Chuyện Thánh Gióng diệt giặc Ân mọi nhà đều biết, nhưng câu chuyện giản lược trong sách giáo khoa không nói rõ nguyên nhân vì sao nước Nam ta bị giặc xâm lấn, và vì sao Phù Đổng Thiên vương hạ trần. May mắn thay, Ngọc phả Hùng vương còn ghi lại tường tận nguồn cơn ấy.
Sử cũ còn ghi: Cháu ba đời của vua Viêm Đế là Đế Minh đi tuần du phương nam, đến núi Ngũ Lĩnh thì gặp nàng Vụ Tiên thần nữ, sinh ra Kinh Dương vương. Đế Minh lập con trưởng là Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, cho Kinh Dương vương làm vua phương Nam. Kể từ khi Kinh Dương vương mở nước Văn Lang, các đời vua Hùng tiếp nhau nối ngôi chính thống, “trong sửa văn đức thu phục nhân tâm, ngoài lập vũ công, chấn uy phong với nước lạ, khiến cho xã tắc yên bình, biên cương vô sự”. Truyền từ Hùng Hiền vương (Lạc Long quân), đến Hùng Huy vương là đời thứ sáu.
Ngọc phả Hùng Vương chép rằng:
“Huy vương lên ngôi, noi theo quy chế của tiền vương, cũng có chí chăm việc nuôi dân. Nhưng kế thừa nền thái bình đã lâu, ngòi rãnh dễ tràn, cam chịu yến tiệc yên vui, không chịu khó nghĩ suy chính sự. Bấy giờ có bà mo tinh thông địa lý thông hiểu thiên văn, thường đem bí pháp thần cơ tâu vua, tự xưng là Tiên nhân, xin cho vào hầu trong cung để thưa đáp khi vua cần hỏi đến. Ngày sau đình thần có vị quan tâu rằng:
– Bà mo ấy mù tịt về mo sử, xem ra chỉ là một mụ đàn bà bình thường thôi! Chỉ giỏi bàn luận vu vơ, thực chẳng biết trời đất thiên địa. Sao vua lại cho mụ ta hầu cận, bàn nói chuyện hoang đường? Bọn thần cho rằng bệ hạ đã bị mụ ta làm mê hoặc.
Vua cho là phải, bèn sai bắt bà mo giam trong cung. Sau đó vua sai lập một đàn tế khác, cũng làm giả các voi trắng không ngà, voi đen ba chân, ngựa đỏ năm chân để cầu đảo với Thiên vương. Vua bảo đình thần:
– Trẫm dùng kế ấy để xem người bà mo có biết giả trá hay không?
Hoàng thiên tuy cao, nhưng nghe xong tỏ ý không bằng lòng, xem đến các đồ lễ thì hoàn toàn không linh ứng. Hoàng thiên bèn giáng tai ương để cảnh báo nhân quân không có đức.
Bấy giờ Hùng Huy vương mới nghiệm biết đạo trời báo ứng ngay trước mắt. Bấy giờ vua cho đưa bà mo đến bảo: “Ngươi biết dò xét huyền cơ, nay trong nước có triệu chẳng lành, ngươi có thể bay lên trời tìm hỏi xem lý do thế nào?”.
Bà mo bèn nằm thiếp trong khoảng ba canh rồi nói lảm nhảm như người đang chiêm bao. Bà ta nói mình đã đến trước cửa khuyết Thiên đình, tâu rằng: “Tôi vâng mệnh quốc vương lên tâu thiên đình: Nay trần thế đang có tai ương, chưa biết nguyên do nào gây nên như thế?”. Ngọc Hoàng phán:
– Ngươi mau trở về báo cho vua ngươi biết: Lưới trời lồng lộng, thưa mà không thể lọt. Trần hoàn lóc lóc, có cầu có nguyện tất được tòng tâm. Hùng Huy vương mù quáng kiêu căng, rông càn làm lễ vật giả dối. Đó là do trời báo phạt, không chỉ giáng bấy nhiêu tai ương mà thôi. Ba năm sau [nếu không sửa chữa] tất sẽ có nạn giặc lớn!
Nghe phán xong, bà mo liền tỉnh lại. Bà mo tâu lại mọi chuyện với vua. Huy vương nghe nói cả kinh, vẫn cho bà mo ở lại trong cung để xem lời nói của bà ta có nghiệm hay không. Huy vương lại sai triều quan dựng đàn ở Trung Đô, các lễ vật như voi ngựa vàng bạc đều dùng đồ vật thật ở trung cung. Khi lễ nghi đã đầy đủ, vua thân lên đàn đọc văn khấn tế:
– Ngu si lầm lỗi, đem vật uế dâng lễ Hoàng thiên. Sự hãy nhãn tiền, xét xem đủ thấy. Cúi xin Thượng đế chuyển họa làm lành, đội ơn vạn hạnh. Ngu si cúi ngước, cậy nhờ ơn đức Hồng quân!
Vua khấn xong, bỗng thấy mây cuồn gió cuộn nổi lên, trời mung lung chuyển sắc. Khói hương trên đàn tế bay lên hoà sắc cùng mây lành đang toả xuống.
Hùng Huy vương thảng thốt kinh sợ, khấu đầu lạy tạ rồi lên xe về cung. Vua lại sai bà mo lên thiên đình xin Hoàng thiên tha tội để nước nhà được yên. Bà mo trở về tâu với Huy vương:
– Vua biết hối lỗi, đã được Hoàng thiên xét soi. Tuy năm sau có giặc xâm lăng, nhưng trời cho nhân tài sinh ra để giúp nước, vua khỏi phải lo nghĩ nhiều!
Vua tin lời. Quả nhiên ba năm sau bỗng có tin từ biên cương đưa về cáo cấp: Tướng giặc Ân là Thạch Linh thần tướng khởi binh từ Bắc đạo tiến sang, giáo mác giáp trụ liên tiếp kín trời, tinh kỳ rợp đất, quả đúng như lời bà mo đã nói”.
Câu chuyện đã nói rõ, mối nguy bắt đầu từ khi Hùng Huy vương buông lơi triều chính, nghe lời sàm tấu bạc đãi người tu đạo. Nhà vua vì bất kính với Trời, không lo sửa đức nên Trời giáng tai hoạ, chiêu mời giặc tới. May mắn là Huy vương kịp thời tỉnh ngộ, sám hối với Thần linh, nên được Trời ban nhân tài ra dẹp giặc, giữ yên bờ cõi.
Thời cổ đại, Hoàng thiên, cũng là Thượng đế hay Thiên đế… là chúa tể của Trời đất; bậc đế vương là người thống trị mà Thiên thượng phái xuống nhân gian, thay mặt Hoàng thiên giáo hóa chăm sóc trăm họ, chính vì thế mà gọi là “Thiên tử”. Như trong bài “Tự Thuật”, vua Lê Thánh Tông đã viết:
“Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc Trời, dám trễ đâu
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”.
Cổ nhân có câu: “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ”, nghĩa là: Trời xanh không kể thân thích, chỉ trợ giúp người có đức. Mệnh Trời sẽ chỉ chiếu cố những vị vua có đức, một khi Thiên tử thất đức, ắt sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh suy của vương triều. Do đó, bậc vua chúa nếu muốn giang sơn bền vững, thì phải tu đức để xứng đáng với Trời. Thiên tai, giặc dã… chính là lời cảnh báo của Thiên thượng.
Thật vậy, ngay khi được tin giặc tiến đánh biên cương, Hùng Huy vương đã thành tâm cầu khấn Thần linh phù hộ cho nước Nam. Ngọc phả Hùng vương có chép:
“Hùng Huy vương bèn cho đắp đàn tế, trai giới tịnh khiết rồi lên đàn thắp hương cầu khấn. Các quan triều đến dự hội tế suốt trong ba ngày. Sau đó mưa to sấm gió nổi lên, bỗng thấy một cụ già thân cao hơn 9 thước, mày râu bạc phơ đang cười nói nhảy múa ở chỗ ngã ba đường, ai trông thấy cũng phải lấy làm lạ, cho là bậc kỳ nhân. [Quan hầu] vào tâu vua, vua đích thân ra đón mời vào đàn tế, nói với kỳ nhân rằng:
– Nay quân Bắc sang xâm lăng, thắng thua chưa biết thế nào, xin lão ông cho chỉ giáo.
Lão ông trầm ngâm hồi lâu, rút thẻ bói quẻ rồi đáp:
– Nếu tìm được người thì giặc này không đáng phải đánh dẹp!
Nói xong cụ già vút lên không bay đi. Vua thấy vậy biết đó là lời dạy của Lạc Long quân. Thế là vua sai người hầu đi tìm khắp nơi trong nước”.
Cuối cùng, sứ giả đã tìm được nhân tài Trời ban, chính là Thánh Gióng mà người Việt không ai không biết.
“Nghĩ Thiết Đổng thần vương có đại huân lao giúp nước, nhưng chưa từng gặp mặt, không biết lấy gì báo đáp, Hùng Huy vương bèn truy tôn thần là Phù Đổng thiên vương, truy tôn bà mẹ làm Thánh mẫu, cho dựng đền thờ trên nền nhà cũ. (Nay ở xã Phù Đổng huyện Tiên Du và thôn Đổi Mã xã Vệ Linh huyện Kim Hoa có các đền miếu phụng thờ) Cấp cho làng Phù Đổng 100 khoảnh ruộng để đèn hương phụng thờ.
Vua lại cho xây điện Cửu trùng tiêu (điện cao chín tầng) trên núi Nghĩa Lĩnh làm Kính Thiên linh điện để thời thường cầu đảo, vâng lĩnh ý Trời. Từ đó trong cõi thái bình, nước nhà vô sự. Nhà Ân trải 27 đời vua hơn 640 năm không dám đem quân sang đánh nước Nam. Hùng Huy vương hưởng nước 87 năm, thọ 100 tuổi thì băng (Mộ táng ở trước núi, hướng Kiền Tốn)”.
Ngọc phả Hùng vương ghi chép tường tận những Thần tích nơi thế gian, sự linh ứng kỳ diệu giữa Trời và người, lời giáo huấn nghiêm khắc cũng như sự bảo hộ từ bi của Thiên thượng. Bản Ngọc phả Hùng Vương này do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470), biên dịch bởi GS Ngô Đức Thọ. Thiết nghĩ rằng những huyền sử, thần thoại hẳn đều có cơ sở, tổ tiên chúng ta nào chỉ thêu dệt chuyện làm vui, hay dọa dẫm người đời? Nếu như con người hiện đại có thể thành tâm kính ngưỡng Thần Phật, thì Thần tích mới một lần nữa triển hiện nơi thế gian. Nếu như hậu thế hôm nay có thể noi theo lời khuyên nhủ của tiền nhân, tôn kính Trời Đất, trọng đức hành thiện, thì tốt đẹp nhường nào!
Thanh Ngọc
(Ảnh: NTDVN)