Bản tính nguyên sơ của con người là luôn hướng thượng, cầu mong sự chở che của Thần Phật với một trái tim chân thành, hướng thiện. Nhưng ngày nay, nhiều người đã coi chuyện cầu khẩn, cúng tế quan trọng hơn hết thảy. Thay vì sống đẹp theo lời răn của Phật, người ta lại chỉ mong cầu tiêu tai giải nạn, bạc tiền sức khỏe…
Về chuyện nguyện cầu điều thiện, Đức Phật cũng khẳng định rằng cầu điều thiện mà không nỗ lực hành thiện thì cũng là vô ích. Trong các buổi cầu nguyện trang nghiêm, người ta sẵn sàng trộn lẫn vào đó biết bao dục vọng, cầu mình có sức khỏe, sống thọ, có danh thơm tiếng tốt hay sắc đẹp, hạnh phúc… Nhưng chính Ðức Phật đã khẳng định rằng những thứ này đều không thể có được bằng cách cầu nguyện hay ước muốn suông:
Vắt sữa nơi “sừng” con bò cái
Tìm dầu nơi thùng cát có nước
Dầu ước nguyện cũng không thành tựu.
Theo Đức Phật, luật nhân quả là người thẩm phán tuyên án đau khổ cho người đã tạo ra nghiệp xấu ác và ban thưởng hạnh phúc cho người hiền lương. Vị thẩm phán này không thể bị các hình thức “hối lộ” của thế gian tác động để rồi đổi trắng thay đen như pháp luật của người thường được. Vị thẩm phán ấy rất công minh, liêm chính, không bao giờ lầm lẫn trong khi phán quyết nghiệp báo của các hành vi thiện ác. Sự từ bi, uy nghiêm vĩ đại của Thần Phật hoàn toàn vượt xa điều con người nhận thức được.
Trong những học trò của Khổng Tử có một người tên là Vương Tôn Giả, người nước Vệ. Mặc dù, Vương Tôn Giả là bậc đại phu của nước Vệ, chức vị cao nhưng vẫn bái Khổng Tử làm thầy.
Một lần Tôn Giả hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Con nghe có câu nói rằng: “Thà đi lấy lòng ông Công còn hơn lấy lòng Thần Áo”. Thầy thấy những lời này thế nào ạ?”
Thời xưa thờ Thần ở góc tây nam nhà gọi là Thần Áo. Đây cũng là chỗ tôn quý nhất khi cúng tế. Nhưng Thần Áo lại không phải là Thần chủ, mà ông Công tuy rằng được đặt ở chỗ thấp trong nhà nhưng lại là Thần chủ. Ngày nay không còn mấy người thờ Thần chủ nữa.
Câu nói của Vương Tôn Giả có ý rằng, việc chờ đợi quân vương đến bổ nhiệm chức vị, không bằng trước đó thông qua Tôn Giả để được triều đình trọng dụng, ý tứ là đi cửa sau.
Khổng Tử nghe xong câu hỏi của học trò liền nghiêm mặt nói: “Nếu một người làm chuyện phạm đến Thiên lý, đắc tội với Trời thì dù có hướng lên Trời cầu khẩn như thế nào đi nữa cũng là không có tác dụng”.
Khổng Tử còn nói thêm rằng: “Người quân tử có đạo của mình, sẽ không đi lấy lòng Thần Áo và cũng không đi lấy lòng ông Công”.
Có một lần, Khổng Tử bị bệnh rất nặng, học trò Tử Lộ ở bên cạnh chăm sóc ngài suốt hơn một tháng liền, nửa bước cũng không rời khỏi. Tử Lộ thấy thầy ngày một gầy yếu đi, bệnh tình lại không thuyên giảm nên vô cùng lo lắng. Ông nghĩ rằng nếu chỉ dựa vào sức người thì sẽ không cứu được thầy mình.
Vì vậy, Tử Lộ liền xin Khổng Tử cho phép mình thay thầy hướng lên trời cầu nguyện. Khổng Tử bèn nói: “Có đạo lý cầu Thần mà khiến cho người bệnh khỏi được sao?”.
Tử Lộ nói: “Con từng nghe trong văn tế lễ của nhà Chu có câu: “Hướng về phía Thiên Thần cầu khẩn cho người!”.
Khổng Tử nói: “Con không cần cầu khẩn cho ta nữa, ta đã tự mình cầu khẩn từ rất lâu rồi!”.
Khổng Tử nhìn bộ dạng ngạc nhiên của học trò liền nói tiếp: “Cầu khẩn chân chính phải không có tạp niệm, hơn nữa còn phải phù hợp với ý chỉ của Trời, Đất và các chư Thần. Cũng chính là phải kính trọng các chư Thần, không làm chuyện vi phạm Thiên lý. Cho nên, ta mới nói rằng, bản thân mình đã cầu khẩn từ rất lâu rồi!”.
Ngày hôm sau, quả thực bệnh của Khổng Tử biến mất như một kỳ tích.
Lại có một câu chuyện khác kể rằng, xưa có một người làm việc trong cung hoàng tử tên là Đông Ngạc Lạc được phái đến vùng Mã Nạp Tư, thuộc quyền cai quản của nước Ô Lỗ Mộc Tề (thủ phủ khu tự trị Tân Cương ngày nay). Vì đường xa nghìn dặm, anh ta quyết định đi nhanh hơn vào ban đêm để tránh cái nóng oi bức.
Giữa đường đến Ô Lỗ Mộc Tề, anh dừng chân nằm nghỉ một chút cạnh gốc cây. Khi đó có một người đàn ông đến gặp anh, tự giới thiệu mình là Lưu Thanh, cấp dưới của Trần Trúc Sơn. Sau một hồi lâu nói chuyện, Lưu Thanh có một thỉnh cầu: “Anh có thể làm ơn chuyển lời nhắn tới người đầy tớ tên Hỉ Nhi ở phủ quan là trả tôi 300 đồng vì tôi đang trong cảnh túng thiếu được không?”.
Ngày hôm sau, Đông Ngạc Lạc tìm đến Hỉ Nhi và chuyển lời nhắn. Hỉ Nhi đổ mồ hôi đầm đìa, khuôn mặt đầy nét sợ hãi. Đông Ngạc Lạc thắc mắc hỏi rõ ngọn ngành. Hỉ Nhi đáp: “Lưu Thanh đã chết vì bệnh từ lâu rồi”.
Nguyên là Trần Trúc Sơn thấy Lưu Thanh làm việc chăm chỉ, thận trọng lúc còn sống nên vẫn ban thưởng 300 đồng dù anh ta đã qua đời từ lâu. Sau đó ông nhờ Hỉ Nhi chuẩn bị tiền giấy và cúng tế Lưu Thanh để tỏ lòng kính trọng. Hỉ Nhi biết rằng Lưu Thanh không có họ hàng thân thích để cúng viếng nên đã biển thủ tiền bạc, nghĩ rằng sẽ không ai phát hiện ra. Nhưng giờ đây, Hỉ Nhi bị một hồn ma yêu cầu trả nợ.
Trần Trúc Sơn không bao giờ tin vào chuyện nhân quả cho tới khi nghe tin này. Ông nói trong sự sợ hãi: “Những gì Lưu Thanh nói không thể là dối trá, hoàn toàn là sự thật”. Ở đời, có một nguyên lý không đổi đó là: “Thiếu tiền đền tiền, thiếu mạng đền mạng”. Sau khi làm nhiều chuyện sai trái mới lo sợ, tìm cách cầu khẩn, cúng tế thì cũng vô ích.
Những bài học của cổ nhân đã dạy chúng ta phải biết sống đẹp, hành thiện, coi trọng đạo đức để đắc được phúc báo, toại nguyện trong đời. Một khi hiểu được đạo lý nhân quả của vũ trụ, người ta cũng sẽ không phải mất thời giờ vô ích vào việc truy cầu, cầu nguyện. Khi ấy, họ hiểu rằng chính là hành vi thiện – ác của chúng ta sẽ quyết định đến sự được – mất của cuộc đời mình.
Khi con người làm trái với Thiên lý thì thần linh cũng không thể giúp được. Một khi đã tạo nghiệp ác thì phải đền trả. Không ai có thể đánh đổ quy luật muôn đời này.
Chân Tâm