“3 năm để học nói, cả đời học nghe”, lắng nghe tưởng chừng đơn giản nhưng lại là kỹ năng sống quan trọng mà nhiều người chưa biết.

Hiệu ứng Hawthorne

Tại công xưởng Hawthorne nằm ở ngoại ô bang Chicago (Mỹ), công nhân thường xuyên nóng giận bất bình nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Một chuyên gia tâm lý được cử đến để trò chuyện với hơn 20.000 công nhân bằng sự nhẫn nại và lắng nghe mọi bất mãn trong công việc của họ. Sau 2 năm thí nghiệm, sản lượng công xưởng đã tăng vượt bậc.

Kết quả cho thấy, con người có nhiều bất ổn của riêng mình, nhưng không phải lúc nào cũng biểu đạt ra được. Sau khi nói và được lắng nghe sẽ khiến tâm trạng dễ chịu và thoải mái hơn.

(Ảnh: Dardis Communications)

Hầu hết chúng ta đều không biết lắng nghe

Từ tuần thứ 16 của thai kỳ, tai đã có cấu trúc hoàn thiện và biết phát hiện một số tiếng động hạn chế. Các nhà khoa học chứng minh, chúng ta bắt đầu biết nghe từ khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, “nghe âm thanh” và “lắng nghe” là hai khái niệm khác nhau.

Một số nghiên cứu chỉ ra, con người chỉ nhớ 25-50 % những gì họ đã nghe. Tốc độ nói chuyện của người bình thường khoảng 225 từ mỗi phút, nhưng khả năng nghe đến 500 từ/phút. Vì vậy, tâm trí có thể tự suy diễn 275 từ còn lại.

Khi chúng ta nói chuyện với ai đó trong 10 phút, họ chỉ nghe tối đa 1-5 phút. Hầu hết mọi người đều dễ mất tập trung khi nghe người khác nói.

Biết lắng nghe không đơn giản là nhận thức được âm thanh. Lắng nghe là động thái im lặng đón nhận mọi thông tin từ người nói. Người biết lắng nghe sẽ nghe bằng con tim và khối óc chứ không chỉ dùng tai. Tai là công cụ truyền tải âm thanh, nhưng để có được thông tin toàn diện, con người phải dùng mắt quan sát, dùng nhận thức tư duy đánh giá vấn đề và dùng trái tim để thấu hiểu.

Người biết lắng nghe được yêu quý hơn

Ai cũng thích mình trở thành tâm điểm và muốn nổi trội trong cuộc đối thoại. Nói chuyện chính là cách giúp chúng ta bày tỏ quan điểm, chính kiến. Mọi người sử dụng cách ngôn ngữ để thể hiện bản thân, đó là lý do tại sao chúng ta có xu hướng nói nhiều hơn nghe.

(Ảnh: Wikihow)

Tuy nhiên, người biết lắng nghe lại thường được yêu quý hơn trong xã hội. Họ thỏa mãn nhu cầu của người “thích nói”. Họ tạo cho người đối diện cảm giác gần gũi, được quan tâm, tôn trọng.

Trong thực nghiệm tại Hawthorne, vị chuyên gia không giải quyết được khúc mắc của những người công nhân, nhưng vẫn giúp cải thiện năng suất làm việc. Bởi ông đã hoàn thành tốt vai trò của một người lắng nghe, chia sẻ. Lắng nghe chính là con đường nhanh nhất đưa chúng ta vào thế giới tâm tư của người khác.

Lắng nghe giúp bạn trở thành người có sức thu hút

Liệu có phải chỉ những người nói tốt mới thu hút? Sự thật là lắng nghe còn giúp bạn ghi điểm nhiều hơn trong mắt người khác.

Bản chất của giao tiếp hiệu quả nằm ở lắng nghe chứ không phải cách nói chuyện. Khi tìm đến ai đó tâm sự, nghĩa là chúng ta tìm kiếm là một đôi tai tích cực và một trái tim biết cảm thông. Nếu gặp phải người thích cho lời khuyên, giảng đạo lý, buổi chia sẻ có thể biến thành tranh luận căng thẳng.

(Ảnh: stairway.edu.vn)

Chúng ta chỉ có thể giúp đỡ một người khi hiểu rõ tình trạng của họ. Như vậy, kỹ năng lắng nghe thấu đáo phải được sử dụng trước thì những lời góp ý, hỗ trợ mới xác đáng.

Lắng nghe khiến bạn thông minh hơn

Để trở nên thông minh hơn, chúng ta cần liên tục bổ sung kiến thức và vốn hiểu biết cho bản thân. Không cách nào tiếp thu tri thức tốt bằng cách lắng nghe.

(Ảnh: ieltsplanet.info)

Trong cuộc thảo luận, những người thông minh sẽ tiếp thu kiến thức nhiều nhất có thể. Họ luôn lắng nghe và ghi chép lại những điều mà họ tiếp nhận để phân tích, đánh giá, chắt lọc lại kinh nghiệm cho bản thân. Ngược lại, những người cố nói nhiều để thể hiện bản thân sẽ chiếm hết không gian của người khác, do đó, họ không được tiếp nhận thêm thông tin mới từ mọi người.

Lắng nghe để sống tỉnh táo

Chúng ta thường lắng nghe âm thanh bên ngoài thay vì lắng nghe tâm hồn của chính mình. Hầu hết ai cũng thích nghe lời hay, được tung hô, khen ngợi. Tuy nhiên, chính lời ngay thẳng “sự thật mất lòng”, những lời chê chân thành góp ý mới khiến chúng ta cải thiện bản thân.

Học lắng nghe để không vì lời êm tai mà sinh ảo tưởng, nhận biết người chân thật và giả dối, biết cúi đầu học hỏi điều hay, tránh được cạm bẫy trong xã hội. Cuộc sống càng hiện đại, càng nhiều âm thanh hỗn độn, ồn ã, thì con người càng cần lắng nghe tốt để tỉnh thức.

(Ảnh: meditationinsaigon.com)

Minh Lan