Tại các vách đá trong một hang động ở miền trung Trung Quốc, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện thấy các dòng chữ miêu tả tác hại của hạn hán đối với người dân địa phương hơn 500 năm về trước.
Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Báo cáo khoa học (Scientific Reports).
Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể đối chiếu so sánh các hồ sơ lịch sử và địa lý trên thực địa tại một hang động.
Nội dung từ những chữ khắc, cùng với kết quả phân tích hoá học chi tiết về măng đá trong hang động, đã phác họa một bức tranh về ảnh hưởng của hạn hán theo thời gian đối với những xã hội trong lịch sử.
Một bản thông cáo báo chí của Đại học Cambridge có viết: “Những chữ khắc đã được phát hiện trên vách tường hang động Đại Ngư trong dãy núi Tần Lĩnh ở miền trung Trung Quốc, nội dung chữ khắc miêu tả ảnh hưởng của 7 đợt hạn hán trong giai đoạn 1520-1920. Khí hậu của khu vực xung quanh hang chịu tác động chính của gió mùa mùa hạ, theo đó 70% lượng mưa hàng năm chỉ tập trung trong vài tháng, nên việc gió mùa đến trễ hoặc đến sớm, quá ngắn hay quá dài, sẽ có ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái khu vực”.
“So với những hài cốt, công cụ lao động và gốm sứ đang được khai quật trong hang động, thì những chữ khắc lâu đời được tìm thấy như trên lại là một trường hợp hiếm có”
– PGS Đàm Lượng Thành, từ Viện Nghiên cứu Môi trường Trái đất trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Hang Đại Ngư trải dài 2 km trên triền núi phía Nam của dãy núi Tần Lĩnh. “Kết hợp với những bằng chứng về quá trình kiến tạo địa chất trong hang động, các chữ khắc đã giúp chúng ta xác nhận mối liên hệ giữa khí hậu và hồ sơ địa hoá học trong hang, cũng như ảnh hưởng của hạn hán đối với cảnh quan”, PGS Thành nói thêm.
Theo trang IFL Science, “Các thành hệ hang mở, gọi là các cấu trúc khoáng lắng đọng (như nhũ đá, măng đá) (xem hình bên dưới), để lộ ra một dãy các lớp đá ghi lại dấu tích phát triển hàng năm [của hang]. Nhóm nghiên cứu đã bóc tách các lớp khoáng lắng đọng, bao gồm các măng đá, để phân tích đồng vị và nguyên tố bên trong. Sự biến đổi khí hậu và độ ẩm đã tác động đến mật độ của nhiều loại nguyên tố, và các tỷ lệ đồng vị khí ôxy và các-bon cao hơn tương ứng với mức độ lượng mưa ít hơn.
“Các nhà khoa học phát hiện thấy mật độ của một số nguyên tố nhất định có mối quan hệ mật thiết với các giai đoạn hạn hán. Hồ sơ hoá học của hang Đại Ngư đã được đối chiếu chéo với những văn tự được khắc trên vách hang. Những chữ khắc miêu tả ảnh hưởng của 7 đợt hạn hán trong giai đoạn 1520-1920. Đó là thời điểm người dân địa phương đến hang lấy nước và cầu mưa”, IFL bổ sung thêm.
Sebastian Breitenbach từ Khoa Khoa học Trái đất từ Đại học Cambridge, một đồng tác giả của thông cáo trên, cho hay: “Ngoài những tác hại rõ rệt, hạn hán còn có mối liên hệ với sự suy tàn của các nền văn minh—khi con người không có đủ nước sinh hoạt, thì không thể tránh khỏi tình trạng khó khăn và các cuộc xung đột”.
“Trong thập kỷ vừa qua, các tư liệu ghi chép tìm thấy trong các hang động và ao hồ cho thấy một mối liên hệ tiềm tàng giữa tình trạng biến đổi khí hậu và sự suy vong của một số triều đại Trung Quốc trong 1.800 năm qua, ví như nhà Đường, nhà Nguyên, nhà Minh,” ông bổ sung thêm.
Theo nội dung văn tự khắc trong hang Đại Ngư, người dân sẽ đến hang để lấy nước và cầu mưa mỗi khi xảy ra hạn hán. Một văn tự khắc từ năm 1891 cho biết: “Ngày 24/5 năm Quang Tự thứ 17 (30/7/1891), Triều đại nhà Thanh, quan tri phủ Huaizong Zhu dẫn hơn 200 người vào hang để lấy nước. Một thầy bói tên Zhenrong Ran đã làm lễ cầu mưa [ở đó]”.
Một văn tự khác từ năm 1528 có ghi: “Đợt hạn hán xuất hiện vào năm Gia Tĩnh thứ 7, Triều đại nhà Minh. Gui Jiang và Sishan Jiang đã đến thị trấn Da’an để cảm tạ Long hồ bên trong hang Đại Ngư”.
Tuy nội dung văn tự có giọng văn khá bình hòa, nhưng trên thực tế các đợt hạn hán trong những năm 1890 đã gây ra nạn đói nghiêm trọng và châm ngòi cho tình trạng bất ổn xã hội ở địa phương, để cuối cùng dẫn đến một cuộc xung đột dữ dội giữa chính quyền và người dân vào năm 1900. Theo trang EurekAlert, đợt hạn hán năm 1528 cũng dẫn tới nạn đói tràn lan , và thậm chí có cả những ghi chép về hiện tượng ăn thịt người.
“Vì dãy núi Tần Lĩnh là khu vực chứa nước chính của hai dự án dẫn nước lớn và là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm loài gấu trúc lớn, nên nhất thiết phải nghĩ cách giúp khu vực này thích ứng với hiện tượng sụt giảm lượng mưa, hay hạn hán”, TS. Breitenbach cho biết. “Thế giới đã thay đổi khác xa thời những văn tự được khắc, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với những thiên tai như vậy – đặc biệt ở các nước đang phát triển”.
Đây là một phát hiện thú vị và đã cho chúng ta nhiều hiểu biết sâu sắc về lịch sử Trung Quốc.
Tác giả: Troy Oakes, Vision Times.
Đọc bài gốc tại đây.
Hoàng Sâm biên dịch
Xem thêm: