Trong cuộc đời, có những người chợt đến rồi lại chợt đi nhưng cũng đủ để lại trong ta một ấn tượng khó phai mờ. Có những hình bóng vẫn cứ sống mãi dẫu thời gian trôi qua. Và câu chuyện dưới đây là một trong số đó.

Cách đây không lâu, một người dùng vô danh đăng tải bức thư tình vào mục “Missed Connections” (Tìm người thất lạc – tạm dịch) trên trang Craiglist. Ngay sau đó, lá thư đã lan truyền khắp các trang mạng, trở thành chủ đề bàn luận trên internet. Nhân vật trong thư tự xưng là cựu phi công từng tham gia ném bom ở Hà Nội năm 1972. Sau đó, ông trở về nhà với mặc cảm tội lỗi không thể nào nguôi ngoai. Đúng vào ngày quyết định sẽ chấm dứt cuộc sống dày vò ấy, ông đã gặp một cô gái… Cuộc gặp gỡ định mệnh chỉ diễn ra ngắn ngủi trong một buổi tối mưa tầm tã, nhưng cũng đủ để người lính nhung nhớ cả một đời.

Hơn 40 năm sau, người lính ấy lên mạng và gửi tới cô gái năm xưa một bức thư tình đầy xúc cảm…

Mặc dù lời lẽ trong thư giống như một câu chuyện hư cấu, nhưng bấy nhiêu đó vẫn khiến người đọc rung động. Không thể phủ nhận rằng đó quả là một mối tình đơn phương thật đẹp. Và cần nhấn mạnh rằng, ngày cuối cùng của năm 1972, cũng là một ngày mưa ở thành phố Boston giống như được nhắc đến trong bài.

Dưới đây là toàn văn lá thư đăng trên Craiglist:

***

Tôi gặp em trong mưa vào ngày cuối cùng của năm 1972, cũng là ngày tôi quyết định sẽ kết liễu cuộc đời mình.

(Ảnh: Stacey Carlton/ Pinterest)
(Ảnh: Stacey Carlton/ Pinterest)

Một tuần trước đó, theo chỉ thị của Tổng thống Richard Nixon và cố vấn anh ninh Henry Kissinger, tôi đã bay bốn phi vụ B-52 trên bầu trời Hà Nội, thả xuống đó 48 quả bom. Có bao nhiêu căn nhà bị phá huỷ, bao nhiêu sinh mạng bị cướp đi, tôi cũng không bao giờ biết được. Nhưng trong con mắt của cấp trên, tôi đã phục vụ đất nước bằng danh dự, và nhờ đó mà tôi được xuất ngũ trọng vọng đến vậy.

Và rồi, vào buổi sáng ngày giao thừa, tôi thấy mình trong căn hộ đơn sơ tại góc đường giữa phố Beacon và Hereford, với 1/5 chai rượu Tennessee Rye và nỗi day dứt hổ thẹn vẫn len lỏi trong sâu thẳm tâm hồn. Và khi rượu đã cạn, tôi bước đến cửa và thề rằng, ngay khi trở về, tôi sẽ lấy khẩu súng Smith & Wesson Model 15 trong ngăn tủ và ban cho mình phát đạn mà tôi đáng phải có.

(Ảnh: rubymerten.com)
(Ảnh: rubymerten.com)

Tôi đi bộ nhiều giờ liền, vòng quanh đường Fenway trước khi ngoặt trở lại qua nhà Hát Symphony Hall, rồi lên tới nhà thờ Trinity Church. Rồi tôi lang thang trong công viên Common, leo lên ngọn đồi với mái vòm bằng vàng, lòng vòng giữa mê cung quyến rũ được phân chia bởi con đường Hanover. Cho tới lúc tôi tới bờ sông, bầu trời xám xịt bỗng mở ra trước mắt, những hạt mưa phùn trở thành cơn mưa, rồi cơn mưa lại ào xuống như trút nước. Trong khi những khách bộ hành khác vội vã trú chân dưới mái hiên hay trong hành lang, thì tôi vẫn lê bước trong mưa. Tôi nghĩ, hay nói đúng hơn là hy vọng, rằng mưa sẽ cuốn trôi cái mặc cảm tội lỗi đang trĩu nặng trong tim. Nhưng không, tất nhiên là như vậy, vì thế tôi quay gót trở về.

Và tôi bỗng gặp em.

(Ảnh minh họa: sunnyskyz.com)
(Ảnh: sunnyskyz.com)

Em đứng trú mưa dưới ban công bảo tàng Old State House, mặc trên người bộ áo đầm dạ hội hở vai trần, đối với tôi vừa có nét quý phái lại vừa có vẻ buồn cười. Mái tóc nâu bên bết vào bên phải khuôn mặt, và hằng hà vô số những chấm tàn nhang lấm tấm trên hai bờ vai. Tôi chưa từng thấy điều gì đẹp đến vậy.

Khi tôi đến bên em bên dưới ban công, em nhìn tôi bằng đôi mắt xanh to tròn, và tôi tin rằng em đã khóc. Tôi hỏi em có sao không. Em trả lời đã cảm thấy nhẹ người hơn. Rồi tôi lại hỏi em có muốn uống một ly cà phê không. Em ưng thuận, với điều kiện tôi phải đi cùng. Và trước khi tôi kịp mỉm cười đồng ý, em bắt lấy tay tôi, dẫn tôi đi qua khu thương mại Downtown Crossing và tới quán Neisner’s.

Quán Neisner’s ở thành phố Boston. Ảnh chụp trong giai đoạn năm 1917–1934 (Ảnh: Leslie Jones, Boston Public Library)
(Ảnh: Leslie Jones, Boston Public Library)

Chúng ta đã ngồi ở quầy cái quán bán hàng tạp hóa đó và trò chuyện như hai người bạn cũ, thoải mái cười vui cũng như than thở. Ăn miếng bánh hồ đào, em thú thật rằng đã đính hôn với người đàn ông mà em không hề yêu thương, đó là ông chủ ngân hàng xuất thân từ một gia đình danh giá ở Boston, dòng họ Cabot hay Chaffee gì đó. Dù sao đi nữa, cha mẹ anh ta đang tổ chức tiệc mừng năm mới, và đó là lý do em mặc trên mình chiếc áo dạ hội.

Về phần mình, tôi bộc bạch với em về bản thân nhiều hơn những gì tôi có thể tưởng tượng vào thời điểm đó. Mặc dù không hề nhắc đến Việt Nam, nhưng tôi cũng mơ hồ cảm nhận em nhìn thấy cuộc chiến trong lòng tôi. Tuy vậy, đôi mắt em chẳng hề lộ vẻ thương xót. Tôi yêu em vì lẽ đó.

Sau một giờ hoặc lâu hơn thế, tôi xin lỗi để vào phòng vệ sinh. Tôi nhớ đã nhìn mình trong gương rất lâu. Phân vân rằng tôi có nên hôn em, hoặc có nên kể cho em nghe về những gì tôi đã làm trong buồng lái chiếc máy bay ném bom một tuần trước đó, hay là tôi nên quay về với khẩu Smith & Wesson vẫn đang chờ đợi. Cuối cùng tôi cũng quyết định, rằng tôi chẳng hề xứng đáng với món quà phục sinh mà em đã trao tặng, và quay lưng lại trước cái duyên hạnh ngộ như thế thì thật là sỉ nhục biết bao.

Trở lại quầy, tim tôi đập liên hồi không khác gì chiếc búa của vị thẩm phán lúc giận dữ. Và tương lai – tương lai hai chúng ta – đang nhảy múa trong đầu tôi. Nhưng khi về đến chỗ ngồi thì em đã đi rồi. Không số điện thoại. Không một lời nhắn. Không gì cả…

Cuộc gặp gỡ của hai ta thật kỳ lạ, lúc bắt đầu cũng như khi kết thúc. Tôi hoàn toàn suy sụp. Ròng rã một năm trời, mỗi ngày tôi đều trở lại quán Neisner’s, nhưng không thể thấy em. Tôi đã không bao giờ được gặp lại em. Thật trớ trêu, nỗi khắc khoải khi bị bỏ rơi dường như cũng nuốt chửng cái mặc cảm tội lỗi trong tôi, và bất chợt, viễn cảnh tự sát không còn thúc bách bằng cái mong muốn tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong quán hàng. Sự thật là tôi đã không bao giờ ngừng thắc mắc.

Dù ở chân trời góc bể nào, em đang ở bất cứ nơi đâu, và cho dù bất cứ nơi nào em sắp đến, xin hãy biết rằng: em vẫn luôn hiện hữu trong tôi... (Ảnh minh họa: Pixabay)
(Ảnh: Pixabay)

Giờ thì tôi đã là một ông lão. Và mãi đến gần đây tôi mới kể lại chuyện này cho một người bạn cùng hội Cựu Chiến Binh. Ông ấy gợi ý tôi nên tìm em trên Facebook. Tôi nói với ông rằng tôi chẳng biết gì về Facebook, và tất cả những gì tôi biết về em chỉ là cái tên không họ, và rằng em đã từng sống ở Boston. Thậm chí nếu có phép lạ xảy ra, nếu như tôi tình cờ vào trang cá nhân của em, tôi cũng không chắc mình sẽ nhận ra em. Thời gian tàn nhẫn như thế đó.

Cũng người bạn này, ông có một cô con gái đặc biệt tình cảm. Cô gái ấy đã dẫn tôi tới trang Craigslist với mục Missed Connections này. Nhưng dù tôi có ném đồng xu xuống cái giếng nguyện ước của vũ trụ, thì tôi nghĩ rằng sau cả triệu cái “nếu như” và cả một đời mất ngủ, thì duyên phận của chúng ta không hề lỡ chút nào.

Em thấy đó, trong 42 năm qua tôi đã sống một cuộc đời tốt đẹp. Tôi đã yêu một người vợ hiền. Nuôi nấng một đứa con ngoan. Tôi được nhìn ngắm thế giới, và cũng tự tha thứ cho chính mình. Và em chính là nguồn gốc của tất cả những điều ấy. Em đã thổi linh hồn vào lá phổi của tôi trong một chiều mưa tầm tã, và em không thể nào tưởng tượng được hết lòng biết ơn của tôi.

(Ảnh: mariaelita.com)
(Ảnh: mariaelita.com)

Tôi cũng trải qua những ngày tháng khó khăn. Vợ tôi qua đời bốn năm trước, còn con trai tôi là một năm sau đó. Tôi đã khóc thật nhiều. Đôi khi vì cảm thấy cô đơn, nhưng cũng đôi khi tôi không hiểu tại sao mình lại khóc. Đôi lúc tôi vẫn còn ngửi thấy mùi khói đạn trên bầu trời Hà Nội. Và rồi, mỗi năm độ mươi lần, tôi sẽ nhận được quà. Bầu trời nổi cơn giông, mây mù che khuất Mặt Trời, rồi mưa bắt đầu rơi. Và tôi sẽ nhớ.

Vậy thì dù ở chân trời góc bể nào, em đang ở bất cứ nơi đâu, và cho dù bất cứ nơi nào em sắp đến, xin hãy biết rằng: em vẫn luôn hiện hữu trong tôi.

***

Hồng Liên