Người ta thường nói: “Cháu bà nội thì tội bà ngoại” câu này rất đúng với tôi. Cả một tuổi thơ gắn liền với những lời chỉ bảo nghiêm khắc mà ân cần của ông ngoại, tình yêu thương và chăm sóc nhọc nhằn của bà ngoại, tôi cứ thế lớn lên mà chẳng bao giờ cảm thấy mình bất hạnh hay thiếu thốn điều gì.
Rồi ông ngoại mất khi tôi bắt đầu học lớp 6, đó là lần đầu tiên tôi biết cái chết là như thế nào, tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng tôi không hiểu lắm mọi người trong gia đình vì sao không khóc to như tôi, đặc biệt là bà, bà chỉ rân rấn nước mắt rồi lặng lẽ ngồi bên cạnh ông.
Sau này tôi mới hiểu ra, khi ta chứng kiến người thương yêu của mình chịu đựng cơn đau thể xác, thì việc họ trút bỏ được sự dày vò đó cũng là điều khiến ta yên lòng. Bà buồn vì phải chia tay người mà bà đã chung sống suốt cuộc đời, nhưng đủ điềm tĩnh để biết điều gì thật sự là tốt với ông.
Tôi lớn lên trong một gia đình mà thời gian sống chung với cả ba và mẹ là một ký ức cực kỳ mờ nhạt, có lẽ trong tôi nó chỉ là vài khoảnh khắc không mấy ấn tượng. Ba mẹ tôi không sống cùng với nhau từ khi tôi còn rất nhỏ. Dù chẳng chính thức ly hôn, nhưng cũng là cái cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Thế rồi từ khi bắt đầu biết đi tôi đến nhà ngoại để ông bà nuôi nấng. Ông bà bên nội thì mất sớm, thế nên đối với tôi, ông bà ngoại là tất cả ký ức về tình yêu thương thời thơ bé.
Dáng người bà nhỏ, lưng còng gập xuống, tóc thì bạc gần như trắng đầu. Nhìn bà chẳng ai tin bà mới 62 tuổi, những người già quanh khu phố kể rằng ngày xưa bà đẹp lắm, chứ không gầy gò như bây giờ. Có lẽ vì những năm tháng cực khổ thời bao cấp, vất vả chăm lo cho con cháu mà giờ thân hình héo hon theo năm tháng.
Bà một mình nuôi tôi từ khi ông mất, càng lớn tôi càng cảm thấy gắn bó và giúp bà nhiều hơn trong việc nhà và buôn bán. Cả khu chợ ven sông ấy, ai cũng khen thằng cháu ngoại của bà là ngoan ngoãn lễ phép. Thế nhưng dù sao tôi vẫn là một đứa nhóc, đôi lúc cũng ham chơi, đôi lúc hư hỏng mà bị đánh đòn.
Một mình bà vò võ với cái quầy bán nồi đất và thúng mủng. Cả dãy nhà gần chợ đó có lẽ chỉ có nhà tôi là sập xệ đến đáng thương. Phần vì con cái đi làm xa nhà chỉ có 2 bà cháu, phần vì khu đó trong diện giải tỏa thêm cái gia cảnh cũng không mấy dư giả nên bà không dám xây cất cơi nới. Tôi thì cứ sống trong những tháng ngày hạnh phúc nhất đời mình với sự yêu thương và đùm bọc mà chẳng bao giờ nghĩ rằng nhà mình xấu đẹp như thế nào, đối với tôi đó đơn giản là tổ ấm.
Ngôi nhà của Ngoại có một phòng ngủ được làm bằng mái tôn, điều tôi nhớ nhất với gian phòng này là mỗi khi mưa xuống. Vào mùa hạ, những cơn mưa rào đổ ập đến lúc nửa đêm khiến chúng tôi chẳng thể nào chợp mắt. Nước mưa trên mái tôn cùng với tiếng sấm sét ngoài trời như trăm ngàn chiếc búa đang đập phá mái nhà của hai bà cháu.
Thằng cháu sợ vì tiếng lộp bộp quá to của những giọt nước va vào mái tôn hãy còn nóng hôi hổi, nên cứ ôm chầm lấy bà. Bà thương lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào. Nhưng lúc đó tôi đâu biết rằng đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời mà mình chẳng bao giờ có lại. Khi mà được cảm nhận hơi ấm và tình thương của Ngoại, tôi càng yên lòng hơn.
Rồi mùa bão đến, những cơn bão lại thử thách chúng tôi với những tiếng rít dồn dập, trực chờ lật tung và xé nát mái tôn trên đầu 2 bà cháu. Tôi lúc đó rất sợ, tôi biết bà cũng sợ, nhưng vẫn ôm và vỗ về tôi, hai bà cháu cứ ôm nhau thức cho qua đêm. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghe tiếng gió giật bên tai, tôi vẫn giật mình giữa đêm dù trên đầu đã là lớp bê tông vô cùng chắc chắn. Rồi những lần nghe thấy tiếng mưa rơi ở hiên nhà ai đó, lòng tôi lại trĩu lại vì nghĩ đến những ngày tháng mùa hạ được ở cùng bà.
Nhờ cái quán bé tý tẹo trước cửa mà bà nuôi sống 3 người con, kể ra nó cũng khá là đông khách. Tôi nhớ có lần một ông khách đến mua nồi đất, vì mua số lượng lớn nên kiểm tra hàng rất kỹ. Kỹ quá hóa quên, lúc về ông ấy để quên một cái balo bên trong toàn là tiền. Biết khách để quên, bà mang nó để ở trên ghế, cũng chẳng để ý hay tơ hào gì, chỉ đợi khách quay lại để lấy. Thế mà tận mấy hôm sau, ông khách mới quay lại, không tin rằng balo vẫn còn đó, tiền vẫn còn đó. Ông mừng lắm, ông gửi bà một ít gọi là hậu tạ nhưng bà nhất mực từ chối. Ông kia từ đó mà thành khách quen nhà tôi.
Cái đầu bé con của tôi lúc đó chẳng thể nhớ nổi nhiều chi tiết, nhưng câu chuyện ấy vẫn mãi đi theo tôi, để sau này tôi hiểu ra rằng, cái tính thương người và lương thiện của mình là được học từ bà ngoại.
Rồi tuổi thơ đẹp đẽ đó chẳng lưu giữ được bao lâu. 4 năm sau ngày ông mất, cũng là lúc tôi chuẩn bị thi chuyển cấp, bà ốm rất nặng. Hai hòn sỏi như đầu ngón tay út khiến căn bệnh biến chứng thành bể thận. Những ngày đó, người tôi như căng ra làm 2, vừa lo ôn thi mà vừa thương bà. Bà đau và mệt, nhưng vẫn cố bán hàng. Nằm trên một cái ghế dựa dài với cái ống thông thẳng vào đường tiết niệu, thế mà bà chẳng cho các con đóng cửa hàng. Bà bảo rằng: “Đóng cửa thì lấy cái gì mà ăn, khách họ không thấy, họ đi hết, sau này còn bán cho ai”. Thế là mẹ tôi phải nghỉ làm chăm vừa phụ bà bán hàng.
Cuối hè ấy, tôi thi đậu vào một trường công có tiếng, lúc báo kết quả, bà tôi vui lắm. Khóe môi mỉm cười yếu ớt nhưng ánh mắt bà sáng lên một niềm tự hào rất khác lạ, bà khen thằng cháu rồi kể hết cho những ai đến thăm rằng cháu ngoại bà đã thi đậu trường này trường kia.
Nhưng bà không đợi được đến ngày nhập học của tôi, một tháng sau đó, bà qua đời! Giây phút bà trút hơi thở cuối cùng cũng là khoảnh khắc ám ảnh tôi cho mãi đến tận sau này. Lúc đó, tôi cãi lại mẹ trước mặt bà rồi tức giận bỏ ra sau nhà, mẹ tôi cáu kỉnh lắm, đem quần áo đi giặt mà để bà một mình trên giường bệnh. Tâm tôi lúc đó chẳng còn nghĩ gì hết ngoài những ấm ức mà mình phải chịu, những khổ sở mà một thằng nhóc phải trải qua suốt một mùa hè nhiều thử thách chẳng hề được giải tỏa.
Cho đến khi nghe thấy tiếng mẹ khóc thét lên. Tim tôi như ngừng đập.
Lần thứ hai trong đời, người thân yêu nhất của tôi ra đi, đôi mắt vô hồn và nước da tái nhạt. Thân thể bà giờ không còn sự sống và lạnh ngắt, một thằng nhóc ở cái tuổi thiếu niên chưa hiểu chuyện đã gây ra một lỗi lầm lớn. Bà ra đi khi mà xung quanh chẳng có ai, bà ra đi cùng những dày vò từ thân thể. Khóe mắt bà vẫn ngân ngấn nước…
Trong lễ tang, tôi đã không khóc nhiều mà dường như rơi vào cái trạng thái giống như lúc bà tiễn đưa ông. Có lẽ càng lớn, nỗi đau của người ta càng khó nhận biết, người ta đã quen với cái áo khoác mạnh mẽ trước chốn đông người mà chấp nhận những day dứt trong tim đến tận nhiều năm.
Trong gia đình, người mơ về bà ngoại nhiều nhất là tôi, thậm chí đến lúc đi học đại học tôi vẫn thường thấy bà cười với mình trong từng giấc ngủ chập chờn. Để rồi, mỗi khi cơn mưa rào mùa hạ tí tách ghé qua mái hiên nhà ai đó, tôi lại rưng rưng nước mắt.
Ai đó nói rằng: Người ra đi thì không trở lại, nhưng người sống thì phải tiếp tục cố gắng. Ấy mà chẳng ai hiểu được cố gắng ấy khó khăn thế nào. Những bất hạnh gia đình nhiều lần đánh quỵ đứa cháu ngoại của bà, thật may mắn là nó vẫn gượng đứng dậy, mạnh mẽ bước thêm 3 năm cấp ba rồi vào đại học. Tôi giờ đã thoát khỏi cái ám ảnh về những ngày học trung học thiếu thốn tình cảm gia đình, thiếu thốn tình cảm của bà ngoại.
Bởi vì dần dà, tôi khám phá ra rằng, thế giới ngoài kia còn nhiều điều đáng để yêu, để tận hưởng lắm! Tôi không thể mãi cứ đau đáu một suy nghĩ tiêu cực về những kỷ niệm không vui. Tôi nhận ra rằng mình đã vô tình vẽ nên khung cảnh mùa hạ với những gam màu tối mà thực ra chúng vốn rất đẹp. Mùa hạ ấy là những bát chè đậu đỏ mát lạnh, là sắc xanh của cây hoa sữa trước nhà, là sắc vàng như đổ lửa trên mặt sông bằng lặng. Mùa hạ ấy là một mùa hạ đẹp vì màu áo nâu của bà, vì có những người thân yêu của tôi nữa.
Trải qua thời gian đó, tôi thấm thía được cái giá của những ngày hạnh phúc, tôi hiểu rằng những phút giây đau khổ hay sung sướng trong cuộc đời một con người đều là sự an bài từ trước. Mỗi khi nghĩ như vậy, tâm hồn tôi an yên đến lạ, tôi đã học cách chấp nhận quá khứ và chấp nhận cả những cơn mưa mùa hạ sắp tới.
Đâu đó ở trên kia, chắc bà đang mỉm cười khi thấy đứa cháu bé bỏng đã tìm ra con đường mà mình phải đi, cái đích mà mình phải đến. Và tôi cũng quyết định rằng quá khứ đau buồn không thể níu chân tôi thêm lần nào nữa trên con đường mà tôi đang dũng cảm bước đi.
Trọng Đạt