Thời gian, sức lực là có hạn, thêm vào đó cách nhìn của mỗi người về sự vật lại khác nhau, cho nên tranh luận với người không cùng tầng thứ là vô ích. Giống như ếch ngồi đáy giếng không biết sự bao la hùng vĩ của biển cả, châu chấu sống ba mùa xuân, hạ, thu chứ không biết mùa đông…
Châu chấu chỉ biết ba mùa
Chuyện kể rằng Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở cổng nhà.
Vị khách hỏi người học trò: “Nghe nói thầy dạy của ngài là Khổng Thánh nhân, như vậy thì học vấn của ngài chắc phải cao lắm. Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài, còn nếu trả lời sai thì ngài phải bái lạy ta”.
Vị đệ tử suy nghĩ một lát rồi nói: “Xuân, hạ, thu, đông, có bốn mùa”. Người khách không đồng ý nói: “Sai! Có ba mùa”. Hai người tranh cãi với nhau một lúc thì Khổng Tử đến.
Vị khách hỏi thầy của cậu học trò: “Thánh nhân! Xin ngài hãy phân xử, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”. Khổng Tử nhìn vị khách rồi nói: “Ba mùa!”. Vị khách cảm thấy đắc ý, quay lại nói với người học trò: “Ngươi nghe đã rõ chưa, còn không bái ta một lạy tạ lỗi sao?”. Nói xong đắc ý rồi rảo bước ra về.
Học trò cảm thấy kỳ lạ mới hỏi lại thầy: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”. Khổng Tử mới từ tốn đáp rằng: “Con không thấy người kia sao? Đó là một con châu chấu biến hóa mà thành. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông? Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ có kết thúc sao?”. Đệ tử lúc này mới hiểu ý của bậc Thánh nhân, tranh cãi với người không cùng tầng thứ chỉ là việc tốn thời gian vô ích.
Người chia theo nhóm, vật họp theo loài. Giữa người với người có thể cùng với nhau là vì thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan nhất trí, có tiếng nói chung. Bởi vì mỗi người có thế giới quan và nhân sinh quan bất đồng, hơn nữa đối với cùng một việc thì tiêu chuẩn đánh giá lại khác nhau. Vậy nên không thể áp đặt cách nhìn của mình lên người khác.
“Nếu là Hoàng đế thì các anh sẽ làm gì?”
Xưa kia có một người hót phân, một người bổ củi và một người ăn xin gặp nhau, ba người không có việc gì nên ngồi tán gẫu. Người ăn xin nói: “Nếu là Hoàng đế thì các anh sẽ làm gì?”.
Người hót phân nói: “Nếu tôi làm Hoàng đế, tôi sẽ lệnh tất cả phân ở phố này đều quy về tôi, ai mà đến hót thì tôi sẽ sai quan quân đến bắt ngay”.
Người bổ củi nói: “Nếu tôi làm Hoàng đế, tôi sẽ đi đánh một cái búa bằng vàng, hàng ngày dùng búa vàng này bổ củi”.
Cuối cùng người ăn xin nói: “Nếu tôi làm Hoàng đế, tôi sẽ không làm gì cả, ngày ngày ngồi bên bếp lửa ăn khoai lang nướng”.
Nếu được hỏi câu như ba vị trong câu chuyện trên, hẳn là mỗi người chúng ta sẽ có câu trả lời cho riêng mình, hơn nữa không ai giống ai, bởi vì cách nhìn của từng cá nhân đối với sự việc là khác nhau. Biết được sự khác nhau đó ta cũng không nên tranh cãi làm gì, chỉ có cách đứng ở góc nhìn của họ từ đó hiểu đối phương. Ở đây không cần tranh cãi mà là bao dung sự khác biệt.
***
Núi không khoa trương độ cao của mình, chỉ vui vẻ cống hiến những vật phẩm, khoáng sản phong phú một cách thầm lặng. Sông không khoe khoang sự linh động của mình, lặng lẽ dẫn nước tưới thấm ruộng đồng, nuôi dưỡng nền văn minh nhân loại. Vì không khoe khoang nên sẽ không so sánh, từ đó dẫn đến tranh đấu hơn – thua, được – mất, chỉ làm những việc cần làm, điều này thể hiện một phần sự bao dung, cống hiến của núi sông. Làm người chẳng phải cũng nên thế sao.
Nếu cứ mãi tranh hơn thua khẩu khí, vì một lời nói mà sống chẳng phải mệt mỏi lắm sao. Mà xem ra, dù có chiếm thế thượng phong, thì đối phương chưa chắc đã phục, thậm chí còn oán hận bất bình. Người có tâm thái bình ổn sẽ tránh xa những tranh luận vô ích, không cần thông qua cách này để đạt được cảm giác thắng lợi.
Không cần quá quan tâm người khác nói những gì, nhưng bản thân nên có năng lực phân biệt đúng – sai, thiện – ác, làm những điều lương tâm mách bảo.
Tâm rộng như biển, tự nhiên sẽ gió yên sóng lặng, tâm sáng như trăng mới có thể thản đãng bước đi…
Video: Sông có khúc, người có lúc, vạn sự tùy duyên không tranh đấu thì hạnh phúc đong đầy