Nói như vậy, dễ có nhiều người cho rằng người viết đang thiên vị Tào Tháo quá. Nhưng biết làm sao đây, khi đứng trước núi Thái Sơn ta không thể gọi nó bằng một tên khác được… 

Cuối thời Đông Hán, loạn lạc liên miên, Hán đế bị quyền thần o ép, trải qua nhiều lần binh lửa loạn lạc, hết loạn Đổng Trác lại đến Lý Thôi, Quách Dĩ. Khi trở về kinh đô Lạc Dương, thấy nhà cửa hoang toàn, muôn dân điêu đứng, lại nghĩ đến thân phận long đong của một ông vua bù nhìn, Hán đế không cầm được nước mắt. Khí vận nhà Hán đã suy bại cực điểm. Quần thần tâu với Hán đế cho gọi Tào Tháo đang ở Sơn Đông vào Lạc Dương tiếp giá. Thế là một thời kỳ mới được mở ra… 

Tào Tháo ở Sơn Đông, nghe tin xa giá nhà vua tới Lạc Dương, bèn hội họp các tướng dưới trướng bàn định. Chư tướng nghi ngại, nói: 

– Phía đông núi Hào Sơn còn chưa bình định, mà bọn Hàn Tiêm, Dương Phụng lại cậy có công cứu giá, ương ngạnh kiêu ngạo, khó mà khắc chế được. 

Tháo còn đương do dự. Duy chỉ có Tuân Úc, Trình Dục khuyên Tháo nên chớp lấy thời cơ, đón thiên tử. Tuân Úc nói:

– Ngày xưa, Tấn Văn công phụng Tương vương vào làm vua, chư hầu ai cũng phục. Hán Cao tổ để tang Nghĩa đế, ai cũng theo. Nay thiên tử mắc nạn, tướng quân nhân dịp này, cất nghĩa binh, phụng thiên tử để theo nguyện vọng của dân chúng, là công to không mấy đời có. Nếu ta không làm ngay, người khác sẽ làm trước ta. 

Phân tích của Tuân Úc rất thấu tình đạt lý. Bấy giờ, thiên hạ chia năm xẻ bảy, mỗi tay quân phiệt cát cứ một nơi, hầu như đều muốn ly khai khỏi triều đình để tự lập quốc xưng vương một chốn riêng. Hán đế về cơ bản là không còn uy quyền gì, chính lệnh không ra khỏi cung. Tuy nhiên, Hán đế vẫn là hoàng đế thụ mệnh Trời, vẫn là một thế lực chính danh không ai có thể thay thế. Các sứ quân có mạnh bao nhiêu cũng không dám ức hiếp Hán đế quá, vẫn là phục mệnh Đại Hán. Lê dân bách tính khắp thiên hạ cũng còn thương nhớ nhà Hán. Nếu ai phò tá Hán đế lúc này thì chính là ở thế “dưới một người trên vạn người”, có thể lệnh chư hầu, thu phục nhân tâm với đầy đủ danh chính ngôn thuận, là nền tảng để thu hút nhân tài. 

Đây chính là bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp chinh chiến của Tào Tháo. Trong thâm tâm, Tháo vốn đã muốn đón Hán đế từ lâu, ngặt vì Sơn Đông còn loạn lạc nên chưa thể rảnh tay. Tháo nghe ý Tuân Úc rất hợp với mình, bèn lập tức sai Tào Hồng dẫn kỵ binh ngày đêm đi gấp, đón xa giá thiên tử. 

Hôm sau, Tào Tháo tự lĩnh đại đội binh mã kéo đến, lập trại đâu vào đấy rồi vào ra mắt vua, lạy ở dưới thềm. Vua cho Tháo đứng dậy, tuyên dụ ôn tồn. Tháo tâu rằng: 

– Tôi được nhờ ơn nhà nước, lúc nào cũng nghĩ để đồ báo. Nay Lý Thôi, Quách Dĩ hai thằng giặc đầy tội ác. Tôi có hai mươi vạn tinh binh, đánh tất phải được. Xin bệ hạ giữ gìn long thể, lấy xã tắc làm trọng.

Vua liền phong cho Tào Tháo lĩnh chức tư lệ hiệu úy, cho cờ tiết và lưỡi phủ việt, coi tòa thượng thư.

Như vậy, về chiến lược, Tào Tháo có con mắt cực kỳ tinh tường.

***

Vì kinh đô Lạc Dương đã đổ nát, Tào Tháo tiếp tục rời xa giá về đất Hứa, xây dựng Hứa Đô trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội mới của triều Hán. Tào Tháo đã dựa vào tài năng, bản lĩnh của mình để dần dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Năm 200, một bước ngoặt mới xảy ra: Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu trong trận Quan Độ đi vào sử sách. Viên Thiệu phải co cụm về phía Bắc, vĩnh viễn không thể khôi phục nguyên khí, cuối cùng chết trong tức tưởi. Tào Tháo đã đặt nền móng cơ bản để dần dần thống nhất miền Bắc Trung Hoa trong khoảng hơn chục năm sau đó. 

Ảnh minh họa: Ifuun.

Có lẽ chỉ có số Trời mới cản được ông thống nhất Trung Hoa. Trận Xích Bích, liên minh Tôn Lưu và kế hỏa công độc đáo đã thiêu trụi toàn bộ chiến thuyền của Tào Tháo. Ông quay về đất Bắc củng cố thực lực, nghe lời các quân sư, xây dựng nhiều đồn điền kinh tế để tạo nguồn cung cho quân đội, đồng thời ban nhiều đạo lệnh để phục hưng lại lễ nghi văn hóa, thu gom nhân tài, luận công ban thưởng, khôi phục chế độ thi cử. 

Điều này cho thấy, Tào Tháo vừa có khả năng quân sự mạnh mẽ, lại vừa có đầu óc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó là chưa kể ông còn là một nhà thơ nổi tiếng lịch sử. Những lúc ngừng chinh chiến, Tào Tháo là một nhà thơ phiêu dật, phóng khoáng, thậm chí còn là một người hâm mộ Đạo giáo cuồng nhiệt. Trong các quân chủ của Tam Quốc, ông chính là văn võ song toàn, trị quốc giỏi mà chinh chiến cũng tài. 

Người đời sau đánh giá rất cao Tào Tháo. Trong cuốn “Tư trị thông giám” (Tư Mã Quang) có viết: “Tào Tháo có 10 tài năng lớn nhất: Đạo, nghĩa, trị, độ, mưu, đức, nhân, minh, văn, võ”. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, tuy không bao giờ nói rõ ra nhưng những ý tứ trong cuốn sách vẫn ngầm chỉ ra rằng Tào Tháo là kẻ chiến thắng cuối cùng, là minh chủ sáng giá nhất thời Tam Quốc. 

***

Để kết lại bài viết này, ta hãy nghe lại câu chuyện đầy hào sảng của Tào Tháo trong lúc uống rượu luận anh hùng với Lưu Bị. Đó là lần hiếm hoi trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, người ta thấy Tào Tháo được công nhận là một anh hùng, một anh hùng chân chính. Hồi 21 “Tào Tháo uống rượu luận anh hùng; Quan Công lừa mưu giết Xa Trụ” kể lại rằng:

Huyền Đức theo hai người vào phủ yết kiến Tháo, Tháo cười nói rằng:

– Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ?

Huyền Đức sợ tái mặt. Tháo cầm tay Huyền Đức dắt vào vườn ở sau nhà, nói rằng:

– Huyền Đức học làm việc vườn, chắc cũng không phải là việc dễ dàng?

Huyền Đức bây giờ mới vững dạ, đáp rằng:

– Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi.

Tháo nói:

– Vừa rồi thấy trên cành mai đã có quả xanh, sực nhớ khi trước đi đánh Trương Tú, đi đường không có nước, tướng sĩ khát cào cuống họng. Bấy giờ ta nghĩ được một kế, cầm roi trỏ hão nói rằng: trước mặt có rừng mơ. Quân sĩ nghe nói đến mơ, ai cũng ứa nước dãi, đỡ được khát nước. Nay có mơ thật, nên hái xuống mà thưởng. Vả lại rượu nấu vừa chín, cho nên mời sứ quân đến tiểu đình uống rượu.

Huyền Đức bây giờ trấn tĩnh lại được, theo đến tiểu đình, đã thấy bày mâm bát, giữa bàn bày một đĩa mơ xanh, một bình rượu nóng.

Hai người ngồi đối diện, ăn uống vui vẻ. Lúc rượu ngà ngà say, chợt thấy mây đen mù mịt, cơn mưa sắp kéo đến.

Quân hầu trỏ lên trời bẩm:

– Có vòi rồng lấy nước.

Tháo và Huyền Đức dựa vào bao lơn ngắm xem. Tháo nói:

– Sứ quân có biết rồng nó biến hoá thế nào không?

Huyền Đức nói:

– Tôi chưa được tường.

Tháo nói:

– Rồng lúc thì to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu mình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì lẩn núp ở dưới sóng. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hoá, cũng như là người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời. Huyền Đức lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng đời nay, hẳn đã biết cả, xin thử nói cho nghe.

Huyền Đức thưa:

– Bị này người trần mắt thịt, biết đâu được anh hùng.

Tháo nói:

– Huyền Đức không nên nhún mình quá!

Huyền Đức nói:

– Bị nay được nhờ ơn thừa tướng làm quan trong triều, anh hùng trong thiên hạ thực không được biết.

Tháo nói:

– Đã đành không biết mặt, nhưng cũng có nghe tiếng chứ?

Huyền Đức nói:

– Viên Thuật ở Hoài Nam, binh lương nhiều, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo cười nói:

– Xương khô trong mả, chỉ nay mai là ta bắt được!

Huyền Đức lại nói:

– Anh Viên Thuật là Viên Thiệu ở Hà Bắc, bốn đời làm tam công, có nhiều đầy tớ cũ; hiện nay là con hổ dữ hùng cứ ở Ký Châu; bộ hạ nhiều tay tài giỏi, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo lại cười nói:

– Viên Thiệu ngoài mặt mạnh bạo, trong bụng nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì lại quên mình, không thể gọi là anh hùng được!

Huyền Đức lại nói:

– Có một người nổi tiếng trong tám tuấn kiệt, uy danh khiếp cả chín châu, là Lưu Cảnh Thăng, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo lại cười:

– Lưu Biểu có hư danh nhưng không có thực tài, không phải anh hùng.

Huyền Đức lại nói:

– Có một người, sức lực đương khoẻ, đứng đầu xứ Giang Đông, là Tôn Bá Phù, hẳn là anh hùng?

Tháo nói:

– Tôn Sách nhờ danh tiếng của bố, không phải anh hùng.

Huyền Đức lại nói:

– Lưu Quý Ngọc ở Ích Châu có phải là anh hùng không?

Tháo nói:

– Lưu Chương, tuy là tôn thất, nhưng chỉ là con chó giữ nhà, sao gọi là anh hùng được?

Huyền Đức lại nói:

– Như bọn Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại thì thế nào?

Tháo vỗ tay cười to:

– Lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì nói làm gì!

Huyền Đức nói:

– Ngoài những người ấy ra, Bị thực không còn biết ai nữa.

Tháo nói:

– Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có cái bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.

Huyền Đức mới nói:

– Ai có thể xứng đáng được như thế?

Tào Tháo lấy tay trỏ vào Huyền Đức, rồi lại trỏ vào mình nói rằng:

– Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tào Tháo mà thôi.

Huyền Đức nghe nói, giật nảy mình, cái thìa đôi đũa đương cầm ở trong tay, rơi cả xuống đất. Giữa lúc bấy giờ, con mưa u ám, có một tiếng sét thực dữ. Lưu Bị từ từ cúi xuống nhặt đũa và thìa, nói tảng rằng:

– Gớm ghê! Tiếng sét dữ quá!

Tào Tháo cười hỏi rằng:

– Trượng phu cũng sợ sấm à!

Huyền Đức nói:

– Đức thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt, huống chi là tôi đây sao lại không sợ?

Ảnh: Weibo.