Một đứa trẻ thông minh, không chỉ biểu hiện ra ở phương diện học tập như có thành tích học tập tốt, đạt điểm số cao trong các kỳ thi… Còn có 2 đặc trưng này của một đứa trẻ thông minh mà người lớn thường không dễ dàng phát hiện và coi trọng.
Một đứa trẻ có thành tích học tập tốt, đạt điểm số cao trong các kỳ thi, rất dễ dàng được cha mẹ, thầy cô giáo phát hiện và coi trọng.
Tuy nhiên còn có kiểu trẻ thông minh khác, được biểu hiện ở phương diện có thể đảm nhiệm làm “người đứng đầu”, “người lãnh đạo”. Những đứa trẻ này thể hiện khả năng thích ứng với xã hội mạnh mẽ từ khi còn nhỏ, đó chính là các khả năng thích nghi, sáng tạo và khả năng giao tiếp, đồng thời cũng thể hiện tốt năng lực ứng biến, năng lực hợp tác và năng lực nghiên cứu… Đây chính là những đứa trẻ có ‘nhiều nhân tố thông minh’.
Nhưng những đứa trẻ thông minh dạng này, cha mẹ và các thầy cô giáo thường không dễ dàng phát hiện và coi trọng.
Cha mẹ nên làm gì để con thông minh?
Trước đây, một nhà tâm lý học người Mỹ từng chỉ ra: nếu chỉ đơn giản lấy thành tích học tập tốt – xấu để lựa chọn ra những đứa trẻ thông minh, thì có thể khiến cho khoảng chừng 70% các em có năng lực sáng tạo cao sẽ bị đánh rớt.
Điều này nên được phổ biến rộng rãi để các bậc phụ huynh, giáo viên và toàn xã hội quan tâm và coi trọng. Xét theo tình hình thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ mong muốn con cái mình phải thành rồng thành phượng, cho nên thường tập trung vào bồi dưỡng giáo dục con trên phương diện học tập, cố gắng đạt thành tích cao trong học tập, mà không mấy quan tâm để ý đến việc bồi dưỡng các loại năng lực khác của con. Đây là một quan niệm sai lầm khá nghiêm trọng! Bởi vì chỉ chú trọng thành tích học tập như vậy sẽ khiến cho con trẻ gặp nhiều bất lợi khi hội nhập vào xã hội trong tương lai.
Vì vậy, chúng ta nên chú trọng đến việc bồi dưỡng ‘nhiều nhân tố thông minh’ cho con trẻ. Cha mẹ nên hiểu rằng, việc giáo dục bồi dưỡng các năng lực cho con trẻ hôm nay, là vì để trong tương lai trẻ có thể thích ứng tốt với cuộc sống, với xã hội và có nhiều đóng góp cho xã hội. Chính vì vậy, cha mẹ nên chú ý bồi dưỡng các loại năng lực cho con khi còn đang nhỏ, để con trẻ có thể học được bản lĩnh sinh tồn.
Nói đến việc trẻ có thông minh hay không, nhiều bậc cha mẹ, thầy cô liền nghĩ đến phương pháp trắc nghiệm trí tuệ để kiểm tra mức độ thông minh. Có không ít cha mẹ còn mang con mình đến nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để làm trắc nghiệm đánh giá và xin được tư vấn thêm. Có khá nhiều người coi trọng kết quả của việc kiểm tra trắc nghiệm trí tuệ này, họ dùng kết quả đó để nhận định con mình có thông minh hay không. Trên thực tế, kết quả trắc nghiệm trí tuệ của con trẻ chẳng qua chỉ để tham khảo, bởi vì trí óc của trẻ nhỏ đang ở vào thời kỳ phát triển rất nhanh, đang trong quá trình phát triển còn chưa ổn định và hoàn thiện. Thông qua kết quả của kiểm tra trắc nghiệm không thể khẳng định được trình độ phát triển chính xác trí tuệ của trẻ, càng không thể dùng kết quả đó để dự đoán trình độ trí lực của trẻ về sau.
Trẻ thông minh có 2 đặc trưng
Cha mẹ cùng con cái sớm chiều gần gũi với nhau, thông qua quan sát hành vi và biểu hiện của con, quan sát khả năng giải quyết các vấn đề của con, thì cha mẹ sẽ có sự hiểu biết và đánh giá chuẩn xác hơn về mức độ phát triển trí tuệ của con so với kết quả kiểm tra trắc nghiệm. Vậy trẻ nhỏ thông minh thường có biểu hiện như thế nào? Các nhà tâm lý học cho rằng, năng lực tư duy là nhân tố chủ yếu của trí tuệ. Để nhận biết trẻ thông minh thì phải xem xét các đặc điểm của khả năng tư duy như:
1. Tư duy linh hoạt
Sự linh hoạt của tư duy được biểu hiện chủ yếu ở cách giải quyết các vấn đề khi gặp phải, và trong thời gian ngắn có thể tìm được biện pháp hữu hiệu để giải quyết, có nghĩa là có thể giải quyết vấn đề rất nhanh và hiệu quả.
Chẳng hạn như có một cậu bé 4 tuổi, đang đùa giỡn với quả bóng cao su thì quả bóng bị lăn xuống một cái hố. Cậu ngồi trên mặt đất không cách nào với tay chạm tới quả bóng để lấy bóng lên, cậu bèn nghĩ đến biện pháp lấy nước đổ xuống hố để quả bóng nổi lên, nhờ vậy mà cậu đã lấy được quả bóng lên.
Ở câu chuyện này, cậu bé đã thể hiện ra sự linh hoạt nhanh nhạy trong cách tư duy, bởi vì trong thời gian ngắn cậu bé đã nghĩ ra được một biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề.
Sự linh hoạt của tư duy có thể thông qua một số phương pháp nhất định để bồi dưỡng nên, đó chính là bồi dưỡng cho trẻ phát triển thói quen tích cực suy nghĩ và thích động não.
2. Tư duy mở rộng
Tư duy mở rộng là chỉ khả năng theo những cách suy nghĩ và nhìn nhận khác nhau mà tìm ra những biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. Có nhiều đề bài thi cho học sinh được ra theo kiểu “một đề có nhiều cách giải” cũng chính là một loại huấn luyện tư duy mở rộng cho học sinh.
Cũng như trong một thử nghiệm, một đứa trẻ 5 tuổi có thể kể ra hơn 30 loại sử dụng bằng vải bố và hơn 50 cách sử dụng nước, cậu bé ấy thể hiện mở rộng tư duy một cách tích cực.
Một trong những biểu hiện quan trọng của khả năng tư duy mở rộng chính là có sức tưởng tượng phong phú. Bởi vì tưởng tượng là một quá trình tổng hợp và phân tích các thông tin đặc điểm chung của các sự vật khác nhau, đó cũng là một quá trình mở rông tư duy.
Cuối cùng, quan trọng hơn cả là cha mẹ và con cái cần có được môi trường tiếp xúc gần gũi, yêu thương. Cha mẹ hãy là những người thầy đầu tiên gợi mở, bồi dưỡng nên ‘những nhân tố thông minh’ cho con trẻ.
Theo aboluowang.com
Minh Phúc biên dịch