“Em là một cô gái khiếm thính xinh đẹp. Cha nói em phải mạnh mẽ lên”. Đó là những lời tâm sự chân thành của Trần Lê Khả Ái, cô sinh viên năm nhất, ngành thiết kế thời trang, đại học Hoa Sen khi nói về cuộc đời mình. Hai câu nói ngắn gọn ấy như một lời đề tựa cho câu chuyện kể về hành trình dài của hai cha con đi tìm tiếng nói và ước mơ.

Giấc mơ của cha mẹ đã vỡ, nhưng cha sẽ làm mọi điều để con có thể tiếp tục ước mơ

Ngay từ khi con gái đầu lòng còn ở trong bụng mẹ, anh Trần Khương và vợ đã ấp ủ một ước mơ: Con gái họ sẽ là một cô bé xinh đẹp, yêu kiều. Cô bé sẽ mang vẻ đẹp đó đến với mọi người qua những động tác uyển chuyển, thanh thoát trên nền những bản nhạc cổ điển êm dịu. Có lẽ, vì vậy, hai anh chị cùng gửi gắm mong ước của mình vào cái tên họ chọn cho con: Trần Lê Khả Ái.

Nhưng đến khi cô bé Khả Ái được 21 tháng tuổi, anh Khương nhận ra con gái mình có những dấu hiệu bất thường: Cô bé không quay lại khi anh gọi và con cũng không bị giật mình khi xung quanh có những tiếng động lớn. Nỗi lo lắng về một việc chẳng lành khiến anh đưa bé Ái đến bệnh viện để kiểm tra. Kết luận của các bác sĩ khiến trái tim của người cha như muốn vỡ vụn cùng với ước mơ mà anh ấp ủ cho con: Thế giới của cô bé có thể sẽ mãi mãi không có âm thanh, và con vì thế sẽ mãi mãi không thể giao tiếp với mọi người bằng tiếng nói.

Trên quãng đường đưa con từ bệnh viện về nhà, nỗi buồn cứ lớn dần, lớn dần trong trái tim người cha, anh luôn tự hỏi mình tương lai của con sẽ thế nào, cô bé sẽ lớn lên ra sao khi không thể nghe, không thể nói, phải chăng con sẽ luôn phải cô đơn trong cái thế giới lặng thinh của mình. Những ngày sau đó, anh Khương lao vào tìm hiểu về căn bệnh điếc bẩm sinh của con. Cứ 1000 trẻ thì sẽ có một trẻ thiếu may mắn như bé Khả Ái. Nhưng quan trọng nhất, anh đã biết được con gái mình vẫn còn hi vọng. Chiếc máy trợ thính sẽ giúp con có thể nghe được những thanh âm của cuộc sống, dù chỉ được 30% so với bình thường.


Cô bé Trần Lê Khả Ái

Biết rõ ràng đây là cơ hội duy nhất để con có thể bước vào cuộc sống, anh quyết chí bán đi tài sản lớn nhất trong gia đình, chiếc xe cup, vay thêm tiền của bà con để đủ 24 triệu đồng mua đôi máy trợ thính cho con. Số tiền ấy thời những năm 90 có thể mua được nhà, được đất. Nhưng đối với anh chị, tất cả những điều ấy không thể sánh được với cơ hội để Ái có thể nghe thấy, có thể học được cách phát âm, cách dùng tiếng nói để giao tiếp với những người xung quanh.

Con có khiếm khuyết nhưng con vẫn có thể sống trọn vẹn như những người bạn của mình

Anh Khương biết rõ con gái mình nghe được không nhiều, nhưng anh vẫn tin cô bé có thể nói được. Vì thế, anh cùng vợ đã bỏ rất nhiều công sức trong những năm đầu tiên ấy để dạy cho Khả Ái bé nhỏ học nói. Đây sẽ là bước đầu tiên giúp con chinh phục được cuộc sống của một người bình thường.

Anh Khương trở thành thầy giáo bất đắc dĩ nhưng là một người thầy vô cùng sáng tạo. Anh dạy con bằng cách chỉ đồ vật, rồi hướng dẫn con bắt chước lại khẩu hình của bố mẹ. Anh Khương kể lại với phóng viên VTV: Ngày nào, khi Khả Ái còn là một cô bé, vì nhà gần sân bay, chiều nào, anh cũng bế con ra sân, chỉ lên những chiếc máy bay trên bầu trời và nói với bé: “Máy bay đó con, Khả Ái nhớ nhé, đó là máy bay”, anh không quên cho con nhìn thấy sự chuyển động của khuôn miệng mình. Cho tới một hôm, khi nhìn thấy chiếc máy bay quen thuộc, cô bé đã bật ra những tiếng: “Bay…bay…”, đầu tiên, khiến cha em không thể cầm được nước mắt. Niềm tin mà anh gieo trong con giờ đã nảy mầm thành hy vọng có thật.

Từng chút, từng chút một, anh Khương chưa bao giờ mất kiên nhẫn với con. Những khi, con gái bày tỏ sự khó chịu và bất hợp tác, anh càng thương con hơn, anh hiểu khi ấy con đã rất mệt hoặc đang bắt đầu nản chí vì mọi thứ đối với bé quá khó khăn. Là một người cha, anh hiểu, chỉ với sự nhẫn nại và tin tưởng anh mới giúp được con. Điều con gái thiếu là niềm tin và sự kiên trì, anh sẽ là người ở bên cạnh, dạy cho cô bé điều đó. Nếu con không thể học nói như những đứa trẻ khác, thì những công việc trong gia đình sẽ trở thành lớp học mới của bé. Khi cha con cùng nhặt rau phụ mẹ nấu cơm, cùng giặt quần áo, thì cũng chính là lúc cả hai cùng nhau học nói, học phát âm tên đồ vật sao cho tròn vành rõ chữ.

Thử thách lớn nhất đối với hai cha con anh Khương có lẽ chính là thời điểm bé Ái chuẩn bị vào lớp một. Không một chút do dự, anh Khương quyết tâm cho bé Ái đến lớp học với những trẻ em bình thường khác, anh muốn con học cách dùng tiếng nói, học cách chơi với các bạn mà không cần dùng đến ngôn ngữ kí hiệu, để trở thành một cô bé hòa đồng. Anh Khương không phải là một người mơ mộng, anh hiểu rõ từng quyết định của mình, anh biết khả năng nghe sẽ là trở lực vô cùng lớn cho việc học và chơi của con. Nhưng anh sẽ luôn ở bên con, là thầy và là bạn của con, anh sẽ không bao giờ để cô gái bé nhỏ của mình cảm thấy đơn độc.

Suốt những năm bé Ái học cấp một, anh Khương đã đứng ngoài cửa lớp, học cùng con. Những hôm bận việc, anh liên lạc với cô giáo chủ nhiệm để xin hướng dẫn bài con đã học. Ban ngày hai cha con là bạn học, để tới khi tối về, bên chiếc bảng đen nhỏ, trong ánh đèn khuya và cái tĩnh mịch của trời đêm, cha trở thành người thầy tận tụy, chỉ dạy lại hết những gì con gái không hiểu, giải đáp mọi thắc mắc của con. Cứ như thế, hai cha con cùng nhau tiến những bước nhỏ nhưng đều đặn trên con đường chinh phục ‘tri thức’ – một hành trang quan trọng sẽ theo con bước vào cuộc sống trưởng thành.

Không phụ công cha, cô bé Khả Ái đã hoàn thành trọn vẹn mười hai năm học, và em đã tham dự kì thi tốt nghiệp như bao người bạn khác, với một kết quả không cao (13,5 điểm). Nhưng kết quả ấy vẫn chính là món quà lớn nhất đối với cha em, đánh dấu sự cố gắng không ngừng nghỉ của hai cha con trong suốt những năm tháng qua.

Ba cho con cả bầu trời tuổi thơ trong sáng và một tương lai nhiều hy vọng  

Sinh ra với một khiếm khuyết tưởng chừng như sẽ khiến em mất cả tương lai, nhưng Khả Ái lại may mắn hơn rất nhiều những người bạn có cùng hoàn cảnh với em, những cô bé, cậu bé bị chính người thân của mình xa lánh, bỏ rơi chỉ vì các em khác biệt. Khả Ái thì khác, em đã có may mắn vô cùng lớn khi có một người cha thương em… Bằng tình thương, sự bao dung, cha tìm cách bù đắp cho em, giúp em nhận ra rằng, em vẫn có thể sống tốt nếu em có đủ lòng kiên trì và sự nhẫn nại.

Có lẽ vì vậy, Khả Ái đã có một tuổi thơ thật hạnh phúc, khi em biết rằng mình được yêu thương rất nhiều. Khả Ái có lẽ chưa bao giờ nhìn thấy cha cáu giận hay tỏ thái độ mất hy vọng vào em. Khuôn mặt hiền từ của cha, ánh mắt nhẫn nại, kiên cường của cha chính là những viên gạch vững chắc nhất, xây nên sự an bình cho những tháng ngày bé thơ của em.

Nhưng quan trọng hơn hết thảy, bằng chính cách sống, chính thái độ khi đối mặt với khó khăn của mình, anh Khương đã trao cho con gái một món quà quý giá nhất: Can đảm để sống tốt và để tìm thấy ước mơ của mình. Có lẽ, vì vậy mà bạn sẽ nhìn thấy đôi mắt kiên định và mạnh mẽ của anh Khương trong đôi mắt sáng trong của Khả Ái, con gái anh.

Ảnh nhân vật: Afamily. Tri thức trẻ

Ly Ly (tổng hợp)

Xem thêm: