Cổ nhân nói: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (Tạm dịch: Không nhịn được việc nhỏ nhặt, sẽ làm hỏng việc lớn). Trong cách đối nhân xử thế, nếu như có thể nhẫn nhịn thì chính là một loại biểu tượng của thao hối (có tài, có trí mà kín đáo), hàm dưỡng, trí tuệ rộng lớn, và biết nhìn xa trông rộng.
Thời cổ đại Trung Quốc, Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, chịu nhẫn nhục mà có thể phục quốc. Hàn Tín chịu nhẫn nhục chui háng mà cuối cùng làm lên sự nghiệp lớn. Không ngừng truy cầu nâng cao phẩm chất đạo đức cá nhân là một trong những đặc điểm nổi bật của văn hóa nho gia truyền thống. Câu “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” thể hiện tinh thần nhẫn nại trong tư tưởng của nho gia. Người xưa cũng nói: “Bách hành chi bản, nhẫn chi vi thượng” (Tạm dịch: Trong trăm cái nết thì nhẫn là cao hơn hết) vì vậy trong tất cả sự nghiệp của đời người đều cần phải kiềm chế và nhẫn nại.
“Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” là một ý trong câu nguyên văn: “Xảo ngôn loạn đức, tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu.” Có ý rằng, đối với việc nhỏ mà không thể đối đãi đúng đắn, không thể nhẫn nhịn tha thứ thì sẽ khiến cho việc lớn của mình bị thất bại.
Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện kể về các nhân vật khi đối mặt với việc “bị làm cho nhục nhã” mà không hề so đo hay oán hận, không phô trương nên đã tránh được việc gặp phải tai họa.
Ví dụ câu chuyện của Trương Nhĩ và Trần Dư là hai danh sĩ thời nhà Ngụy. Sau khi nước Tần tiêu diệt nước Ngụy. Trương Nhĩ và Trần Dư mai danh ẩn tích đến huyện Trần làm người giữ cổng làng để kiếm ăn.
Một hôm, có một viên quan lại trong làng lấy roi đánh Trần Dư. Trần Dư muốn đứng lên phản kháng, Trương Nhĩ giẫm vào gót chân của Trần Dư ám chỉ Trần Dư hãy cố gắng nhẫn chịu để cho ông ta đánh. Sau khi viên quan lại đi rồi, Trương Nhĩ kéo Trần Dư đến dưới gốc cây dâu và nói: “Trước đây tôi đã nói với anh như thế nào? Hôm nay mới chỉ một cái nhục mà đã không nhịn được, chẳng lẽ anh muốn chết uổng trong tay tên quan lại đó sao?” Trần Dư hiểu ra dụng tâm của Trương Nhĩ mà nghe theo. Không lâu sau đó, cả Trương Nhĩ và Trần Dư đều làm chức thừa tướng. Nếu như lúc trước hai người họ không nhẫn nhịn được tên tiểu quan lại kia thì kết quả chắc chắn sẽ không là như vậy.
Một người muốn bồi dưỡng tiết tháo cao thượng cho mình thì nhất thiết phải nhẫn nhịn được việc nhỏ. Hàn Kỳ là tể tướng thời Bắc Tống. Tính tình của Hàn Kỳ rất chất phác và đôn hậu, lòng dạ rộng rãi, luôn khoan dung độ lượng đối xử với mọi người. Ông từng nói: “Việc lớn muốn thành phải nhẫn việc nhỏ”. Vào thời Hàn Kỳ đóng quân tại Định Châu, có một lần ông đang ngồi viết thơ vào buổi tối nên đã gọi một binh sĩ cầm một ngọn nến đứng bên cạnh ông để chiếu sáng. Binh sĩ này đứng cầm nến nhưng mắt lại nhìn đi chỗ khác, không ngờ nến bị nghiêng và đổ xuống đầu làm cháy tóc của Hàn Kỳ. Hàn Kỳ chỉ dùng ống tay áo dập lửa và lại tiếp tục viết thơ. Một lát sau, ông phát hiện binh sĩ cầm nến ban nãy đã được đổi thành người khác. Bởi vì, cấp trên của binh sĩ ban nãy sợ bị trách phạt nên đã cho đổi người. Hàn Kỳ thấy vậy lập tức nói: “Không cần đổi, bây giờ cậu ấy đã biết cầm nến rồi!”. Từ đó về sau, quan binh trong quân đoàn đều hết sức bội phục lòng bao dung độ lượng của Hàn Kỳ.
Lúc Hàn Kỳ đóng quân ở đại danh phủ, có người biếu ông hai chiếc cốc ngọc quý giá, nói rằng đó là bảo vật có một không hai trên thế giới. Hàn Kỳ liền dùng bạch kim để cảm tạ người biếu ngọc. Ông rất yêu thích hai chiếc chén ngọc này, mỗi khi có tiệc chiêu đãi khách, ông đều cho người mang chén ngọc ra để trưng bày cho mọi người cùng được thưởng thức. Một hôm, Hàn Kỳ tiếp một số quan lại quản lý về thủy vận, ông đã dùng hai chiếc chén ngọc này để mời khách quý uống rượu. Nhưng đột nhiên một người hầu lại đụng phải cái bàn và làm hai chiếc chén ngọc rơi vỡ. Những vị khách đều giật mình còn người hầu kia thì vô cùng sợ hãi và đã sẵn sàng chấp nhận chịu sự trừng phạt. Hàn Kỳ khi ấy sắc mặt không thay đổi, cười và nói với những vị khách: “Sự tồn vong của bất kể vật chất nào đều là có quy luật!”. Sau đó ông lại quay sang nói với người hầu rằng: “Ngươi là do sơ xuất mà gây nên, thực sự không phải ngươi cố ý, có ai mà không sơ xuất đâu?” Tất cả những người chứng kiến đều bội phục đức hạnh và lòng khoan dung của ông mãi không thôi.
Từ xưa đến nay, vô luận là trí thức hay nông dân, công nhân hay thương nhân, người mà làm được việc lớn thì đều là những người có tâm đại nhẫn. Nhẫn là cái gốc rễ của đối nhân xử thế của con người, dù ở bất kể phương nào.
Nhưng, nếu như một người không trải qua “sóng gió cuộc đời” mà tôi luyện chính mình, không dốc lòng tu luyện thì rất khó để có được sự khoan dung, độ lượng, biết kết hợp cương nhu. Trên đường đời, không quên tu tâm dưỡng tính, không ngừng tu dưỡng đạo đức bản thân thì có thể dưỡng thành khí tiết cao thượng: “Bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất” (Tạm dịch: nghèo mà không hèn, giàu không tham, không bị khuất phục trước quyền thế).
Theo secretchina
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: