“Nhị thập tứ hiếu” là một tác phẩm nổi tiếng viết về những tấm gương hiếu thảo của người Trung Hoa, trong 24 tấm gương ấy, có một chuyện là về lòng hiếu thảo của người con dâu đối với mẹ chồng.

Chuyện kể rằng: Đường Thị, vợ nhà họ Thôi, ở với mẹ chồng rất có hiếu. Mẹ chồng quá già rụng cả răng, không nhai được cơm. Hàng ngày Đường thị phải tắm rửa thật sạch sẽ rồi cho mẹ bú. Nhờ đó mẹ chồng mấy năm liền không ăn mà vẫn được no. Cảm ơn nàng dâu hiếu lễ, mẹ chồng không biết lấy gì đền đáp, lúc sắp chết liền khấn nguyện Trời Phật cho con cháu nhà họ Thôi sau này người nào cũng hiếu thảo như Đường Thị vậy. Quả nhiên về sau con cháu dâu nhà họ Thôi người nào cũng bắt chước gương tốt của Đường Thị ăn ở hiếu thuận với nhà chồng. Họ Thôi nhờ đó được hưng thịnh.

Về sau con cháu dâu nhà họ Thôi người nào cũng bắt chước gương tốt của Đường Thị ăn ở hiếu thuận với nhà chồng. (Ảnh: Loibaihat)

Năm tháng qua đi, vạn vật xoay chuyển, từ khi câu chuyện trên được kể trong sách đến nay đã khoảng 800 năm. Ngày nay, cuộc sống hiện đại đem đến nhiều tiện nghi và văn minh cho con người nhưng cũng kéo theo biết bao mặt trái khiến chúng ta phải suy nghĩ, chiêm nghiệm. Dường như những mối quan hệ truyền thống đã phần nhiều không còn được như xưa.

Chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều những nỗi uất ức, oán trách của người trong cuộc dành cho nhau về mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Các trang mạng xã hội thậm chí, còn tổng kết “5 chiêu thức”, “10 chiêu thức cho nàng dâu để ứng phó với mẹ chồng”… Mới đây, cặp vợ chồng già ở Hà Nội còn bị con dâu khai tử để chiếm tài sản thừa kế khiến dư luận dậy sóng. Trong xã hội hiện đại có thể tìm được cặp mẹ chồng, nàng dâu như gia đình Đường Thị không?

Thật đáng mừng rằng vẫn tồn tại những tấm lòng như thế trong cuộc sống. Đó là câu chuyện về một người con dâu đã 75 tuổi, thân mang bệnh nhưng vẫn hiếu thuận, chăm sóc chu đáo cho người mẹ chồng 105 tuổi.

Quanh năm, những đóa sơn trà nở rộ tô điểm thêm cho vẻ hiền hòa, xinh đẹp của thôn Trác Thạch, xã Thư Phong, thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nơi đây có người phụ nữ với tấm lòng đẹp như hoa, sống trong một căn nhà đơn sơ với vách nhà đã cũ phủ màu năm tháng; chiếc bàn được dựng bằng chồng gạch và tấm ván gỗ, tường trong nhà được bọc bằng vải bạt ni lông.

Chủ căn nhà là hai mẹ con đã có tuổi, sống nương tựa vào nhau. Cụ bà lớn tuổi, tóc bạc, vẻ mặt phúc hậu là bà Hoàng Thạch Sư Thố, năm nay cụ đã 105 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn. Người phụ nữ trẻ hơn là bà Dư Ức, năm nay 75 tuổi. Dân làng chưa bao giờ thấy con cháu họ đâu, hỏi ra thì mới biết chúng đã sớm lập gia đình, rời vùng quê đi lập nghiệp. Cụ bà Hoàng Thạch Sư Thố cũng có lần lên thị trấn ở cùng các con, nhưng sau một lần không cẩn thận bị ngã, sức khoẻ yếu đi, cụ chỉ muốn trở về vùng quê nhỏ tĩnh lặng này.

Và sau đó, người ta luôn thấy hình ảnh người phụ nữ tên Dư Ức ân cần chăm lo cho cụ, để ý từng cử chỉ, khi thì chải tóc cho cụ, khi thì bưng cốc nước, khi thì chuẩn bị giường chiếu. Chỉ cần cụ bà tỏ ra mệt mỏi là bà Dư Ức lại hỏi han, chăm sóc; đến bữa ăn, bà xúc từng thìa nhỏ kiên nhẫn bón cho cụ, ăn xong, bà lau rửa cho cụ nhẹ nhàng. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ai cũng nghĩ bà là con gái ruột của cụ Hoàng Thạch Sư Thố.

Nhưng không, sự thực thì bà Dư Ức chỉ là người con dâu của cụ Sư Thố mà thôi. Bà Dư Ức sinh ra trong một gia đình pháp gia có tiếng ở huyện Tiên Du, chính vì thế bà đã dược tiếp thu nề nếp giáo dục từ gia đình.

Sau khi kết hôn, bà từ bỏ cuộc sống ở thị trấn để về nhà chồng tại miền quê nhỏ thôn Trác Thạch. Chồng bà vì cuộc mưu sinh mà sớm rời quê, đi làm ăn xa, một mình bà Dư Ức vừa làm việc đồng áng vừa quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ chồng ngày một già yếu.

Những người con, người cháu trong gia đình được bà hết lòng nuôi nấng dạy dỗ đã sớm trưởng thành, lập gia đình và rồi cũng sớm từ bỏ miền quê hẻo lánh để lập nghiệp. Chồng bà, rồi bố chồng lần lượt tạ thế để lại hai mẹ con bà trên cõi đời. Bà đã thay thế người con, người chồng, hết lòng hiếu kính, chăm sóc cụ bà Sư Thố, mặc dù sức khoẻ đã kém đi nhiều sau hai lần phẫu thuật ở bệnh viện. Hai mẹ con bà đã ở bên nhau như vậy suốt 50 năm của cuộc đời.

Trước tấm lòng của bà Dư Ức, vợ chồng người em rể Lâm Chung Dục đã chuyển đến vùng quê này để giúp đỡ bà, hàng ngày ba người thay nhau chăm sóc cụ bà Hoàng Thạch Sư Thố. Việc làm ấy đã làm cảm động tất cả người dân thôn Trác Thạch. Vào dịp tết Trùng Cửu, thôn ủy thôn Trác Thạch đã kính tặng gia đình bức thư pháp ghi bốn chữ “Hiếu hữu gia truyền” để tuyên dương tấm gương hiếu kính với mẹ chồng của bà Dư Ức. Bức thư pháp khiến người đọc nhớ tới lời nguyện của người mẹ chồng trong sách “Nhị thập tứ hiếu” năm nào: “Khấn nguyện Trời Phật cho con cháu nhà họ Thôi sau này người nào cũng hiếu thảo như Đường Thị vậy.”

Khi được hỏi vì sao vẫn tự mình chăm sóc mẹ từng việc nhỏ như vậy trong khi bản thân mình có bệnh và có thể nhờ vào con cái thì bà nói “Mẹ chồng sống thọ chính là phúc lớn của nhà chúng tôi. Phận là con dâu, tôi càng phải biết quý trọng, chăm sóc cho mẹ thật tốt để làm tròn chữ hiếu”. Câu nói giản dị của bà lại chứa đựng tấm lòng thơm thảo, ấm áp, khiến nhiều người chúng ta phải suy ngẫm.

Trong văn hóa truyền thống, người Trung Quốc rất trọng đạo hiếu; ngạn ngữ Trung Quốc có câu “phu hiếu, đức chi bổn dã” có nghĩa là “Đạo phụng thờ cha mẹ là gốc của đức”. Cha mẹ chồng có ơn đức với người con dâu, khi bảo ban dạy dỗ, lúc đỡ đần, chăm sóc, hỗ trợ vợ chồng người con khi lập nghiệp, giúp người con chăm nom, nuôi dạy con cái. Là người con dâu, khi sống cùng cha mẹ chồng cần đền đáp ơn đức ấy, không được oán thán vì những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình mà nên nghĩ về tấm lòng của cha mẹ, hết sức phụng dưỡng, hiếu kính thì trời sẽ đền đáp công lao ấy mà ban phúc.

Câu chuyện về bà Dư Ức khiến chúng ta ấm lòng, bởi dù thời gian và lịch sử có đổi thay thế nào, những người con dâu hiếu hạnh, một lòng phụng dưỡng cha mẹ vẫn luôn “bất tử” trong cuộc sống quanh ta, như những đóa hoa tươi thắm giữa cuộc đời…    

Nguồn ảnh: Wx.abbao

Tiểu Ngọc

Xem thêm: