“Thương lái Trung Quốc đang chi phối khá nhiều trên thị trường nông sản Việt Nam. Họ vào tận vùng sâu, vùng xa, cũng như bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam để thu mua tất cả những gì ngon nhất mà người nông dân có. Đây là điều các nhà quản lý cần suy nghĩ”.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực, một thương lái buôn bán nông sản với Trung Quốc, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 về nông nghiệp vừa diễn ra ngày 5/6 tại Hà Nội.
Bà Thực cho biết, sau 20 năm làm ăn với Trung Quốc, bà nhận thấy thương lái Trung Quốc đang chi phối khá nhiều trên thị trường nông sản.
Bà Thực chia sẻ bà từng tự đi mua nông sản từ những năm 2000, cũng từng xuất khẩu hàng trăm kg vải thiều sang thị trường Trung Quốc và từng bán được 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên (Hà Nội).
Tuy nhiên, đến thời điểm này bà Thực cho rằng lực lượng thương lái như bà không còn nhiều, thay vào đó là những thương lái Trung Quốc.
Theo bà Thực, thương lái Việt chủ động xuất nông sản sang Trung Quốc rất hiếm mà chủ yếu là gom hàng, ngồi nhà chờ bán cho đối tác. Cách làm này dù kiếm được tiền nhưng khiến thương lái Việt luôn bị ép giá, bán giá không cao.
“Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam để thu mua những thứ ngon nhất ở thời điểm thu hoạch. Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần suy nghĩ”, Vnmedia dẫn lời bà Thực chia sẻ.
Trung Quốc hiện vẫn được xem là thị trường xuất khẩu tiềm năng của nông sản Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Báo Đất Việt trích dẫn số liệu thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn năm 2017 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016. Trong số đó, riêng các mặt hàng nông sản chiếm tới 2,4 tỷ USD (chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng tới 120% so với năm 2016.
Đáng chú ý, ngoài những mặt hàng truyền thống, thương lái Trung Quốc còn mua những thứ rất “oái ăm” như lợn mỡ, đỉa, ốc bươu vàng, vịt đẻ… với giá cao và trong thời gian ngắn khiến thị trường bị rối loạn.
Đối với các mặt hàng truyền thống, thương lái Trung Quốc cũng thực hiện đủ chiêu trò làm giá, đẩy giá lên rồi đột ngột ngừng thu mua để ép giá khiến nông dân khóc dở, mếu dở. Hậu quả là hàng loạt các chiến dịch kêu gọi giải cứu nông sản được diễn ra và câu chuyện giải cứu đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt Nam.
Theo VOV, liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho rằng vấn đề nổi cộm của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là quy trình sản xuất đơn thuần, chưa chú trọng vào khâu chế biến. Bên cạnh đó, tính liên kết sản phẩm còn yếu dẫn đến những bất cập của toàn ngành nông nghiệp hiện nay.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng lưu ý ngành nông nghiệp nếu cứ chỉ tập trung vào sản xuất, bỏ qua khâu chế biến sẽ không thể có sản lượng tiêu thụ tốt.
“Một điểm yếu còn tồn tại của nông nghiệp Việt Nam là tính liên kết sản phẩm, liên kết yếu dẫn đến những bất cập của toàn ngành nông nghiệp hiện nay, và đây là vấn đề chúng ta cần phải xử lý”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Để làm tốt công tác nắm bắt thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng quan trọng nhất vẫn là thông tin thị trường. Trong khi đó, theo TS. Sơn, cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương hiện nay đều không có cơ quan phân tích thông tin thị trường.
Nguyễn Trang