Hai ngàn năm trước, vào đời nhà Hán ở Trung Quốc, người dân đã lưu truyền một câu chuyện cảm động về một cô gái nhỏ bé, trước cảnh cha già bị hàm oan, đã liều mình viết tâm thư, làm kinh động đến tận hoàng đế để cứu cha.
Người con gái dũng cảm ấy chính là Thuần Vu Đề Oanh, sống ở thời vua Hán Văn Đế. Cảm động trước câu chuyện đó, Ban Cố (32-92 sau Công Nguyên), nhà sử gia, chính trị gia lỗi lạc thời bấy giờ đã chắp bút viết nên một bài thơ ca ngợi tấm lòng hiếu thảo và sự dũng cảm của Đề Oanh, để câu chuyện cảm động đó còn mãi lưu truyền cho hậu thế.
Chuyện kể rằng, cha của Đề Oanh là Thuần Vu Ý, một vị danh y, cực kỳ tinh thông y thuật ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Vốn tính tình cương trực, Thuần Vu Ý luôn coi khinh những kẻ giàu có, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy quyền cậy thế ức hiếp dân lành. Dù quan lại, địa chủ xa gần đã nhiều lần đón rước, nhưng ông chẳng mặn mà với việc chữa bệnh cho những kẻ lắm tiền, nhiều của, hợm hĩnh đó. Không được lòng vương công đại thần, năm 176 trước Công Nguyên, Thuần Vu Ý đã bị gán cho tội danh nhận tiền, chẩn đoán sai bệnh cho một vị vương gia giàu có. Không mảy may suy nghĩ, quan lại địa phương, vốn chẳng ưa gì Thuần Vu Ý, đã nhanh chóng áp giải ông lên kinh chịu tội.
Trong cảnh sinh ly tử biệt, Thuần Vu Ý không khỏi xót xa khi nhận ra ông chỉ có năm cô con gái, mà chẳng có lấy một mụn con trai nối dõi. Cay đắng, xót xa nhìn hàng nước mắt lăn dài trên má con thơ, ông than thở: “Sinh con không sinh con trai, gặp việc quan trọng chẳng được ích gì!”. Nghe cha nói vậy, bốn cô chị càng đau buồn, kêu khóc thảm thiết hơn. Chỉ riêng có Đề Oanh, người con gái út, đã nuốt nước mắt, quyết chí theo cha lên kinh để tìm đường cứu cha.
Vừa bị áp giải tới kinh thành, Thuần Vu Ý đã bị giam ngay vào ngục, chờ xét xử. Vào thời nhà Hàn, hình luật quy định ba biện pháp hành hình vô cùng tàn bạo, là cắt mũi, chặt ngón chân hoặc xăm dấu tử tù lên mặt để phạm nhân cả đời thương tật, không ngóc đầu lên được. Dẫu bị hàm oan, nhưng nếu bị khép tội, Thuần Vu Ý có nguy cơ đối mặt với một trong ba hình phạt hà khắc đó. Là người có học, hiểu chuyện, ông và năm người con vô cùng lo lắng, đau buồn trước cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy.
Khi cha và bốn người chị đã gần như phó mặc cho số phận, thì người con gái út, Đề Oanh, không cam lòng, và nảy ra một ý định vô cùng táo bạo. Không màng đến hiểm nguy, Đề Oanh đã quyết định viết một bức tâm thư, sẵn sàng kinh động đến thánh giá. Tâm thư viết: “Thưa bệ hạ nhân từ, độ lượng! Tiểu nữ viết tâm thư này để kêu oan cho người cha già bị oan, mong Hoàng Thượng khoan hồng, chiếu cố. Thưa bệ hạ, cha tiểu nữ là Thần Vu Ý, vốn là một lương y có chút tiếng tăm trong vùng. Cả đời cha tiểu nữ luôn dốc lòng chữa bệnh, cứu người, phò vua, giúp nước, không tơ hào đến danh vọng, địa vị, sống chính trực ngay thẳng. Không may, cha tiểu nữ bị bọn tiểu nhân vu oan giá họa, rơi vào cảnh lao tù, đang chờ ngày xét xử. Thân mang tội, cha già đối mặt với hình luật nghiêm minh của nước ta, nặng thì đầu rơi máu chảy, mà nhẹ thì thương tật suốt đời. Dẫu sau này nỗi oan có được hóa giải, thì người chết đi cũng không thể sống lại, chân tay chặt xuống rồi cũng chẳng nối lại được, cả đời không ngẩng mặt lên được. Tiểu nữ kính mong bậc đế vương rộng lòng xem xét, xin nguyện lấy thân trâu ngựa này để hầu hạ nhà quan, chỉ mong cha được miễn tội, yên ổn sống nốt phần đời còn lại”.
Hoàng đế nhà Hán thời bấy giờ là Hán Văn Đế, một vị vua nhân từ, anh minh. Đọc tâm thư của Đề Oanh, vị vua đã thực sự cảm động trước lòng hiếu thảo của cô gái trẻ, vì cứu cha đã không màng đến tính mạng, thân thể mình. Trước tấm chân tình đó, nhà vua đã ban lệnh xá tội cho cha cô. Theo lệnh vua, Đề Oanh cũng không phải làm nô tì, được về đoàn tụ với cha, và ba loại nhục hình hà khắc cũng được bãi bỏ.
Nàng Đề Oanh hiếu nghĩa cứu cha là câu chuyện lịch sử nổi tiếng tại Trung Quốc. Không chỉ giúp cha giữ được mạng sống, cô đã khiến nhà vua ban lệnh bãi bỏ những hình phạt đáng sợ thời bấy giờ. Câu chuyện về Đề Oanh từ đó mà được người đời ca tụng, lan truyền khắp nơi, và lưu danh hậu thế. Nhà sử gia và chính trị gia nổi tiếng thời Đông Hán – Ban Cố, trong “Vịnh Sử” theo lối ngũ ngôn thi cổ thậm chí còn ví von rằng: “Trăm người con trai vô dụng, chẳng bằng một nàng Đề Oanh”.
Vy Huy – Nguyên An