Con bước vào tuổi lên 3, bỗng nhiên đổi tính không chịu nghe lời, ngang bướng, thích làm ngược lại người lớn, hay đòi hỏi, mè nheo, ăn vạ… Nếu không biết về giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”, cha mẹ rất có thể sẽ có những phương pháp giáo dục không phù hợp.

Cùng trẻ đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3
Cùng trẻ đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3 (Ảnh: yeutre.vn)

Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?

Khủng hoảng tuổi lên ba là biểu hiện cho sự chuyển giao từ giai đoạn ấu nhi ( dưới 3 tuổi) sang giai đoạn mẫu giáo (3-6 tuổi). Ở thời điểm này, tâm lý trẻ có sự thay đổi mạnh mẽ, kéo theo những cách cư xử có phần tiêu cực khiến cha mẹ “bó tay” như bướng bỉnh, dễ cáu gắt, hay khóc, thích sở hữu, thích làm trái ý người khác…

Tại sao trẻ khủng hoảng ở giai đoạn này?

Bước vào tuổi lên 3, khả năng nhận thức của trẻ bắt đầu phát triển rõ rệt. Trẻ biết phân biệt giữa con gái – con trai, biết ba là nam giới – mẹ là nữ giới, biết ý thức về bản thân và bắt đầu nảy sinh những hành động khác với bình thường chỉ để nhằm mục đích khẳng định cái tôi nhỏ bé của mình. Chính vì thấy mình đã lớn nên trẻ tự cho mình được quyền làm những gì mình thích mà không cần phải hỏi ý kiến người lớn. Khi bị ba mẹ mắng trẻ sẽ phản ứng lại hết sức dữ dội như quậy phá, ném đồ đạc hoặc có xu hướng làm ngược lại lời ba mẹ.

Cùng trẻ đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3
Cùng trẻ đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3 (Ảnh: webtretho.com)

Bên cạnh đó, do khả năng ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, trẻ chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người lớn nên khi không được thoả mãn sẽ dễ nảy sinh nổi giận, cáu gắt.

Đây là một hiện tượng bình thường sẽ xảy ra trong thời kỳ phát triển của mỗi đứa trẻ, sớm hay muộn hầu như bé nào cũng sẽ gặp phải. Ở giai đoạn này, trẻ thường có một số biểu hiện đặc trưng như:

  • Trẻ có phản ứng tiêu cực, không chịu phục tùng yêu cầu của người lớn.
  • Trẻ ngoan cố, đòi hỏi người lớn thoả mãn yêu cầu của mình. Nhiều trẻ đòi không phải vì thật sự thích, mà là muốn cha mẹ phải chịu thua.
  • Tự tiện là xu hướng trẻ muốn thoát khỏi người lớn, muốn tự mình làm điều gì đó mà không cần có ý kiến của người lớn.
  • Trẻ thích chống đối làm trái ý của cha mẹ, vi phạm những điều ngăn cấm.
  • Trẻ có thể vô lễ với người lớn, nói trống không, nói hỗn thậm chí có hành vi giơ tay đánh trả, cấu véo, hét to… với người lớn.

Cha mẹ nên xử lý thế nào?

(Ảnh: Tiepthigiadinh)

Khi thấy con bị khủng hoảng tâm lý, nhiều phụ huynh có xu hướng chọn một trong hai cách giải quyết hoặc đàn áp, hoặc chiều chuộng trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, chiều chuộng “yêu sách” của trẻ chỉ khiến cho bé càng thêm lấn tới. Còn đàn áp là cách giáo dục phản khoa học bởi có thể khiến trẻ càng bị khủng hoảng hơn. Tham khảo những giải pháp sau sẽ giúp cha mẹ cùng bé vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Tạo điều kiện cho trẻ được “độc lập”: Trẻ lên 3 bắt đầu có xu hướng độc lập, vì vậy cha mẹ nên khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ tự làm một số việc trong khả năng của mình. Không nên cấm đoán, hay dọa nạt trẻ quá mức nếu trẻ làm chưa hoàn hảo. Để cho bé được tự làm những việc trong khả năng của bé như chọn quần áo, cất giày dép, rót nước để uống, dọn dẹp chén bát… Việc cha mẹ dành tặng lời khen cũng sẽ kích thích hành vi tích cực ở trẻ.

Không dễ dãi đáp ứng yêu cầu của con: Khi trẻ có đòi hỏi quá đáng thì cha mẹ và người thân trong gia đình cần có thái độ nghiêm khắc, tuyệt đối không thỏa hiệp với trẻ. Trẻ sẽ tiếp tục ăn vạ nếu như hành vi sai lệch ấy được cha mẹ đáp ứng, thoả mãn. Khi trẻ ăn vạ người lớn nên lờ đi chỗ khác, đánh lạc hướng trẻ bằng hoạt động khác. Bên cạnh đó, cha mẹ nên lập ra một số giao ước với trẻ như trẻ được xem tivi bao nhiêu phút trong ngày, khi đi siêu thị trẻ được mua những thứ gì… để trẻ tự biết giới hạn hành vi.

Nâng cao khả năng cho con: Đối với những trường hợp bé muốn được làm việc gì đó nhưng ngoài khả năng của mình, ba mẹ có thể chỉ bảo, hướng dẫn, làm mẫu để bé học hỏi, noi theo chứ không nên cấm đoán trẻ. Giúp con tiêu hao bớt năng lượng: Cha mẹ có thể cho con theo học các năng khiếu như vẽ, đàn, hát, nhảy múa hay học bơi, đạp xe đạp ngoài công viên, đá bóng hoặc đưa con ra ngoài vận động…

Tạo môi trường và điều kiện cho bé vui chơi thoải mái: Khi ở nhà, cha mẹ có thể mua thêm cho con những món đồ chơi phù hợp hoặc cho bé chơi trò đóng vai. Ví dụ, bé thích làm người lớn thì khi mẹ đang nấu cơm thật, có thể cho bé giả vờ nấu cơm bằng đồ chơi, v.v

Cùng trẻ đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3
Cùng trẻ đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3 (Ảnh: afamily.vn)
Cùng trẻ đối phó với khủng hoảng tuổi lên 3 (Ảnh: afamily.vn)

Bản thân cha mẹ cũng cần học cách giữ bình tĩnh hơn trước sự ngang ngược của con. Đánh mắng và đòn roi chỉ làm cho trẻ chai lỳ, dễ “tập nhiễm” hành vi của cha mẹ mà sinh hành xử cộc cằn, thô lỗ, ức hiếp những người yếu hơn mình. Tâm lý trẻ lên 3 rất phức tạp đòi hỏi cha mẹ cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng uốn nắn. Chính tình thương của cha mẹ sẽ giúp trẻ vượt qua giai đoạn mệt mỏi này để ngày một khôn lớn hơn.

Minh Lan