Luân hồi chuyển kiếp không chỉ là khái niệm của giáo lý nhà Phật, của văn hoá phương Đông. Nhiều nghiên cứu cho thấy ở Hy Lạp cổ đại hay trong quan niệm Cơ Đốc giáo cũng có nhiều người bàn về kiếp trước, kiếp sau, đầu thai, luân hồi.

Phật gia cho rằng, sự sống con người không chỉ có trong một đời một kiếp. Sau khi chết, người ta phải trải qua những lần chuyển sinh trong 6 nẻo luân hồi: cõi trời, cõi A Tu La, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục.

Do đó, một người sinh ra trên thế gian sẽ có 3 loại trạng thái sinh mệnh: đời này, đời trước và đời sau. Phật gia cho rằng vận mệnh đời này của con người được quyết định bởi đức hạnh và nghiệp lực tích luỹ từ những đời trước. Còn những việc làm trong kiếp sống này sẽ quyết định tương lai, kiếp sau của người ta.

Sự phong phú của các thư tịch, thần thoại, truyền thuyết dân gian phương Đông khiến người ta nghĩ rằng quan niệm luân hồi là nét đặc thù của văn hoá Á Đông.

Tin Thần tín Phật là một nét đặc thù trong văn hóa phương Đông. (Ảnh: pixabay.com)

Tuy nhiên trên thực tế, trong văn hoá Hy Lạp cổ, các nước châu Âu cũng như quan niệm Cơ Đốc giáo cũng có tồn tại quan niệm luân hồi. Rất nhiều nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại như: Pythagoras, Plato, Apollonius… đều từng đề cập đến vấn đề luân hồi.

Luân hồi trong quan niệm các triết gia Hy Lạp cổ

Pythagoras (khoảng 580 – 500 TCN), nhà triết học, nhà toán học nổi tiếng của Hy Lạp cổ, người đã phát minh ra định lý Pitago có một niềm tin mạnh mẽ vào luân hồi, ông công khai tuyên bố thuyết linh hồn bất diệt và luân hồi chuyển thế.

Ông từng nói: “Linh hồn là bất diệt, nó có thể chuyển biến thành các loại sinh vật khác. Ngoài ra, phàm là sự vật tồn tại, đều sẽ phải tái sinh trong một loại môi trường nào đó, không có bất cứ thứ gì là mới mẻ tuyệt đối cả. Hết thảy mọi thứ sinh ra đã có sinh mệnh cả“.

Một nhà hiền triết khác của Hy Lạp cổ là Diogenes còn cho rằng Pithagoras có thể nhớ lại được tới 4 lần luân hồi chuyển sinh của mình một cách cụ thể, tường tận. 

Platon (khoảng 427-347 TCN), một nhà tư tưởng lỗi lạc khác của Hy Lạp cổ cũng có cùng quan điểm này. Trong cuốn “Phaedrus”, ông viết rằng, hết thảy linh hồn chuyển sinh vào trong nhục thể, nếu sống theo chính nghĩa thì có thể có được vận mệnh tốt, còn nếu không sống theo chính nghĩa, vận mệnh sẽ rất thảm hại. 

Platon còn chỉ ra rằng con người sẽ chuyển sinh đến những nhục thể khác dựa theo việc làm trong đời trước của mình:

Người đã dưỡng thành những thói xấu như tham ăn, ích kỷ, chè chén say sưa, rất có khả năng sẽ đầu thai trở thành lừa hoặc những động vật sa đọa khác. Người sống vô trách nhiệm, vô pháp vô thiên, sử dụng bạo lực thì sẽ hóa kiếp thành sói, chim ưng, diều hâu.

Người dưỡng thành bản tính lương thiện của một công dân tốt, có thể sẽ tiến nhập vào cuộc sống xã hội nào đó, có thể là bên trong cơ thể của loài động vật sống có kỷ luật, ví như loài ong, ong vàng, kiến, thậm chí có thể lần nữa chuyển sinh thành người“.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tịnh hóa linh hồn đây? Platon cho rằng, chỉ có nhận thức chân lý, theo đuổi cái thiện, linh hồn người ta mới được tẩy rửa:

Muốn có được linh hồn thuần khiết mà lại không thể đi theo Thần, thì chân lý nào cũng đều sẽ không nhìn thấy được, chỉ có thể gặp phải bất hạnh, sẽ bị lãng quên mau chóng và sa vào tội ác. Bởi gánh nặng đã khiến đôi cánh họ bị tổn thương và ngã xuống mặt đất. Họ sẽ phải tuân theo loại phép tắc như vậy mà trầm luân“.

Ý tứ là nếu con người ta không theo đuổi chân lý, không biểu dương trí huệ, không tín Thần thì cuối cùng sẽ chịu sa đọa trong tội ác, trầm luân trong dục vọng. Họ sẽ không ngừng bị giáng hạ xuống. Chúng ta biết rằng Adam và Eva chỉ vì nghe lời con rắn nếm thử trái cấm mà bị đuổi khỏi vườn Địa đàng, cũng chính là một hình thức bị trừng phạt, giáng hạ.

Platon cũng nói: “Nếu người ta hướng đến một lối sống thấp kém, đi ngược với luân lý, thèm khát hư vinh thì một khi không tỉnh táo linh hồn họ sẽ bị “con ngựa bất kham” mang tên dục vọng dẫn đến những nơi lạc thú, làm ra những việc sa đoạ, đồi truỵ, thoả mãn kích thích cá nhân. Đã làm một lần rồi, thì sau này họ sẽ không ngừng tái phạm nữa“.

Quả vậy, một khi chìm đắm trong hưởng lạc và lạc thú thấp hèn, khi nuôi dưỡng dục vọng ngày càng mạnh mẽ, người ta sẽ buộc phải trả hết nợ nghiệp đầy thống khổ trong luân hồi tử sinh. 

Tượng Platon. (Ảnh: Pinterest)

Luân hồi trong Cơ Đốc giáo

Sau nền văn minh của Hy Lạp cổ và La Mã cổ, Cơ Đốc giáo, một tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đối với nền văn minh phương Tây cũng bảo lưu quan điểm về thuyết luân hồi.

Ngay từ sớm trong “Các cuốn sách Biển Chết” (viết trong khoảng 200 TCN – 68 SCN), đã có rất nhiều ghi chép về trường hợp chuyển sinh của đại tư tế Menkisede. Theo “Sáng Thế Ký”, ông vốn được người Do Thái thuộc phái Qumran Essenes chờ đợi.

Trong “Thư gửi tín hữu Do Thái giáo” ở Tân Ước, cách nói Đức Jesus được tôn xưng là “Thượng Tế theo phẩm trật Menkisede” chính là vì để trùng khớp với truyền thuyết cổ xưa của phái Essenes này. 

Từ thế kỷ 1, trong ghi chép của nhà sử học Do Thái Flavius Josephus có thể thấy các tông phái lớn của Do Thái giáo đương thời, ngoài các phái Sadducees, Essenes và Pharisees đều rất tin tưởng vào thuyết luân hồi chuyển sinh.

Thế kỷ thứ 2, cha xứ Origen, một người rất có ảnh hưởng đến Cơ Đốc giáo cũng tin rằng linh hồn sẽ thuận theo thiện ác đã làm từ đời trước mà gặp phải báo ứng khác nhau trong đời này, hơn nữa không ngừng xoay vần như vậy không có hồi kết. Thuyết này đã được lưu truyền suốt 300 năm trong giáo hội chính thống. 

Trên thực tế, nhìn từ góc độ luân hồi báo ứng, một số trường hợp trong kinh Tân Ước còn có thể lý giải dễ dàng hơn nữa. Ví như trong “Phúc âm Matthew” có viết:

Khi Jesus bước đến, nhìn thấy một người bị mù bẩm sinh. Môn đồ hỏi Đức Jesus rằng: “Thưa Thầy, người này bị mù ngay từ khi mới sinh ra, là ai đã phạm tội vậy, là người này, hay là cha mẹ anh ta?”.

Đức Jesus trả lời: “Không phải là người này phạm tội, cũng không phải là cha mẹ anh ta phạm tội, mà là phép màu của Chúa Cha sẽ được triển hiện trên thân của người này“. 

Đức Jesus từng dùng thuyết luân hồi để diễn giảng về mối quan hệ giữa Gioan Tẩy Giả và tiên tri Elijah. Đoạn này có thể thấy trong “Phúc âm Matthew”: 

Đức Jesus. (Ảnh: toperfect.com)

Các môn đệ hỏi Người rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Elijah phải đến trước?”.

Người đáp: “Ông Elijah phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Elijah đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”. Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả. 

Đến thế kỷ thứ 6, hoàng đế của đế quốc đông La Mã là Justinian I cho rằng học thuyết của cha xứ Origen là dị đoan và bắt giam giáo hoàng Vigilius vốn ủng hộ cách nói này, đồng thời bắt đầu loại bỏ đi thuyết luân hồi trong “Kinh Thánh”. 

Hiển nhiên, nguyên nhân hàng đầu để phủ định thuyết luân hồi là vì “lo sợ thuyết luân hồi sẽ làm yếu đi tầm quan trọng về sự cứu chuộc của Cơ Đốc“. 

Nhưng bất kể “Kinh Thánh” đã bị lược gọn đến mức độ thế nào, chúng ta vẫn có thể tìm được những đầu mối có liên quan với luân hồi. “Các cuộn sách Biển Chết” được phát hiện gần đây đều có ghi lại giáo nghĩa của “White Brotherhood”, bao gồm luân hồi, chủ nghĩa ăn chay mà cho đến ngày nay phần đông đã trở thành giáo lý xa lạ với đại đa số các tín đồ Cơ Đốc giáo. 

Sự phát triển của khoa học hiện đại, thuyết vô thần đang phá huỷ những niềm tin vào Thần Phật vốn là bản năng của con người. Thuyết luân hồi cũng bị chụp cho cái mũ “mê tín”.

Thực ra, khoa học dù phát triển cao đến mấy, con người dù nắm trong tay kỹ thuật lợi hại nhường nào, cũng không thể nào cải biến được sự an bài của Thần cho thế giới con người. Luân hồi chính là một trong những điều được an bài như vậy.

Có thể lấy một ví dụ sinh động cho luận chứng này. Ai cũng biết y học hiện đại rất phát triển, các loại thiết bị, máy móc có thể giúp người ta chẩn đoán, điều trị bệnh mau chóng, hiệu quả. Thế nhưng, con người vẫn không thể bất tử, vẫn phải đối diện với luân hồi, sinh tử.

Trong lịch sử, chưa từng ai tìm ra thuốc trường sinh. Tần Thuỷ Hoàng cử người chu du bốn biển tìm không ra. Các đạo sĩ cũng bắc lò nấu thuốc, luyện đan, muốn chế thuốc trường sinh rốt cuộc cũng chẳng thành.

Bởi vì liều thuốc trường sinh tuyệt diệu nhất của đời người chính là hành thiện, tích đức, tích phúc báo. Làm việc thiện đời này thì kiếp sau mới mong được đầu thai làm thân người, hưởng tiếp số trời. Nếu chỉ một lòng cầu trường sinh, trường thọ rồi lại hành ác nghiệp, làm việc xấu thì vạn kiếp có khi vẫn phải đoạ đày nơi địa ngục bể khổ.

Đó chính là:

Luân hồi chuyển thế kỷ thiên niên
Tiến tiến xuất xuất vi na bàn
Công danh lợi lộc bất trường cửu
Thế đạo hưng suy toàn tại thiên
Sinh mệnh bản thị thiên thượng tiên
Nhân sinh thành bại quá nhãn yên
Thị phi bản thị tiền thế oán
Đắc Pháp phá mê thượng thanh thiên

(Ca khúc “Mộng tỉnh”, lời: Minh Tịnh)

Tạm dịch: 

Luân hồi chuyển thế mấy ngàn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào giữ mãi
Thế đạo hưng suy định bởi trời

Sinh mệnh vốn là tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương.

Thiện Sinh 

 

Từ Khóa: