Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Nhiều người có thể đã biết đến danh tướng Viên Sùng Hoán và những cuộc chiến oanh liệt chống lại quân nhà Thanh vào thế kỷ 17. Về cái chết oan nghiệt của ông, có rất nhiều câu chuyện đến nay còn được hậu thế bàn luận.
Nỗi oan khiên của người anh hùng
Viên Sùng Hoán (1584 – 1630), xuất thân là một quan văn nhưng lại có hứng thú đặc biệt với quân cơ, binh pháp. Đầu thế kỷ 17, thủ lĩnh tộc Nữ Chân là Nỗ Nhĩ Cáp Xích liên tiếp đánh bại quan quân nhà Minh trong các cuộc chiến ở Liêu Đông (miền đông bắc Trung Quốc bây giờ), đẩy nhà Minh vào tình thế bị uy hiếp trầm trọng.
Vốn thông hiểu binh pháp, Viên Sùng Hoán dâng tấu xin hoàng đế nhà Minh cho mình ra trấn thủ ở vùng quan ải Sơn Hải. Ở đây, ông lập nên nhiều phòng tuyến vững chắc như Ninh Viễn, Cẩm Châu để chống lại quân Nữ Chân. Viên Sùng Hoán đắp thành cao, hào sâu, bố trí nhiều đại bác, đã thủ vững trước nhiều đợt công phá của kỵ binh Nữ Chân.
Khác với nhiều tướng lĩnh trước đó, Viên Sùng Hoán không phòng thủ tiêu cực mà chủ động phản kích bất cứ lúc nào. Quân Nữ Chân đã nhiều lần bại dưới tay Viên Sùng Hoán bởi cùng một kịch bản: Quân Minh liều chết thủ thành, quân Nữ Chân nản lòng rút lui thì bị phản công, truy kích. Chính thủ lĩnh Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng phải ôm hận mà chết sau những lần thua tơi tả trước quân đội Viên Sùng Hoán.
Tuy nhiên, khi đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, dần đẩy lùi được quân Nữ Chân ra khỏi bờ cõi thì Viên Sùng Hoán phải mắc nỗi oan tày trời. Hoàng đế Sùng Trinh khi ấy tin lời xiểm nịnh của gian thần, trúng kế ly gián của Hoàng Thái Cực (con trai Nỗ Nhĩ Cáp Xích) sẵn mối nghi hoặc trong tâm, cho rằng Viên Sùng Hoán cấu kết với địch, mưu đồ tạo phản. Vị tướng quân anh dũng cuối cùng phải chịu cái kết thê thảm: Lăng trì tùng xẻo, thân nhân phải đi đày 3.000 dặm.
Đáng buồn thay, những người dân vốn được ông hết lòng bảo vệ chẳng biết phải trái, đúng sai, nghe tin Viên Sùng Hoán cấu kết với quân Nữ Chân bị xử tội phản quốc thì quay sang căm hận ông thấu xương tuỷ. Khi ông bị hành hình trước cổng thành, nhiều người thậm chí còn tranh giành thân xác ông như muốn ăn tươi, nuốt sống. Di thể của người anh hùng chỉ còn lại một phần thủ cấp.
Cái chết của Viên Sùng Hoán khiến cả nước chấn động, binh sĩ ngoài quan ải hay tin cũng vô cùng bất mãn, chán nản. Còn quân Nữ Chân thì đã loại bỏ được một cái gai trong mắt. Đối thủ lớn nhất trên con đường tiến vào Trung Nguyên của Hoàng Thái Cực đã không còn. Từ sau đó, nhà Minh cũng không còn danh tướng đáng kể nào có thể thay thế Viên Sùng Hoán. Sau khi ông chết chỉ 14 năm, nhà Minh cũng diệt vong.
Lời thề độc của người thị vệ
Viên Sùng Hoán chết vì kế phản gián. Bởi lẽ Hoàng Thái Cực không thể đấu với ông trên chiến trường nên đành phải sử dụng tới độc chiêu này. Hoàn toàn không thể nói rằng Hoàng Thái Cực gian xảo, bởi lẽ khi hai quân giao chiến xuất hiện các chiêu thuật như vậy cũng là bình thường. Trong khi chiến đấu, không ai quan tâm tới quá trình, chỉ có kết cục mới là điều quan trọng nhất.
Chỉ có thể trách Hoàng đế Sùng Trinh quá đa nghi, không chịu hiểu đạo lý: “Nghi ngờ người thì không dùng, dùng người thì không nghi người”. Chỉ một mưu kế nhỏ của đối phương đã khiến Sùng Trinh mù quáng, sinh tâm ngờ vực, trước còn trọng dụng ông, sau đã hạ lệnh tùng xẻo cho đến chết.
Lúc đó Viên Sùng Hoán có một thị vệ thân cận, họ Xà. Người này đã không màng nguy hiểm tới tính mạng, nửa đêm trộm thủ cấp của ông về và chôn tạm trong vườn. Nhưng đây cũng không phải kế lâu dài. Nếu để lộ ra ngoài ắt bị tai hoạ, vả lại cũng không thể giữ gìn được mộ phần của chủ nhân.
Thế là viên thị vệ triệu tập con cháu lại, tuyên bố ba lời thề, yêu cầu con cháu đời sau không được vi phạm.
Thứ nhất, con cháu đời sau không được làm quan. Thứ hai, con cháu phải trông giữ mộ phần, hương hoả của tướng quân từ đời này qua đời khác. Thứ ba, phải bỏ nhà đi tha hương, từ đó không bao giờ được quay trở về nữa.
Con cháu đời sau của ông vẫn luôn tuân thủ lời dạy bảo của tổ tông, tới nay những người trông giữ mộ đã là đời thứ 17. Đã 400 năm trôi qua, những người giữ mộ vẫn luôn không rời nhiệm vụ.
Người giữ mộ đời này là bà Xà, nay tuổi cũng đã cao. Bà nói lịch sử đã đi qua nhiều năm như vậy, gia đình bà cũng sẽ không làm trái lời thề này. Sau khi bà chết đi con cháu đời sau của bà vẫn sẽ trung thành với điều đó. Tinh thần này quả thực là đáng trọng.
Tới thời nhà Thanh, hoàng đế Càn Long (cháu 5 đời của Hoàng Thái Cực) đã đích thân đòi lại công bằng cho Viên Sùng Hoán và hết lời ca ngợi ông. Lịch sử đã chứng minh rằng, Viên Sùng Hoán chắc chắn không phải là kẻ phản quốc, ngược lại ông là một đại anh hùng chân chính, nên phải được nhân dân tôn kính và ngưỡng vọng.
Lấy đồng làm gương có thể chỉnh sửa lại trang phục, lấy người làm gương có thể hiểu rõ được mất, lấy sử làm gương có thể biết được thịnh suy. Chúng ta đều hiểu rằng điều quan trọng nhất của đời người là thành tín. Nếu không có có sự thành tín thì làm gì cũng không nên, dẫu đi khắp thế gian cũng không tìm được tri kỷ.
Một lời hứa của người quân tử phát ra thì khẳng định là “tứ mã nan truy” (bốn ngựa khó đuổi). Người xưa thực sự coi trọng lời hứa. Giữ lời hứa cũng chính là thể hiện được phẩm chất, cốt cách con người. Thị vệ họ Xà của Viên Sùng Hoán và con cháu của ông suốt 400 năm đã giữ trọn lời thề bảo vệ mộ của chủ nhân, cũng đúng là chuyện xưa nay hiếm có.
Hiểu Mai
Xem thêm:
- Đi tìm sự thật lịch sử về nàng Tiểu Yến Tử trong phim ‘Hoàn Châu cách cách’
- 10 danh tướng công cao lấn chủ nhưng vẫn được chết già, họ có kỹ năng gì đặc biệt?
- 3 cuộc đàn áp đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử Trung Quốc