Trẻ có tính cách nhút nhát, thiếu tự tin nhiều khi là đang có một sự thiếu hụt nào đó trong tâm hồn. Thường là bởi vì đứa trẻ cảm thấy không an toàn, thiếu tự tin về bản thân, cho nên mới co mình lại, mặc cảm và không dám thể hiện bản thân.
Nếu cha mẹ để mặc trẻ như vậy mà lớn lên, không kịp thời quan tâm hướng dẫn, về sau sẽ ảnh hưởng không tốt về cả về thân lẫn tâm của trẻ.
Vậy cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ cái thiện tính cách này?
1. Tạo không khí hòa thuận ấm áp trong gia đình
Nếu thấy con mình luôn có cảm giác tự ti, nhút nhát, thì điều trước tiên cha mẹ nên chú ý là về cách xử sự với nhau, cố gắng tạo ra bầu không khí gia đình ấm áp, hòa thuận. Như vậy sẽ làm cho trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình, cũng như sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Trong không khí gia đình ấm áp ấy, trẻ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ đối với mình, từ đó tâm lý như được giải tỏa, nhẹ nhõm, mở lòng ra với mọi người, có suy nghĩ gì cũng có thể vui vẻ trao đổi với cha mẹ. Từ đó tính cách cũng dễ dàng biến chuyển thành hoạt bát, vui vẻ.
2. Giúp trẻ tăng cường giao tiếp và vui đùa với các bạn cùng lứa tuổi
Cha mẹ có thể đưa con đến những gia đình có con cùng tuổi con mình chơi, giao lưu, hoặc mời họ đến nhà mình chơi. Khi trẻ có thể quen và vui vẻ chơi với người bạn nhỏ kia thì sẽ cảm thấy thích thú, vui vẻ. Cùng nhau giao lưu, chơi đùa, như vậy sẽ gia tăng lòng tự tin của trẻ, giúp trẻ hoạt bát hơn.
3. Bảo vệ lòng tự trọng của trẻ
Cha mẹ muốn bảo vệ lòng tự trọng của trẻ, thì phải quan tâm đến hành vi của trẻ và khuyến khích trẻ nói nhiều hơn, đồng thời khích lệ con hãy bày tỏ ra những ý nghĩ của bản thân mình. Đặc biệt, cha mẹ không nên cư xử thô lỗ với trẻ nhỏ, tước đoạt quyền được nói lên ý kiến của trẻ.
Cha mẹ cũng nên bồi dưỡng cho trẻ khả năng đối mặt với khó khăn, thực tế, duy trì tâm lý lạc quan, tích cực và quẳng đi những lo lắng buồn phiền.
4. Chủ động cùng nói chuyện trao đổi với con trẻ
Trẻ có tính cách hướng nội thông thường đều ít nói, cho nên cần cha mẹ quan tâm và nói chuyện trao đổi với trẻ nhiều hơn. Thông qua sự trao đổi, cha mẹ có thể hiểu được nội tâm của con, hiểu được ý nghĩ và những mong muốn của con, để từ đó có thể hướng dẫn, khơi gợi những đề tài mà trẻ thích thú để cùng trao đổi, giúp trẻ nói chuyện nhiều hơn và tăng thêm lòng tự tin cho trẻ. Đồng thời, cũng khuyến khích trẻ chơi đùa và nói chuyện với các bạn cùng lứa tuổi nhằm giúp trẻ tự tin và vui vẻ, hòa đồng.
Những đứa trẻ có tính cách hướng nội, nhút nhát thường có những hành vi, biểu hiện khác thường so với những đứa trẻ có tính cách hoạt bát, sinh động. Trẻ thường có những đặc điểm như:
- Thích chơi đùa một mình, không mấy hòa đồng với các bạn.
- Làm việc gì cũng rất nghiêm chỉnh, rất cẩn thận.
- Trầm mặc ít nói, không thích nói chuyện với người khác.
- Dễ dàng bối rối, túng quẫn khi đứng trước nhiều người.
- Dễ ngượng ngùng, thường hay nấp sau người khác.
- Dễ nao núng, thường hay lo lắng bất an.
- Không thích nghe theo người khác, làm gì cũng thích một mình.
- Thích nghe người khác khen ngợi, cần được người khác công nhận.
Vậy khi trẻ rơi vào trang thái như vậy, thì cha mẹ cần lưu tâm từ những hành động nhỏ nhất của mình:
1. Không nên đối đãi với con bằng thái độ hà khắc, bực bội
Trẻ có tính cách nhút nhát khi nhìn thấy sắc mặt của cha mẹ bực bội sẽ liền cảm thấy sợ hãi, sợ bị trách mắng. Nếu cha mẹ dùng thái độ tức giận để xử sự với trẻ, thì trẻ càng sợ sệt, không dám nói chuyện, dần dần sẽ thu mình lại.
2. Thường xuyên khen ngợi, động viên trẻ
Trẻ nhỏ thường thích được người khác khen ngợi và công nhận, đối với trẻ thiếu tự tin lại càng cần sự khen ngợi nhiều hơn. Hơn nữa, trẻ hay thẹn thùng, nhút nhát cho nên cha mẹ chú ý, trong việc khen ngợi cổ vũ cũng phải nhẹ nhàng, ấm áp, để trẻ có thể cảm nhận được tình cảm cha mẹ dành cho mình.
3. Khuyến khích trẻ dùng ngôn ngữ biểu đạt ý nghĩ của mình nhiều hơn
Giao tiếp bằng ngôn ngữ là cách tốt nhất để người với người tương tác với nhau. Một đứa trẻ nhút nhát không hẳn là không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt ý kiến, mà là do chúng thích làm người nghe hơn người nói. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý trong lời nói và quan sát biểu hiện của trẻ để điều chỉnh ngữ khí của mình, tạo cho trẻ cảm giác an toàn, cảm giác được yêu thương tôn trọng. Đồng thời khơi gợi và khuyến khích trẻ nói ra những ý kiến, suy nghĩ của mình. Có như vậy trẻ sẽ quen dần với việc nói chuyện với người khác, dần dần không còn nhút nhát, mà trở nên thích thú với việc nói chuyện, trao đổi với người khác.
4. Không nên thúc giục trẻ ra quyết định
Trẻ thiếu tự tin thường thuộc dạng bị động, bất kể là hành vi hay cảm xúc đều có phản ứng bị chậm nửa nhịp. Trong quá trình giải quyết một vấn đề hoặc quyết định vấn đề, cha mẹ không nên hối thúc con, bởi vì trẻ cần có thời gian phân tích và suy nghĩ rõ ràng, mới có thể đưa ra quyết định của mình. Hơn nữa, dù cha mẹ có hối thúc, thì trẻ cũng sẽ không có phản ứng lại hoặc sẽ không phối hợp ngay lúc đó.
5. Cha mẹ cần bao dung hơn
Những đứa trẻ tuy nhút nhát, thiếu tự tin nhưng có thể đều thích sự tỉ mỉ, cho nên mọi việc đều muốn suy nghĩ, xem xét cẩn thận. Nhiều khi vì quá cẩn thận chi tiết cho nên thường làm lỡ việc chung. Những lúc như vậy cha mẹ không nên tỏ thái độ không hài lòng, khiến trẻ càng mặc cảm, càng thu mình lại xa cách với mọi người. Cha mẹ cần bao dung hơn đối với con, cho con cảm giác thoải mái không bị bó buộc, giới hạn.
***
Quá trình giúp con trở nên tự tin, vui vẻ, hoạt bát hơn là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tấm lòng bao dung, thấu hiểu con của cha mẹ. Quá trình này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai là có kết quả. Hơn nữa tính cách này không phải là chứng tự kỷ, cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy cha mẹ không nên nóng vội, mà cần cẩn thận, nhẫn nại để giúp con.
Tin tưởng rằng, với tình yêu và lòng bao dung, nhẫn nại của cha mẹ sẽ giúp trẻ bước ra khỏi thế giới tự ti của mình.
Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch