Định nghĩa về “người hùng” hay “một hành động anh hùng” đôi khi lại không hề to tát như chúng ta vẫn hình dung. Hai mẩu chuyện nhỏ dưới đây sẽ cho chúng ta nhìn ở một góc khác của khái niệm này trong cuộc sống.
Câu chuyện thứ nhất: Một nhân viên cứu hộ tìm cách an ủi một em bé 4 tuổi sau tai nạn nghiêm trọng
Ngày 5 tháng 9 năm 2015, một tai nạn xe hơi nghiêm trọng đã xảy ra trên khung đường dẫn ra khỏi Iberville, bang Mississippi. Tai nạn xe này đã khiến một phụ nữ và 5 em nhỏ bị thương. Trong đó người phụ nữ và ba em bé ngồi phía trước xe bị văng ra khỏi xe, dẫn tới bị thương nặng.
Hai em bé ngồi phía sau đã may mắn sống sót và nhanh chóng được cứu ra khỏi chiếc xe bị lật úp. Ba người bị thương nặng đã được chuyển tới bệnh viện cấp cứu. Hai em nhỏ còn lại được đội cứu hộ sơ cứu và quan trọng nhất là trấn an tinh thần của các em.
Một trong những nhân viên cứu hộ có mặt tại hiện trường đã nhanh trí tìm được cách an ủi cậu bé 4 tuổi đang rất hoảng sợ. Người lính cứu hỏa Casey Lessard nhanh chóng đến bên, anh nằm xuống cạnh cậu bé, nhẹ nhàng trò chuyện và rủ cậu xem một bộ phim ca nhạc thân quen “Happy Feet” cùng mình. Anh hy vọng rằng, một thứ gì đó vui nhộn và quen thuộc sẽ khiến cậu bé bị phân tâm và không quá chú ý tới những điều kinh khủng vừa xảy ra.
Hành động của người lính cứu hỏa đã ngay lập tức giúp trấn an cậu bé, mặc dù vụ tại nạn vừa xảy ra khiến em vẫn còn run rẩy. Tuy nhiên, cậu bé chỉ xem bộ phim một chút, sau đó em nhổm dậy và muốn được biết tình hình của những người đi cùng mình.
Hoang mang, sợ hãi, lo lắng vì không có một người thân nào bên cạnh, không biết được những người đi cùng mình đang ra sao. Đó hẳn là những cảm xúc và suy nghĩ của cậu bé 4 tuổi. Hành động dịu dàng và đầy thân thiện của người lính cứu hỏa đã giúp cậu bé xóa đi phần nào đó những cảm xúc tiêu cực này.
Khi tấm ảnh được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội. Cử chỉ chân thành của người lính cứu hỏa đã nhận được rất nhiều lời ca ngợi. Thậm chí, có người còn để lại bình luận dưới tấm hình: “Một hành động anh hùng”. Tuy nhiên, đối với người lính cứu hỏa Casey Lessard, đây không phải là điều gì to tát hay đáng được tung hô, bởi nó chính là một phần công việc và trách nhiệm của anh.
“Tôi chỉ vừa hoàn thành công việc của mình. Tôi biết rằng tất cả mọi người trong đội cứu hộ sẽ hành động tương tự như vậy”.
Câu chuyện thứ hai: Cái nắm tay và lòng nhân ái mà một cảnh sát dành tặng cho một bà cụ mất trí nhớ
Vào ngày 12/07 tại một siêu thị ở Huddersfield, Tây Yorkshire, Anh Quốc, đã diễn ra một câu chuyện đời thường đầy cảm động. Câu chuyện có nhân vật chính là một cụ bà mắc bệnh mất trí nhớ và một sĩ quan cảnh sát.
Ngày hôm đó, các nhân viên của siêu thị Sainsbury’s đã phải nhờ tới sự can thiệp của cảnh sát, khi một khách hàng của họ rơi vào tình trạng hoảng sợ. Vị khách ấy là một cụ bà lớn tuổi. Khi đang thanh toán tiền với nhân viên siêu thị, cụ nhận ra mình không mang theo ví tiền. Tệ hơn nữa, cụ đi siêu thị một mình và vì căn bệnh mất trí nhớ, cụ không thể tự mình trở về nhà để lấy ví.
Chỉ một thời gian ngắn sau cuộc điện thoại, một viên cảnh sát có tên “PC Dave” đã có mặt tại siêu thị. Ngay khi viên sĩ quan cảnh sát vừa xuất hiện, cụ bà đã nắm lấy tay anh như để cầu xin một sự giúp đỡ.
Sau một hồi trao đổi, các nhân viên của siêu thị đã tặng cụ bà tất cả những món đồ mà cụ đã mua, kể cả chậu hoa nhỏ. Và cảnh sát PC đã tìm thấy địa chỉ nhà cụ, anh sẽ đưa cụ bà về nhà.
Trên đường về, cụ bà vẫn nắm lấy tay PC Dave, hoàn cảnh khó khăn vừa rồi có lẽ đã khiến cụ bối rối và sợ hãi rất nhiều. Không có tiền để thanh toán những món đồ, lại không thể nhớ được đường về nhà, những sự việc tưởng chừng rất nhỏ này lại có thể tạo ra cảm giác sợ hãi, lo lắng rất lớn ở người già, những người yếu đuối và mong manh như những “đứa trẻ” vậy.
Cảnh sát Dave có lẽ rất hiểu cảm giác của người phụ nữ lớn tuổi này, nên dù phải lái xe, anh vẫn để cụ nắm tay mình. Cái nắm tay này đối với cụ dường như có tác dụng lớn hơn rất nhiều lần những lời an ủi, nó có thể khiến bà cụ cảm thấy an tâm.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi đưa bà về nhà an toàn, cảnh sát Dave còn sắp xếp đồ bà cụ đã mua một cách gọn gàng trên bàn bếp và đạt chậu hoa mà các nhân viên siêu thị tặng bà lên bệ cửa sổ.
Câu chuyện nhỏ và hình ảnh đẹp này đã được sở cảnh sát West Yorkshire chia sẻ trên trang Facebook của mình. Rất nhanh chóng, câu chuyện nhận được 40.000 lượt yêu thích. Cộng đồng những người dùng mạng rất hạnh phúc khi đọc câu chuyện, với họ hành động của viên sĩ quan cảnh sát và của các nhân viên siêu thị thực sự rất nhân văn.
Anh hùng đôi khi không cần có năng lực đặc biệt của siêu nhân, anh hùng trong đời thường, họ chỉ cần có… một trái tim biết nghĩ về người khác.
Những nhân vật chính trong hai câu chuyện trên đều là những người bình thường như tất cả chúng ta. Họ là những nhân viên siêu thị, cảnh sát và lính cứu hỏa. Họ không thể bay nhảy như người nhện, cũng không có những vũ khí tối tân và sự thông minh tuyệt vời của người dơi. Nhưng bạn thấy đấy, với rất nhiều người, đặc biệt là những người đã nhận được sự giúp đỡ của họ, những con người bình dị ấy vẫn là… những người hùng.
Bởi trong cuộc sống, con người chúng ta không phải là những sinh mệnh mạnh mẽ nhất. Trong nhiều hoàn cảnh, như của bà cụ trong siêu thị hay em nhỏ sau tai nạn, những sự việc bình thường nhất như quên ví, hay phải ở một mình đều có thể mang tới những tổn thương tinh thần rất lớn. Khi ấy, nếu có một ai đó nhìn thấy những yếu đuối của ta và sẵn sàng dang rộng vòng tay, giúp đỡ chúng ta vượt qua khó khăn, thì chỉ một hành động nhỏ thôi cũng đều sẽ thật quý giá.
Như trong câu tục ngữ quen thuộc của người Việt ta, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong lúc nguy nan, nếu có ai đó ở bên ta, cho ta mượn bàn tay hay mượn chiếc điện thoại, những thứ đơn giản ấy lại trở thành cứu cánh, giúp ta vượt qua những sợ hãi, hoang mang.
Các anh hùng trong tất cả các câu chuyện đều được tôn vinh khi họ hết mình vì người khác. Vậy, bạn có đồng ý rằng, sĩ quan PC Dave, những nhân viên siêu thị Sainsbury’s và anh lính cứu hỏa Casey Lessard rất xứng đáng được gọi là người hùng.
Trái tim nhân hậu, có thể cảm thông với khó khăn mà người khác đang trải qua, khả năng nghĩ tới người khác để tìm được cách giúp đỡ tốt nhất của họ chính là “phẩm chất” làm nên những “người hùng”. Điều may mắn nhất là, phẩm chất này có trong mỗi người, bất kể màu da, tôn giáo.
Con người chúng ta nhỏ bé và yếu đuối như vậy, tại sao lại có thể sống sót trong thiên nhiên khắc nghiệt cho tới tận ngày hôm nay? Câu trả lời phải chăng chính là nhờ phẩm chất “anh hùng” này trong mỗi người?
Hải Lam
Xem thêm: