy nhìn vào sự phổ biến của môn tập này trên thế giới, thay vì nghe theo tuyên truyền từ Trung Quốc.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban hành pháp Nghị viện Mỹ về vấn đề Trung Quốc vào tháng 12 năm 2012, bà Cook cho biết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc thường khẳng định rằng cần phải cấm Pháp Luân Công vì đó là một ‘tà giáo’ có một ảnh hưởng bất chính đối với xã hội. Những cáo buộc này là vô căn cứ khi được xem xét tại Trung Quốc, cũng như khi xét đến sự phổ biến của Pháp Luân Công ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Đài Loan vốn có nền dân chủ.”

videoinfo__video3.dkn.tv||2b921737c__

Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đại lục rất khó tiếp cận thông tin về sự phổ biến của Pháp Luân Công trên thế giới, trừ khi họ ra nước ngoài, hoặc sử dụng các thiết bị “vượt tường lửa” để thoát khỏi vòng kiểm duyệt internet của chính quyền.

Tương tự, thông tin về cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân Hồng Kông và những giá trị nhân văn mà họ thể hiện trong những ngày qua gần như không được biết đến ở đại lục, nếu chỉ tiếp cận những kênh thông tin mà chính quyền kiểm soát.

Điều này một lần nữa minh chứng cho một thực tế đơn giản mà bà Sarah Cook chỉ ra: Muốn biết sự thật, hãy nhìn ra thế giới thay vì nghe theo tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc.

Trần Phong

videoinfo__video3.dkn.tv||ab5ef3664__