Người ta thường nói “có tài thì có tật”. Việt Nam có người chinh phục 4 kỷ lục thế giới về trí nhớ nhưng nếu lùi lại quá khứ, ai có thể ngờ người này từng học “yếu toàn diện”, là một học sinh “siêu yếu” và từng bị “đá” vì không nhớ nổi sinh nhật của bạn gái.

Theo tin đã đưa, ngày 6/11 vừa qua, Dương Anh Vũ (28 tuổi, huyện Phước Ninh, tỉnh Ninh Thuận) được 3 tổ chức kỷ lục thế giới có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ và Hồng Kông gồm quỹ Nghiên cứu Hỗ trợ Kỷ lục thế giới, Sách Kỷ lục Thế giới High Range và Sách Kỷ lục Incredible công nhận 4 kỷ lục về trí nhớ học thuật.

Vũ không ngần ngại chia sẻ về quá khứ học ‘yếu toàn diện’ của mình

Sinh ra ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận), từ thời tiểu học, Vũ là học sinh… yếu toàn diện và thi lại như “cơm bữa”.

Vũ và chị gái Dương Anh Hoa (hơn 1 tuổi) đều nổi tiếng trong trường. Ai cũng biết đến Hoa là một nữ sinh giỏi Toán còn Vũ thì ngược lại, nổi tiếng là một học sinh hạng “bét”.

“Mình và chị gái học cùng trường và đều nổi tiếng. Nhắc đến chị gái, mọi người nhớ đến một học sinh giỏi. Nhắc đến mình, mọi người nhớ đến một học sinh học siêu yếu”, cậu chia sẻ.

Cấp 2, Vũ từng bị tất cả các trường công lập từ chối nhận vào học. Không có cách nào khác, Vũ đành nộp hồ sơ vào học hệ bán công. Bốn năm cấp hai, vốn kiến thức cuẩ Vũ vẫn không được cải thiện. Trong tất cả các năm cậu đều thi lại.

Đỉnh điểm là vào cuối năm lớp 9, Vũ đậu tốt nghiệp với số điểm thấp đến mức tất cả các trường THPT bán công trên địa bàn đều từ chối nhận học. Vũ thừa nhận lúc này mình thật sự sốc. Tuy nhiên, người sốc nhất lại chính là bố của Vũ.

Bố của Vũ là người khá nghiêm khắc. Do học yếu nên ông thường la mắng và đánh đòn con trai. Thế nhưng, khi biết tất cả trường bán công đều từ chối con, ông lại nhẹ nhàng đề nghi: “Cha đã cho con cơ hội nhiều năm qua nhưng con không cải thiện được. Người ta học tiểu học 5 năm thì con phải mất 6 năm. Tất cả 9 năm qua con đều thi lại. Đến nay, cơ hội con đã hết, con nên nghỉ học chữ để đi học nghề”.

Vũ cố gắng cầu xin được đi học và cho thêm cơ hội nữa nhưng ông cay đắng quay lưng đáp trả một từ khô khốc: “Không” kèm lời dặn: “Từ nay, bố sẽ không đề cập đến việc học hành của con nữa“.

Khi thấy mắt bố ứ đầy nước mắt, cậu mới cảm nhận nỗi thất vọng của bố đối với mình như thế nào. Vũ tự hứa phải lấy lại niềm tin của đấng sinh thành.

Cậu tự nộp đơn vào một trường hệ bổ túc cách nhà khoảng 40km. Năm lớp 10, sáng sớm Vũ đạp xe đến trường, chiều và tối thì tham gia lớp học thêm để bổ sung kiến thức bị hổng các năm cấp hai không quản nắng mưa.

Cậu cũng từng nhiều lần bị người khác bàn tán về việc một học sinh lớp 10 phải ngồi học chung với học sinh lớp 6. Cậu biết nhưng chỉ im lặng hoàn thành công việc của mình.

Lên lớp 11, mặc dù kết quả học tập được cải thiện bất ngờ nhưng khi nhà trường giới thiệu cậu đi thi học sinh giỏi quốc gia thì cậu không được thi vì theo quy chế không cho học sinh hệ bổ túc tham gia. Điều này khiến cậu bị sốc và đến nay vẫn còn di chứng.

Vũ bảo: “Điều may mắn nhất của mình là đã gặp rất nhiều thầy cô yêu quý, tràn đầy niềm tin vào học sinh trong đó có thầy giáo Nguyễn Đức Thạch. Thầy khuyên mình mọi chuyện không có gì quan trọng, cứ thi đại học vào một trường danh tiếng để mọi người biết sức học của mình”.

Nghe lời thầy, Vũ đăng ký thi vào trường đại học Quốc gia TP.HCM. Trong khoảng thời gian học đại học, cậu tiếp tục bổ sung kiến thức bằng việc đầu tư đọc sách, nghiên cứu các đề tài…

Năm Vũ thi tốt nghiệp phổ thông cũng là năm đầu tiên Bộ Giáo dục thực hiện “không gian lận” trong thi cử. Trong số 15 học sinh ít ỏi của trường đỗ, Vũ đạt số điểm cao nhất. Sau đó, Vũ tiếp tục thi đỗ vào trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Đến năm tư, cậu nộp đơn xin học bổng thạc sĩ và được đại học Auckland (New Zealand) chấp thuận.

“Rồi cứ thế mà tiến, tôi nghiên cứu nhiều đề tài, nâng cấp thêm trí nhớ và nhận được học bổng cao học, chuyên ngành kinh tế ở ĐH Auckland, New Zealand. Giờ đây, tôi hội đủ điều kiện để vào xin nghiên cứu chuyên ngành Trí nhớ và tâm lý giáo dục tại ĐH WRU (World Record University)”,Vũ chia sẻ. Lúc này, Vũ có trong tay bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, cậu tiếp tục nộp đơn xin học bổng và đã có bốn trường chấp thuận. Sau cùng, cậu chọn trường đại học Leeds Metropotitan (Vương quốc Anh) để học. Hiện, cậu đang chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ.

Biết đến khả năng của Dương Anh Vũ, Sách kỷ lục Thái Lan và ACMaP (Hiệp hội Sáng tạo trí nhớ và Vui chơi Thái Lan) đã gửi thư về Việt Nam mời anh sang Bangkok trình diễn khả năng trí nhớ.

Vào 2015, Vũ cũng được Sách kỷ lục Thái Lan ghi danh là kỷ lục gia về trí nhớ. Trong vòng hai giờ đồng hồ, Vũ trình diễn khả năng nhớ 108 cột dữ liệu khác nhau về văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội của 206 quốc gia trên thế giới với 22.248 mục dữ liệu liên quan đến diện tích, dân số, thủ đô, tiền tệ, hệ thống chính trị…

Cả nhà Vũ không ai thực sự biết anh xác lập kỷ lục hay rèn luyện trí nhớ “đến khi tôi xác lập thành công, báo chí đưa tin thì mới biết thôi”. Vũ cũng không hề dùng bất cứ “tuyệt chiêu” hỗ trợ tăng trí nhớ nào (như uống thuốc, chế độ dinh dưỡng).

Vũ vừa xác lập kỷ lục thế giới tại Ấn Độ

Ông Tayan Phonanan – Chủ tịch Sách kỷ lục Thái Lan ôm Vũ và thốt lên ở hội trường: “Khi tôi tận mắt thấy khối lượng dữ liệu bạn mang đến, thực sự tôi rất sợ bạn không nhớ được. Nó quá nhiều. Bạn không chỉ nhớ dữ liệu mà bạn còn có thể liên kết, mở rộng và phân tích chúng”.

Chính thành tích này đã giúp Vũ được nhiều bạn bè trên thế giới biết đến. Đó cũng là động lực giúp cậu đăng ký tham gia xác lập các kỷ lục của Mỹ, Ấn Độ và Hồng Kông về trí nhớ.

Vũ vui mừng với thành tích vừa đạt được

Tại Ấn Độ, các nội dung mà Vũ xác lập gồm nhớ được 108 hệ thống dữ liệu thống kê toàn cầu về kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội của 225 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 22.248 mục dữ liệu, trong đó chứa 41.725 con số và 18.725 mục dữ liệu chữ.

Vũ được ba tổ chức kỷ lục thế giới công nhận sau khi kiểm tra tại Ấn Độ.

Vũ chia sẻ thêm một kỷ niệm đáng nhớ khi thể hiện khả năng nhớ của mình cho một lần đi in dữ liệu

Trước khi đi Thái Lan xác lập kỷ lục, tôi mang dữ liệu ra in, anh chủ quán cứ loay hoay tìm cách để phân toàn bộ dữ liệu ra để có thể in ra dễ nhất, thế là chia mãi mới ra được 4 phần tương ứng với 4 cuộn giấy. Quán in khá nhỏ, in xong để cuốn lại anh ấy phải trải nó từ trong nhà ra đến ngoài đường, vì có cuộn dài đến 7m, ai đi ngang qua đều ngó nhìn.

Chủ quán tò mò, hỏi chuyện, mới ra là chàng 8X chuẩn bị đi biểu diễn trí nhớ. Bằng giọng đặc trưng của miền quê Ninh Thuận, Vũ cởi mở kể chuyện: . “Ảnh ấy cười và nói “cứ giỡn hoài”, “nếu em mà làm được thì em chả khác chi cái google”. Thế là mình thử cho ảnh xem, ảnh cứ bù lu bù loa hỏi “sao nhớ được hay vậy trời?!”

Nhờ thế khi in xong anh chủ quán chỉ lấy giá có 1 nửa tiền. Một lần đi ngoài đường ảnh gặp, ảnh gọi to “google” “google”… Nghe thấy ai kêu gì cái tên quái vậy, mình ngoảnh lại nhìn thử, hóa ra ảnh kêu mình. Ảnh bảo do hôm trước không hỏi tên nên gặp em chả biết kêu thế nào nên… (ảnh cười)”.

Hiện tại, Vũ đang đi dạy cho những học sinh bị cho là “không thể tiến bộ về học tập” giống anh trước đây.

“Học càng dốt mình càng… khoái, mình nghĩ đơn giản thế này: “Một học sinh dở, mình có thể dễ dàng cho chúng biết điểm mạnh của chúng ở đâu, còn một học sinh giỏi (đôi khi) khó để cho chúng chấp nhận điểm hạn chế của mình”.

“Tất cả mình đều dạy kèm theo hình thức lấy trí nhớ làm nền tảng, phát triển năng lực ngôn ngữ, kỹ năng tư duy tự nhiên cũng như xã hội. Mình dạy kèm theo từng khóa, ít nhất 3 tháng, không dạy “chộp giật” theo kiểu vài buổi, dạy như thế không có hiệu quả”, Vũ chia sẻ.

Điều đặc biệt khó lý giải nhất là dù Vũ có khả năng nhớ siêu phàm như thế nhưng khi được hỏi: “Liệu có điều gì mà anh không thể nhớ?” thì Vũ thú thật: “Tôi không nhớ số điện thoại của tôi và bạn gái tôi, tôi cũng không nhớ ngày sinh nhật của cô ấy. Đó là lý do cô ấy bỏ tôi.”

Đến nay, cậu vẫn chưa dám yêu lại vì sợ sẽ làm tổn thương người khác.

Cuộc sống quả thực có nhiều điều bất ngờ, không ai có thể ngờ rằng một học sinh cá biệt không thể lên lớp nổi lại có thể chinh phục 4 kỷ lục thế giới. Chỉ khi nỗ lực hết sức và nghiêm túc đối với việc học, cậu mới gặt hái được thành công lớn như thế. Câu chuyện này có một bài học ẩn bên trong, đó là khi ai dành tâm huyết của mình làm một điều gì đó. Thời gian dù có dài và trải qua nhiều gian khổ nhưng khi ý chí kiên định, bền bỉ âm thầm bỏ công sức ra thực hiện thì thành công sẽ mỉm cười.

Không có ai thông minh hay ngu dốt, chỉ có sự chăm chỉ và ý chí mạnh mẽ mới đưa con người đến được với thành công. Vì vậy, khi thấy ai đó thấp kém thì chưa hẳn là người ấy ngu ngốc, ai thông minh thì chưa hẳn người ấy đã giỏi giang. Chỉ số và thành tích bên ngoài không quyết định nhân cách con người, cái giúp một người đi đến thành công là cái tâm mạnh mẽ từ bên trong của người đó.

Mai Nhi

Xem thêm: