Bài viết này kể câu chuyện về một cái tên đã gắn liền với Đà Lạt từ rất lâu: thành phố không đèn đỏ. Câu chuyện hơi dài, không có đầu cũng chẳng có cuối – có lẽ chỉ dành cho những ai đã trót yêu và vẫn thương Đà Lạt. Bởi khi đã yêu thương thực lòng, người ta sẽ không đến đây chỉ để chơi hay chụp vài ba bức ảnh mà còn muốn được lắng nghe những câu chuyện tâm tình…

Đã không ít người thắc mắc rằng, đèn đỏ là cái mà nơi nào cũng có; từ thành phố nhỏ, thành phố lớn cho đến thị xã, thị trấn… nhưng vì sao một thành phố du lịch đón hàng triệu du khách mỗi năm như Đà Lạt lại không có cái nào. Có sự nhầm lẫn nào chăng?

Thế nhưng, đó là sự thật, thật 100%: Đà Lạt – thành phố không đèn đỏ. 

Người dân Đà Lạt luôn tự hào rằng, giao thông ở thành phố cao nguyên với những con đèo, con dốc nối đuôi nhau trải dài uốn lượn này là một “đặc sản” có một không hai, một đặc sản không thể nhầm lẫn vào đâu được trong tất cả thành phố trên cả nước. 

Chẳng ai biết rõ lý do vì sao Đà Lạt không có một cột đèn tín hiệu giao thông nào.

Có người nói rằng, vì người dân bản xứ không nỡ nhìn thấy mảnh đất xinh đẹp, trù phú này bị công nghệ xâm chiếm nên không chịu lắp đèn. Họ muốn Đà Lạt của hiện tại và của hàng trăm năm sau này, vẫn luôn là vùng đồi thơ mộng của hàng trăm năm trước. 

Có người lại bảo, vì địa hình đồi núi, nhiều dốc cao của xứ cao nguyên lộng gió này; nếu đặt đèn tín hiệu sẽ gây khó khăn cho phương tiện đang đà leo dốc mà gặp phải đèn đỏ.

Còn những người dân gốc Đà Lạt thì nói, ngày xưa, khi xây dựng thành phố này, người Pháp chỉ dự trù số dân cư là 90 ngàn người. Do đó, họ chỉ thiết kế các tuyến đường nhỏ hẹp, uốn lượn theo các triền núi hữu tình. Nào ngờ đâu, người ta lại yêu quý Đà Lạt đến thế! Dân số cứ thế mở rộng ra đến tận 250 ngàn người, chưa kể còn hàng triệu khách du lịch mỗi năm.

videoinfo__video3.dkn.tv||eda9c8ab6__

Vậy nên, ngay cả trong các lễ hội cao điểm, giao thông ùn tắc khiến người ta khó thở, hay bất kể những than ngắn thở dài về rừng người chen chúc nhau trong những mùa du lịch, vẫn chẳng ai nghĩ đến việc lắp một đèn đỏ cho thành phố này, cũng chẳng ai muốn rời Đà Lạt để đến một nơi khác.

Người ta vẫn nhớ, vẫn thương Đà Lạt dù cho nó càng ngày càng đông. Cũng chẳng biết là thương người hay thương phong cảnh, mà chẳng ai nỡ thay đổi điều gì.

Thực ra, giao thông ở Đà Lạt ở Đà Lạt không phải chỉ đơn giản là chuyện về mấy cái cột đèn, mà sâu hơn, xa hơn, nguồn gốc của mọi việc, vẫn là con người. Và câu chuyện không đèn đỏ nơi thành phố cao nguyên chính là một minh chứng cho nét tính cách rất đáng nể phục của người dân xứ này. Đó chính là ý thức.

Ai cũng biết người Đà Lạt mến khách, dễ thương, nhẹ nhàng, lãng mạn. Nhưng phía sau những vẻ đẹp mong manh ấy, là một ý thức cộng đồng mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Nếu không tin, bạn hãy thử ghé Đà Lạt, thuê chiếc xe máy và chạy rong ruổi khắp thành phố một lần sẽ biết.

Bạn sẽ nhận ra rằng, ở Đà Lạt rất hiếm khi có chuyện phóng nhanh vượt ẩu, càng hiếm có chuyện tạt đầu xe dành phần đi trước.

Bạn cũng có thể ngang qua một ngã tư và xem cách người Đà Lạt nhường đường cho nhau.

Gần như ngã tư nào cũng vậy, giờ tan tầm, dù có vội về nhà bao nhiêu, người ta vẫn phanh đứng sựng chiếc xe của mình lại, nhường đường cho người khác qua trước. Và khi ấy, người ta sẽ nở một nụ cười nồng hậu với nhau rồi gật đầu cảm ơn. Chuyện bé xíu xiu nhưng ấm lòng đến lạ.

Bạn thấy không? Tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy bằng ánh mắt, lắng nghe được bằng tai, ngửi được bằng mũi, đều đang kể bạn nghe một câu chuyện rất riêng về Đà Lạt. Người Đà Lạt khiêm nhường, từ tốn như vậy đó. Họ tôn trọng người khác và cũng là tôn trọng chính mình.

Như câu chuyện đèn đỏ vậy, phía sau nó là rất nhiều ý niệm khác về con người và văn hóa bản địa, mà chỉ có chầm chậm lắng nghe, từ từ cảm nhận mới thấu hết được.

Đà Lạt hồn hậu, đẹp đẽ không chỉ ở hồ Xuân Hương, đồi thông, thác nước, hay những homestay nổi tiếng gần xa mà cái đẹp ấy ngấm trong từng cử chỉ dung dị của con người nơi đây. Cái đẹp ấy không lướt qua trong thoáng chốc rồi vội vàng trôi vào lãng quên. Nó khiến người ta nhớ mãi, đọng mãi…

(Ảnh và video được dẫn nguồn từ Facebook Đà Lạt trong tôi)