Yolo (You Only Live Once) – Phong cách sống mới đang ngày càng gia tăng trong giới trẻ Hàn Quốc. Đó là lối sống tách mình ra khỏi những kết nối cộng đồng và chọn cách làm gì cũng “một mình”. Họ theo đuổi những quan điểm đã đặt ra mà không nghĩ nhiều đến việc người khác đánh giá về mình, tất cả chỉ nhằm mục đích thỏa mãn sở thích, đam mê của bản thân.
Trào lưu “một mình” trở thành hiện tượng xã hội
Người Hàn Quốc từng rất ưa chuộng văn hóa tập thể nhưng dường như giờ đây nét văn hóa này đã bị phá bỏ. Sự thay đổi trong tâm lý và hành vi của những người trẻ xứ kim chi đang ngày càng rõ rệt. Họ chuyển từ lối sống cộng đồng truyền thống như đi ăn uống cùng đồng nghiệp sau giờ làm hay đi leo núi cùng nhau sang việc đi ăn tối, xem phim, du lịch một mình.
Theo quan điểm của các thanh niên Hàn Quốc hiện đại, bạn chỉ sống một lần trong đời nên hãy sống cho bản thân mình thay vì sống cho người khác, sống cho hiện tại thay vì cho tương lai. Vì vậy, họ bỏ ngoài tai tất cả những gièm pha và hướng tới phong cách một mình đầy mới lạ nhưng cũng nhiều tranh cãi này.
Giáo sư Jeon Mi-young (trường Đại học quốc gia Seoul) từng phát biểu trong một chương trình phỏng vấn trên truyền hình: Thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay đã khác xưa nhiều – Họ không còn bận tâm việc người khác nghĩ gì về hành vi tiêu xài của mình. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng của họ cũng mang tính tiêu khiển nhiều hơn là lý tính.
Thật vậy, làn sóng đi ăn một mình, được người Hàn Quốc gọi là “honbap”, được cấu tạo từ hai từ “honcha” (một mình) và “bap” (cơm), đang trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm gần đây, trái ngược hẳn với hình ảnh bữa cơm gia đình hay những buổi tiệc đông bạn bè vốn rất phổ biến ở Hàn Quốc trước đó.
Park Da-som, nhân viên ngân hàng 25 tuổi, cho biết: “Trước kia, mỗi khi tôi đi ăn một mình, người ta nhìn tôi rất lạ lẫm. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ xã hội không còn coi đó là hành động kỳ quặc nữa. Đi ăn một mình đã là trào lưu mới ở Hàn Quốc”
Bắt kịp xu hướng này, các công ty, doanh nghiệp đã cho ra các chương trình, sản phẩm ưu đãi nếu ai đó đi ăn, đi chơi chỉ một mình. “Chúng tôi chào đón những người tới quán một mình” – Biển quảng cáo của một quán bar ở quận trung tâm Hongdae, thủ đô Seoul.
Quán bar Gitteol mới mở cửa, sau khi người chủ là một nữ họa sĩ 41 tuổi nhận thấy ngày càng nhiều người Hàn Quốc đi nhậu một mình. Nhắm tới đối tượng khách hàng mới, quán Gitteol bố trí nhiều chỗ ngồi đơn lẻ xung quanh quầy bar và bỏ bớt những chiếc bàn vốn dĩ dành cho các khách hàng đi theo nhóm.
Nhà hàng BBQ Yuk Cheop Ban Sang còn treo poster chỉ ra 8 cấp độ đi ăn một mình – Honbap. Trong đó, ăn mì ramen tại cửa hàng tiện lợi là cấp độ thấp nhất còn ăn BBQ một mình là mức độ khó nhất. Bên trong nhà hàng, thực khách ngồi trên ghế dài, đối diện là dãy ổ sạc điện thoại với phần thịt nướng dành cho một người. Thậm chí, tại một nhà hàng ramen Nhật Bản khác, khách hàng có thể gọi món bằng máy và ngồi tại những buồng ngăn cách để hạn chế tương tác với người khác.
Các công ty khác cũng bắt đầu đuổi kịp xu hướng một mình này với việc thay đổi kích cỡ mẫu hàng đang kinh doanh. Emart, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc cho biết doanh số của dưa hấu loại nhỏ bằng bàn tay đã tăng mạnh. Các mặt hàng gia dụng như nồi nấu cơm và máy giặt cũng bắt đầu được sản xuất với kích cỡ nhỏ hơn dành cho một người dùng.
Thậm chí, các ngân hàng Hàn Quốc đã bắt đầu cung cấp dịch vụ “YOLO credit card” giảm giá tại Starbucks, các rạp chiếu phim và cửa hàng tiện lợi… nhằm phục vụ lớp người tiêu dùng mới này.
Ngay cả kết hôn… cũng một mình
Cùng với làn sóng chủ nghĩa cá nhân, nhiều phụ nữ Hàn Quốc muốn tập trung vào sự nghiệp hơn và không xem hôn nhân là một việc bắt buộc. Thậm chí một số còn cử hành “đám cưới độc thân” với chuỗi ảnh cô dâu trong bộ váy cưới một mình hoặc tổ chức một buổi nghi lễ – Một phần để ‘gỡ lại’ số tiền mừng tiệc cưới mà họ đã tham dự.
Theo lẽ thường, phụ nữ sẽ luôn muốn có một đám cưới lung linh với dàn khách mời sang trọng, chú rể đứng trên sân khấu đợi cô dâu tiến vào lễ đường. Thế nhưng, phụ nữ Hàn Quốc lại đang tự cho mình quyền “sống khác biệt” theo cách mà họ cho là cá tính và độc lập.
Yang Eun-joo, 32 tuổi hiện đang là nhân viên của LG Electronics đã chụp bộ ảnh cưới một mình vào tháng 3 sau khi hoãn lễ đính hôn vào năm ngoái. Cả cô và bạn trai đều không có ý định kết hôn. “Tôi vẫn chưa có ý định kết hôn trong tương lai nhưng tôi muốn mặc chiếc váy cưới khi tôi còn trẻ. Gia đình vẫn thúc đẩy chuyện hôn nhân, nhưng tôi thực sự là không nghĩ nhiều đến nó.” Yang chia sẻ.
Mới đây công ty kinh doanh mỹ phẩm Lush của Anh tại Hàn Quốc đã “ủng hộ phong trào” khi chúc mừng đám cưới đơn thân của một nam nhân viên làm việc tại công ty, kèm theo trao quà cưới. Ông chủ thậm chí còn ký duyệt cho anh này một kỳ nghỉ để hưởng tuần trăng mật một mình.
Theo thống kê từ chính phủ, số hộ gia đình một thành viên đang phổ biến ở Hàn Quốc, chiếm 27% vào năm 2015, tương đương với tỷ lệ hộ gia đình một thành viên tại Mỹ. Đáng chú ý hơn là sự gia tăng này diễn ra khá nhanh: Chỉ một thập niên trước đây, đa số các gia đình tại Hàn Quốc có 4 thành viên. Số liệu chính thức cũng cho thấy tỉ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đã giảm 17% trong giai đoạn 2011-2016, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974.
Mặt trái của YOLO – Vì đâu người ta không còn muốn kết nối?
Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, có thể dễ dàng hiểu được lý do tại sao giới trẻ ngày càng thích “một mình”. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, lương thấp và giá nhà đắt đỏ đã khiến cho thế hệ trẻ cảm thấy một tương lai ảm đạm trước mắt. Thêm vào đó là những áp lực từ gia đình và xã hội càng khiến họ muốn ‘nổi dậy’, thoát ra khỏi những định kiến và dành thời gian tìm kiếm cái tôi nhiều hơn.
Những thanh niên Hàn Quốc cho rằng việc kết nối với cộng đồng và gia tăng các mối quan hệ sẽ khiến họ mệt mỏi, căng thẳng, phiền phức, thậm chí là tốn kém hơn… Điều đó khiến họ ngày càng ngại sống chung, ngày càng muốn tách mình ra khỏi tập thể và sống cách biệt. Họ cũng trở nên lười hẹn hò và không muốn kết hôn.
Trên thực tế, phần đông giới trẻ đang tạo ra những gia đình một thành viên và xu hướng này phát triển quá nhanh khiến chính phủ Hàn Quốc không khỏi lo lắng. Thậm chí, các chuyên gia còn nhận định rằng, xu hướng độc thân kéo theo tốc độ gia tăng dân số tự nhiên giảm mạnh. Nếu giới trẻ vẫn tiếp tục sống độc thân như hiện tại, Hàn Quốc sẽ sớm phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng dân số trong một vài năm tới.
Thêm một mặt trái nữa của Yolo, đó là xu hướng mới này hoàn toàn không được thế hệ đi trước ủng hộ. Họ cho rằng, văn hóa tập thể đã là một nét đẹp truyền thống từ lâu đời của xứ sở kim chi, còn những thay đổi chóng mặt trong lối sống hiện đại như một sự biến dị và méo mó về chuẩn mực đạo đức.
Thực ra, chúng ta đang sống trong một xã hội tự do, nhưng dường như mỗi người đều không nhận ra rằng, cuộc sống càng tự do, ta càng dễ dàng đánh mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp đã được cha ông dày công gây dựng, để rồi, ta thậm chí lãng quên chính cội nguồn của mình, không còn biết ý nghĩa sự tồn tại của mình trong cuộc đời và trở nên lạc lối.
Bởi chúng ta đều là một phần tử của xã hội nên bất cứ ai cũng không thể tồn tại một mình. Việc sống cách biệt khỏi cộng đồng có thể đem đến cảm giác dễ chịu nhất thời, nhưng về lâu dài nó sẽ khiến bạn trở nên lạc lõng, cô độc và bào mòn đi ý nghĩa sống thực sự của bản thân.
Thực ra, sống một mình không phải là sự thể hiện cá tính, mà chính là sự hoang phí những năm tháng ngắn ngủi được sống trên đời. Vậy nên, những ai có xu hướng ưa chuộng cách sống này, hãy nhanh chóng tỉnh táo, bởi đây không phải là một lối sống tốt đẹp lành mạnh, nó chỉ đem đến sự phá hủy tâm hồn tràn đầy sức sống của bạn, biến bạn thành một cỗ máy “trơ” về mặt cảm xúc, chỉ lủi thủi một mình trong khoảng cô đơn vô cùng tận…
Hiểu Minh
Xem thêm:
- Phong cách sống Lagom của người Thụy Điển: ‘Biết đủ chính là tự do’
- Việt Nam lọt top những bức ảnh tuyệt vời nhất trong cuộc thi ảnh quốc tế – Siena: Hãy biết ơn những gì mà Trái đất ban tặng!
- Dấu ấn tuần qua: Người dân nhiều nước kêu gọi Trung Quốc chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công