Thời Chiến Quốc, Trang Tử và Huệ Tử là đôi bạn thân, họ thường đàm đạo, tranh luận đạo lý, và cũng đã để lại rất nhiều mẩu chuyện thú vị…
Trang Tử (365-290 TCN) có tên là Mông Lại, Mông Trang hay Mông Tẩu, ông là một triết gia và cũng là một tác gia thuộc Đạo giáo. Trang Tử được coi là người kế thừa và hiển dương tư tưởng của Lão Tử, vốn được người đời sau gọi chung là tư tưởng Lão Trang. Tên thật của ông là Trang Chu nhưng người ta thường gọi tên ông trong các tác phẩm gắn liền với với tên hiệu là Trang Tử.
Huệ Thi (370-310 TCN) là một nhà triết học cổ đại của Trung Quốc thuộc phái Danh gia. Ông từng làm tướng quốc cho Ngụy Huệ Thành Vương và là người nổi tiếng hiểu sâu biết rộng, đặc biệt là rất giỏi biện luận.
Thời Chiến Quốc, Trang Tử và Huệ Tử là đôi bạn thân, họ thường đàm đạo, tranh luận đạo lý, và cũng đã để lại rất nhiều mẩu chuyện thú vị. Sau khi Huệ Tử chết, Trang Tử đến đưa tang, ông đứng trước mộ của Huệ Tử mà nói rằng:
“Sau khi ông chết, tôi chẳng còn ai là đối thủ để tranh luận nữa, cũng chẳng có ai đàm luận đạo lý với tôi nữa”.
Qua đó có thể thấy tình bằng hữu giữa Trang Tử và Huệ Tử rất keo sơn gắn bó, cũng rất thâm tình: Họ vừa là tri kỷ, vừa là đối thủ, thậm chí có những lúc còn là địch thủ của nhau nữa.
Chuyện Huệ Tử làm tể tướng cho người đuổi bắt Trang Tử
Huệ Tử vốn học rộng tài cao nên được Ngụy Vương mời làm tể tướng. Một lần Trang Tử đến nước Ngụy thăm bạn, có kẻ tiểu nhân nói lời gièm pha với Huệ Tử rằng:
“Bẩm đại nhân, ngài phải hết sức cẩn trọng. Trang Tử đến nước Ngụy là có rắp tâm không tốt, ông ta muốn tranh đoạt vị trí tể tướng của ngài”.
Huệ Tử nghe những lời này, tin là thật. Để phòng ngừa bất trắc có thể xảy ra, Huệ Tử lệnh cho binh sỹ tìm bắt và đuổi Trang Tử ra khỏi nước Ngụy.
Binh sỹ tìm suốt ba ngày ba đêm mà chẳng thấy Trang Tử đâu. Sang đến ngày thứ tư, Trang Tử bỗng xuất hiện trước mặt Huệ Tử và nói với ông ta rằng:
“Có một loài chim sống ở phương nam gọi là chim Uyên sồ (giống như phượng hoàng). Loài chim này bản tính cao ngạo. Mùa hạ, Uyên sồ di cư từ phương Nam đến phương Bắc. Trên đường bay vượt biển khơi, nó chỉ nghỉ ở cây ngô đồng, nó chỉ ăn loài quả mọc từ cây trúc, nó chỉ uống nước suối trong vắt và lạnh buốt. Một ngày nọ, Uyên sồ bay qua một con chim cú mèo, khiến cho cú mèo kia sợ hãi, cho rằng Uyên sồ đến cướp con chuột chết mà cú mèo vừa nhặt được. Cú mèo gầm rú với Uyên sồ. Giờ đây, ông cũng muốn dùng uy quyền của Tể tướng nước Ngụy để dọa dẫm tôi chăng?”.
Câu chuyện trên được trích từ tác phẩm “Trang Tử”. Trang Tử tự ví mình với Uyên sồ, ý muốn nói rằng cảnh giới tư tưởng mà ông hướng tới là ở tầng thứ cao, là tự do tinh thần, là siêu phàm thoát tục, cũng là coi thường mọi vinh hoa danh lợi chốn nhân gian.
Lời bàn
Xã hội nhân loại vốn dĩ có đủ loại người với các cảnh giới tư tưởng khác nhau: Kẻ tiểu nhân vì tư lợi mà không từ thủ đoạn; Người quân tử vì nghĩa mà dấn thân, thậm chí là hiến dâng sinh mạng; Kẻ hèn mọn thì lại quẩn quanh với ‘đường ăn nết ngủ’, chăm chút cho gia đình nhỏ bé của riêng mình; Người muốn lập danh thì bôn ba xuôi ngược tìm công danh sự nghiệp, mong mỏi lưu danh sử sách… Xưa nay người ở cảnh giới thấp thì không thể hiểu được người ở cảnh giới cao, nên thường lấy bụng tiểu nhân mà đo lòng quân tử.
Nhưng những người tu Đạo còn có cảnh giới cao hơn nữa, vượt lên trên tất cả, họ siêu thoát khỏi cảnh giới của con người thế gian – vốn vẫn còn mê đắm trong trong vòng công danh lợi lộc.
Huệ Tử có thể nói là học giả uyên bác, cũng được coi là người có tài năng kiệt xuất ở thế gian. Ông ta còn được Trang Tử coi là người duy nhất có thể cùng mình đàm đạo, tranh luận về đạo lý. Vậy mà trước Trang Tử, Huệ Tử cũng chỉ là con ‘cú mèo’ trước chim ‘Uyên sồ’ mà thôi! Bởi lẽ Huệ Tử vẫn dùng cái tâm của kẻ phàm nhân mà đo lòng người đắc Đạo, vậy thì khác chi kẻ vốn có bụng dạ hẹp hòi lại còn đòi ‘đem gáo nhỏ mà đong nước biển Đông’.
Huệ Tử có thể làm bạn với Trang Tử thì quả thật cảnh giới tư tưởng của ông cũng không phải là tầm thường. Chỉ có điều Huệ Tử kia là người quen thói ôm giữ hư danh, trói buộc trong lợi danh quyền thế, giống như người ôm tảng đá mà nhảy xuống biển vậy, sớm muộn gì thì cũng bị kéo chìm đến đáy. Nếu ông ta biết buông bỏ thì ắt sẽ nổi lên, thỏa sức vẫy vùng trên mặt biển xanh tràn đầy sóng gió và ánh dương rực rỡ. Khi đó ‘cú mèo’ kia sẽ thăng hoa, rũ bỏ thân xác nhỏ bé hôi hám mà biến thành chim Uyên sồ thỏa chí tung cánh dặm khơi, ngao du cùng mây trời bốn cõi.
Nam Phương