Nửa năm không về thăm nhà, lần này về thăm mẹ, cô con gái mới phát hiện người mẹ nhặt ve chai nuôi mình khôn lớn đã qua đời. Hơn nữa bí mật hơn 20 năm đã khiến cô khóc thương cảm động khôn nguôi  về mẹ của mình.

Năm nọ, ở trong thôn có 2 mẹ con ăn mày, người mẹ hơi khờ khạo, còn cô con gái khá thông minh lanh lợi. Người trong thôn đều thấy họ thật đáng thương, vì thế mà hai mẹ con đến xin ăn ở nhà ai họ cũng đều không nỡ từ chối. Không nhà cửa, họ chọn nơi trú ẩn là một lò gạch bỏ hoang ở đầu làng. Những lúc rảnh, cô bé thường chơi đùa vui vẻ với những đứa trẻ khác trong làng.

Một ngày, cô bé đang chơi đùa bỗng nhiên chạy về nhà bảo mẹ đưa mình đến trường. Người mẹ hỏi ra mới biết, các bạn của con đều đã được đi học. Cô con gái cô cũng đã đến tuổi đi học rồi. 

Ngay ngày hôm sau, hai mẹ con tới trường để đăng ký nhập học. Vì họ không có nhà lại không có hộ khẩu, không tên, không quê quán nên trường học không thể tiếp nhận cô bé vào học. Người mẹ vì thương con mà quỳ xin thầy giáo, nhưng thầy cũng không có cách nào khác. Cuối cùng bà đành dẫn con gái từng bước chậm chạp mà ra về.

Từ đó, người mẹ phải ngậm ngùi ngày ngày dắt theo con gái đi nhặt ve chai trên đường. Khi đi ngang qua một thị trấn, cô bé bị cuốn hút bởi tiếng đàn vọng ra từ một ngôi nhà lớn. Sau đó lần nào đi ngang qua căn nhà ấy, cô bé cũng dừng lại và say sưa lắng nghe.

Một lần, khi cô bé đang lặng yên lắng nghe tiếng đàn thánh thót, một con chó dữ bỗng từ trong nhà lao ra. May mắn người mẹ đã kịp thời ngăn lại, nhưng cũng vì thế mà trên người bà đầy các vết thương tích.

Sau đó, một quý bà trung niên từ trong nhà bước ra và không ngớt nói lời xin lỗi. Bà cũng đưa hai mẹ con vào nhà để băng bó. Trong nhà là một tiểu thư đang kéo đàn violon. Cô con gái bất giác dừng lại lắng nghe tiếng đàn với dáng vẻ hâm mộ, thỉnh thoảng lại mỉm cười hạnh phúc.

(Ảnh: Mira/Getty Images)
(Ảnh: Mira/Getty Images)

Thấy được khả năng cảm thụ âm nhạc của cô bé, người phụ nữ trung niên này liền tới xoa đầu rồi nói: “Con rất thích tiếng đàn violon phải không?”  Cô bé gật đầu. Bà lại hỏi tiếp: “Vậy con có muốn học đàn violon cùng ta không?” Đôi mắt cô bé như lấp lánh niềm hy vọng. Bà vốn dĩ là một giáo viên dạy nhạc tại trường tư, còn tiểu thư đánh đàn kia là con gái của bà.

Cô giáo hỏi tuổi, hỏi tên, cô bé đều không trả lời được, bởi vì người mẹ chưa từng nói với cô về điều đó. Ngay cả bà cũng không biết bản thân mình và con gái tên là gì. Cuối cùng, cô giáo nói: “Vậy thì ta sẽ đặt tên cho con. Con gái ta tên là Mỹ Mỹ, vậy ta gọi con là Lệ Lệ, sau này cùng Mỹ Mỹ làm bạn và học đàn nha.” Lệ Lệ vui mừng quá đỗi rồi nở nụ cười. Cô giáo muốn xin phép người mẹ để Lệ Lệ ở lại học đàn, bà hiểu ý liền quỳ lạy tạ ơn cô giáo rồi rời đi.

Mẹ của Lệ Lệ gửi cho cô giáo một khoản tiền là những đồng xu mà bà tích cóp được để làm học phí. Biết rằng cô giáo sẽ từ chối, bà vội quỳ xuống để bày tỏ tấm lòng cảm kích. Cô giáo nhìn người mẹ mà động lòng trắc ẩn nên cũng rơi lệ theo. Kể từ đó, Lệ Lệ ở lại nhà cô giáo, ngày đêm miệt mài đèn sách và học đàn.

Sau một năm, trong một cuộc thi nghệ thuật, bản độc tấu mang tên “không nhà” của Lệ Lệ đã giành giải đặc biệt. Tiếng đàn của cô bé làm cảm động tâm can của bất cứ thính giả nào trong khán phòng. Kiết thúc buổi biểu diễn, mọi người trong toàn hội trường vui mừng đón nhận tài năng của cô bé. Trong mỗi cuộc thi, người đàn bà với dáng vẻ gầy gò mặc bộ quần áo rách vá chính là mẹ của Lệ Lệ. Bà phải vất vả lắm mới tìm được chỗ đứng trong hội trường để cổ vũ cho con gái mình.

Sau này, Lệ Lệ không ngừng học đàn ngày đêm, và liên tục tham gia các giải thi nghệ thuật. Lần nào cô bé cũng đạt vị trí số 1. Ở lò gạch đổ nát, nơi trú ẩn của mẹ con cô bé giờ đây có treo rất nhiều bằng khen mà Lệ Lệ nhận được. Một vị giáo sư cảm kích trước tài năng âm nhạc của Lệ Lệ nên muốn giúp cô bé lên thành phố học chuyên sâu về âm nhạc.

Người mẹ cảm động không nói lên lời, chỉ ngước nhìn trời cao rồi đặt tay lên vai mình. Lệ Lệ thầm hiểu lời mẹ muốn nói: “Con học lên cao, mẹ rất ủng hộ con, bờ vai của mẹ luôn sẵn sàng để con dựa vào mỗi khi con thấy mệt mỏi.” Lệ Lệ khóc rồi ôm lấy mẹ, cô bé thật tâm không muốn rời xa người mẹ của mình một chút nào.

Ở thành phố, Lệ Lệ học thêm cách chơi các nhạc cụ khác nhau để phát huy năng khiếu của mình. Cô bé cũng bắt đầu đi dạy thêm kiếm tiền và đưa mẹ lên ở cùng. Nhưng chỉ sau một vài ngày, bà thấy nhớ quê hương nên nói với con gái yêu rằng: “Đừng nghĩ đến người mẹ già này, hãy học đàn cho tốt, con có tiền đồ thì mẹ rất vui.”

Thời gian cứ thế trôi, vào mùa thu vài năm sau đó, Lệ Lệ dẫn theo một số học trò tham gia cuộc thi tài năng âm nhạc toàn quốc dành cho thanh thiếu niên và đã đạt được giải thưởng cao nhất. Cô xúc động đến rơi lệ và thấy nhớ mẹ da diết. Vì để chuẩn bị cho cuộc thi lần này, đã nửa năm cô chưa về thăm nhà. Cô muốn thật nhanh báo tin vui này cho mẹ biết.

Trở về lò gạch bỏ hoang, nơi hai mẹ con đã từng sống bao ngày tháng, trong lúc đang cao hứng nhất về báo tin vui cho mẹ, Lệ Lệ mới hay tin mẹ đã ra đi, để lại cho cô sự tiếc thương vô hạn. Không những thế, bà còn để lại di vật, đó là chiếc bao tải bà vẫn dùng khi nhặt ve chai. Cô mở chiếc bao tải và thấy bên trong có một xâu tiền hào và một chiếc túi nhỏ rất đẹp, một phong thư và một tấm ảnh chụp Lệ Lệ khi còn bé. Mở phong thư ra Lệ Lệ mới biết được sự thật mối quan hệ giữa mình và mẹ, cô mới biết mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi mà mẹ cô, một người ăn xin khi đó mang về nuôi.

Rồi Lệ Lệ gọi: “Mẹ à! Mẹ …” và khóc không thành tiếng.

Người xưa vẫn thường nói: “Khác máu tanh lòng.” Tưởng rằng không sinh ra thì sẽ không thể toàn tâm yêu thương con trẻ, nhưng kỳ thật người mẹ nhặt ve chai không được học hành cũng biết yêu thương và làm tận trách nhiệm của một người mẹ. Bà đã nuôi dưỡng, dạy bảo, cổ vũ cho con đến khi trút hơi thở cuối cùng. Dù không có tên nhưng rất nhiều người đều biết bà là một người mẹ thật sự.

San San sưu tầm

Xem thêm: