Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, dân tộc ta ghi dấu vào lịch sử thế giới với những chiến công nổi tiếng chống lại các kẻ thù mạnh nhất thế giới. Trong đó, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh Đại Việt, tỏa sáng cho đến tận ngày nay. Một quốc gia bé như cái nắm tay, dân số chưa đến 10 triệu mà đập tan ba cuộc xâm lược của đế quốc mạnh nhất thế giới mọi thời đại. Điều này làm dấy lên rất nhiều hứng thú trong giới sử học, với rất nhiều công trình nghiên cứu về lý do làm nên chiến thắng này. Hôm nay, người viết mạo muội chia sẻ thêm một góc nhìn khác về chiến thắng oanh liệt kia, ngõ hầu làm phong phú thêm nhận thức của độc giả.

Phần 2: Triều đình do tinh tú chuyển sinh hộ Pháp

Đối với sự bảo hộ dành cho Chính Pháp ở nước Nam, Thiên thượng đã an bài vô cùng tỉ mỉ cẩn thận đến từng chân tơ kẽ tóc, vì đạo quân Nguyên Mông do lãnh sứ mệnh thanh lý trần gian bằng binh lửa nên sức mạnh của họ rất là ghê gớm.

Để có thể đánh bại và chế ngự họ ngay trên mảnh đất bé tẹo này thì Thần Phật đã làm rất nhiều việc. Có người nghĩ, Thần Phật hẳn phải sắp xếp những phép lạ nào đó để dân Nam đánh bại quân giặc, chứ lẽ nào lại sắp xếp những việc bình thường?

Bởi vì cõi trần này vốn là cõi mê, để người ta trong mê mà tu trở về, để đắc Chính Quả, nên sẽ không có chuyện triển hiện phép màu một cách rộng rãi và vô cớ. Mọi sắp xếp phải đảm bảo mọi sự diễn ra đúng ý muốn của Thượng đế, và nhìn vẻ ngoài phải hoàn toàn bình thường và phù hợp với cái lý của thế gian.

Trong số các việc đó, quan trọng nhất là phần sắp xếp cho các vị tinh tú kiệt xuất chuyển sinh vào triều đình nhà Trần để lãnh đạo quân dân kháng chiến. Không phải xuất hiện một vị Thần dùng phép thắng giặc, mà là vị Thần đó phải đầu thai làm người phàm, dùng năng lực của mình để chiến đấu và chiến thắng thì mới hợp lẽ như nói ở trên.

Thế nên, trong chiến thắng trước quân Nguyên Mông, phần thể hiện rõ nhất chính là tài năng kiệt xuất của vua tôi nhà Trần.

Thanh Thiên đồng tử: Giết giặc Thát, bắt tướng Nguyên, sinh vi tướng tử vi Thần

Đầu tiên có thể kể đến vị tinh tú sáng chói nhất, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228–1300).

Ngài chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho câu “Sinh vi tướng, tử vi Thần” trong sử Việt.

Tương truyền, thời đầu nhà Trần có một dải khí trắng bốc lên đến trời. Thánh Tản Viên thấy thế biết nước Nam sẽ có ngoại xâm, bèn tâu Thượng đế. Sau đó, Thượng đế phái Thanh Thiên đồng tử xuống trần quét sạch dải khí trắng đó bằng cách sinh hạ vào nhà thân vương làm danh tướng. Khi Trần Hưng Đạo ra đời, trong nhà tràn ngập hương thơm và ánh sáng. Một vị đạo sĩ do coi thiên văn thấy có một vì tướng tinh giáng hạ, liền đến xin xem mặt Trần Quốc Tuấn.

Khi nhìn thấy, vị đạo sĩ vội lui xuống, vái lạy nói: “Người này tốt lắm, về sau cứu nước giúp đời làm sáng sủa cho non sông đó”. Vương đầy một tuổi đã biết nói, năm, sáu tuổi đã biết làm thơ ngũ ngôn, bày chơi đồ bát trận, thông minh xuất chúng.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228–1300). Ảnh: chụp màn hình YouTube.

Bài thơ do Vương làm lúc bảy tuổi thể hiện nguồn gốc siêu nhiên và cũng là lời tiên tri cho sự nghiệp lẫy lừng vạn thế của Vương sau này:

“Tứ thất uẩn hung trung

Bát bát thám Dịch tượng

Lục Hoa bố trận đồ

Sát Thát cầm Nguyên tướng”.

Tạm dịch:

“Bốn bảy chất chứa trong lòng

Tám tám gieo quẻ biết thời thế

Bày bố trận Lục Hoa

Giết giặc Thát bắt tướng Nguyên”.

Người viết tạm phân tích bài thơ như sau:

“Tứ thất” nghĩa là bốn lần bảy là 28, chỉ 28 vì tinh tú trong thiên văn cổ đại. Cũng là cách chia các đạo quân ra theo các thế trận dựa trên các vì tinh tú. Câu này ý nói bản lĩnh quân sự nắm rõ binh pháp của Trần Hưng Đạo.

“Bát bát” là tám lần tám là 64, tượng trưng 64 quẻ Dịch. Ý nói người làm tướng ngoài binh pháp còn phải biết lòng người và ý Trời, đoán trước lành dữ cát hung, thuận theo Thiên Đạo mà hành sự. Quẻ Dịch chính là học thuật mà tướng lãnh cần phải biết và tinh thâm để có thể cầm quân một cách hoàn hảo.

“Lục Hoa trận” chính là Bát Quái trận đồ danh chấn thiên hạ của Gia Cát Lượng, sau này được danh tướng Lý Tĩnh thời nhà Đường tinh chỉnh lại và đổi tên thành Lục Hoa trận đồ, xếp vào hàng các loại trận pháp danh tiếng nhất thời cổ đại.

“Sát Thát cầm Nguyên tướng”, đây là câu thơ lạ lùng nhất, vì thời điểm mà Hưng Đạo Vương còn nhỏ thì nhà Nguyên chưa thành lập và cũng chưa hề xâm lấn đến Việt Nam. Việc một đứa bé bảy tuổi làm thơ nói rằng sẽ giết giặc Thát (Thát Đát – từ chữ Tartar ý chỉ chung các dân tộc du mục hay xâm lấn Trung Quốc) và bắt tướng Nguyên quả là huyền hoặc lắm.

Người xưa có câu: Bậc làm tướng trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Ví dụ như Gia Cát Lượng chính là vị đại tướng như thế.

Có thể thấy Trần Hưng Đạo chính là do Trời phái xuống để làm một bậc danh tướng giống như Gia Cát Lượng khi xưa với đầy đủ tài cầm quân từ thiên văn đến địa lý. Việc quân Nguyên Mông bại vong dưới tay ông chính là đã được Thiên thượng định trước. Và ông hoàn toàn biết trước điều đó vì ông là người tinh thông Dịch Lý thiên văn.

Lời bàn:

Ngài là nhân vật vĩ đại cổ kim, người viết không dám lạm bình. Chỉ xin trích “Việt điện u linh” tập bình về ngài như sau:

“Nước Mông Cổ quật khởi ở phương Bắc, nuốt nước Linh Hạ, uy hiếp Cường Kim, đánh úp nhà Cự Tống, mang cung tên đến đâu thì các nước ngoài núi biển đều trông gió mà tan vỡ, đem quân sang Nam ào ào như núi lở sông băng, gió rung mây cuốn; Vương chỉ một nhóm tàn quân dám ra chống cự, khác nào như núi Thái Sơn đè trứng, thế mà một hồi trống sông Bạch Đằng, quân Mông Cổ phơi thây nghìn dặm, há chẳng phải là việc hiếm có ở trời đất sao? Không những có công lớn với nhà Trần mà cũng có công lớn với thiên hạ đời sau nữa, nếu không có Hưng Đạo Đại Vương thì nước Nam Giao đã phải để tóc đuôi sam rồi vậy”.

Chiêu Văn Đồng Tử: Vâng mệnh giáng trần phù trì xã tắc, mở mang văn hóa

Trần Nhật Duật (chữ Hán: 陳日燏, 1255 – 1330) tước hiệu Chiêu Văn đại vương (昭文大王). Ông là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông và là một danh tướng nhà Trần. Ông là một trong những vị tướng kiệt xuất nhất cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, đặc biệt là chiến thắng Hàm Tử, công lao hiển hách không thua kém Trần Quốc Tuấn hay Trần Quang Khải.

Ảnh chụp màn hình trang Tadiha.

Là một vị đại tướng đa tài hiếm thấy trong sử Việt, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, võ công binh pháp cao cường mà ca nhạc thi họa không gì không tinh thông. Vì trí huệ to lớn như thế, nên tương truyền rằng ông chính là do người trời giáng sinh chứ chẳng phải người phàm. Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” chép như sau:

“Đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong tâu với vua: “Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ”. Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử” (昭文童子)  nét chữ rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức là Nhật Duật). Lớn lên, nét chữ mới mất đi”.

Ta cũng có thể thấy rõ trong tước hiệu của ông về sứ mệnh cũng như tài năng vốn đã được Thiên thượng định trước.

Chữ Chiêu 昭 gồm có bộ Nhật 日, chữ Đao 刀 và chữ Khẩu 口 ghép lại. Nhật mang ý nghĩa sáng sủa thông minh, còn có ý là trí huệ lớn, thuộc về Trời. Vậy chữ Chiêu này thể hiện cho việc ông mang trí tuệ lớn do trời phú cả về võ (chữ Đao) và ngoại ngữ (chữ Khẩu – cái miệng), vì rõ ràng lợi thế ngoại ngữ của ông là điều chưa từng thấy ở triều Trần. Ngoài ra, ông sẽ lại nổi danh về văn hóa văn chương do hiệu Chiêu Văn, nghĩa là làm sáng tỏ văn hóa, tài năng của ông ngoài võ công binh pháp ra thì văn chương âm nhạc cũng là đệ nhất ở nước Nam thời đó vậy.

Trong sử còn ghi ông nổi tiếng là người hiểu nhiều biết rộng, rất tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển Đạo gia. Nếu chẳng phải căn duyên từ xưa khi còn là Chiêu Văn đồng tử trên trời, thì làm sao ông lại nghiên cứu Đạo gia kinh điển làm gì khi Phật giáo đang là quốc giáo vào thời Trần?

Có thể coi ông là một cao nhân đắc Đạo cũng chính vì ông tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển, và vì cách hành xử cũng như cách sống của ông có thể coi là mẫu mực cho các vị đại thần nắm trọng quyền muôn đời sau.

Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” chép về ông:

“So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông (tức Nhật Duật) cũng gần được như thế”.

Sách còn chép về câu chuyện xử thế tuyệt vời của ông như sau:

“Trần Nhật Duật vốn là người nhã nhặn, độ lượng, khoan dung, mừng giận không lộ ra sắc mặt. Trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô, nếu có đánh thì trước khi đánh bao giờ ông cũng vạch tội rõ ràng. Một lần có kẻ kiện gia tỳ của ông với Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn. Quốc Chẩn sai người đến bắt. Người gia tỳ chạy vào trong phủ. Người đi bắt đuổi đến giữa nhà, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc, nói: “Ông là tể tướng mà Bình Chương cũng là tể tướng, chỉ vì ân chúa nhân từ nhu nhược nên người ta mới coi khinh đến nước này”.

Ông vẫn tự nhiên, chẳng nói gì, sai người bảo gia tỳ rằng: “Ngươi cứ ra, đâu đâu cũng đều có phép nước”. Trong một lần khác, một gia nô của ông đang giữ thuyền thì bị gia đồng của Quốc Chẩn đánh. Khi có người thuật lại việc này với ông, ông chỉ hỏi: “Có chết không?”, và sau khi biết là người gia nô chỉ bị thương, ông trả lời: “Không chết thì thôi, mách làm gì!”.

Lời bàn:

Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan qua 4 đời vua, 3 lần coi giữ trấn lớn, thọ đến 75 tuổi. Dù đã có nhiều công lao, lại là tôn thất hoàng gia nhưng vẫn làm việc rất ngay thẳng. Cuộc đời ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần.

Trong lịch sử, người có tài lớn thường sẽ gặp tai vạ lớn, nhưng Chiêu Văn Đại Vương là một ngoại lệ hiếm có khi có thể đắc được cả vinh hoa phú quý lẫn trường thọ. Danh tiếng ông còn lưu truyền đến ngày nay không có một vết nhơ.

Đọc lại cách xử thế của ông, ta có thể thấy hình dáng của một cao nhân đắc Đạo, coi danh lợi như mây trôi, khoan dung tự tại mà đầy trí huệ. Nếu không phải một thân Đạo tâm trong sáng do tinh tu Đạo gia, nghiên cứu kinh điển thì có thể đạt được như vậy hay không?

Nên nói rằng dù làm quan to đến đâu, phú quý cao tột thế nào, thì chỉ khi đạt đến cái tâm thanh tĩnh, thì mới là sự nghiệp một đời viên mãn.

Trần Nhân Tông: Kim Tiên Đồng Tử chuyển sinh tu thành Phật

Vốn là nơi Chính Pháp được Thiên thượng lựa chọn bảo tồn, cả quốc gia đều tín phụng Phật pháp, nước Nam ta thời đó cũng chính là thánh địa cho các cao tăng Phật gia đản sinh tu hành để thành Phật. Vì thế nên lịch sử nhà Trần mới có sự khai tông của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một pháp môn tu thiền do một vị vua sáng lập ra, ông chính là Trần Nhân Tông.

Tranh vẽ vua Trần Nhân Tông trong dáng dấp một nhà tu hành. Ảnh: Wikipedia.

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm (陳昑), sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ niên hiệu Thiệu Long năm thứ nhất (tức 7 tháng 12 năm 1258). Ông là con trai đầu lòng của Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu Trần Thị Thiều.

Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, Trần Khâm ngay từ khi sinh ra đã được tinh anh Thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, nên vua cha và ông nội – Thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã gọi ông là Kim Tiên đồng tử (金仙童子). Các sách “Tam Tổ thực lục” và “Thánh đăng ngữ lục” (đều ra đời khoảng thế kỷ XIV) chép biệt hiệu này là Kim Phật (金佛).

Cả 2 sách này và “Đại Việt Sử ký toàn thư” đều kể rằng bên vai phải Trần Khâm có nốt ruồi đen lớn như hạt đậu; người xem tướng đoán rằng hoàng tử về sau sẽ làm được việc lớn – có khả năng gánh vác nước nhà. Quả thật, sau này dưới sự lãnh đạo của ông, nhà Trần đã vẻ vang chiến thắng quân Mông Cổ 2 lần ngoạn mục.

Các thư tịch cổ như “Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ” (bức tranh vẽ cảnh Trần Nhân Tông xuống núi sau khi đắc Đạo) cho thấy Trần Nhân Tông đã đạt được trình độ cao về các lĩnh vực như quân sự, âm nhạc, lịch số học và thiên văn học. Ông cũng học kỹ về tam giáo Phật – Lão – Nho và am hiểu tường tận giáo pháp nhà Phật. Sách “Thánh đăng ngữ lục” cũng viết: “Bản chất Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển”.

Dù thân làm vua nhưng Trần Nhân Tông vẫn sống thanh tịnh như một nhà sư. Khi rảnh việc nước, ông thường mời các thiền giả đến hỏi về yếu chỉ Thiền tông. Đặc biệt, theo “Thánh đăng ngữ lục”, ông học đạo với thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ “đạt sâu tới chỗ thiền tủy và thờ Thượng Sĩ làm thầy”. Ngoài ra, ông từng ăn chay khổ hạnh đến mức thân hình gầy guộc, khiến Thượng hoàng phải ngăn lại. “Thánh Tông khóc, bảo: Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con làm như thế thì sự nghiệp của tổ tông sẽ ra sao? Ngài [Nhân Tông] nghe vua cha nói vậy cũng rơi nước mắt”.

Sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với đất nước và triều đại thì con đường tu hành vẫn là lựa chọn cuối cùng của Trần Nhân Tông. Tháng 10 (âm lịch) năm 1299, Nhân Tông rời đến Yên Tử (Quảng Ninh), lấy pháp danh Hương Vân đại đầu đà (香雲大頭陀) và tu hành theo thập nhị đầu đà (mười hai điều khổ hạnh). Ông còn có đạo hiệu là Trúc Lâm đại đầu đà (竹林大頭陀), hay Trúc Lâm đại sĩ (竹林大士) và Giác Hoàng Điều Ngự (覺皇調御).

Tại núi Yên Tử sau nhiều năm tu hành, ngài đã đắc Đạo và khai tông dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sau khi đắc Đạo, ngài đã nhiều lần vân du giáo hóa chúng sinh, sách xưa còn ghi lại:

“Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước…”

Cũng chính trong lần này, Điều Ngự đã hứa gả con là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân; để đáp lễ, Chế Mân xin nhượng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt. Hôn lễ giữa Huyền Trân với vua Chiêm được cử hành vào năm 1306. Vua Anh Tông sáp nhập hai châu Ô, Lý vào Đại Việt và đổi tên châu Ô thành châu Thuận, châu Lý thành châu Hóa.

Cuộc đời của ngài là một truyền kỳ, cho đến lúc mất vẫn như thế. Đến nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về lúc ngài viên tịch như sau:

“Ngày mùng một tháng mười một, nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát thưa: Giờ Tý.

Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra bảo: Chính là giờ ta đi! Bảo Sát hỏi: Tôn Đức đi đâu? Điều Ngự đáp:

Tất cả pháp chẳng sanh,

Tất cả pháp chẳng diệt,

Nếu hay hiểu như thế,

Chư Phật thường hiện tiền.

Nào có đến đi gì?

Bảo Sát thưa:

– Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt thì thế nào?

Điều Ngự liền vả ngay miệng Bảo Sát, bảo:

– Chớ nói mớ!

Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử lặng lẽ mà tịch. Qua đêm thứ hai, Bảo Sát vâng theo lời di chúc, làm lễ hỏa táng ngay nơi am Ngài ở, có mùi hương lạ xông lên thoảng ra xa, nhạc trời trên không, mây năm sắc che trên giàn hỏa.

Ngày thứ tư Tôn giả Phổ Tuệ (Pháp Loa) từ núi Yên Tử vội vã đến, dùng nước thơm rưới lên giàn hỏa làm lễ. Xong, Pháp Loa thu lấy ngọc cốt, được xá lợi năm màu hơn năm trăm hạt lớn, còn hạt nhỏ cỡ hột lúa hột cải thì nhiều vô kể. Vua Anh Tông, Quốc phụ Thượng Tể cùng đình thần đem thuyền rồng đến lễ bái dưới chân núi, gào khóc vang trời, sau đó đón ngọc cốt và xá lợi xuống thuyền rồng đưa về kinh. Từ triều đình cho đến thôn quê đều rất mực thương tiếc”.

(Trích “Thánh đăng ngữ lục”)

Lời bình:

Xưa vua Thuấn ba lần từ chối ngai báu, cai trị bằng nhân đức, không dùng đến binh đao mà bốn phương quy phục, dựng nên cơ nghiệp thịnh trị muôn đời mà hậu thế vẫn còn mãi ngưỡng vọng. Mấy nghìn năm đã qua, mấy ai còn biết đến thánh nhân trị đời là thế nào? Mà nay một cõi nước Nam xa xôi nhỏ bé, lại có bậc Thánh nhiều lần muốn bỏ cả ngai vàng mà đi tu, dùng một nhúm quân nhỏ bé mà 2 lần đập tan quân xâm lược Nguyên Mông vốn đang làm rung chuyển thế giới.

Bằng sự tu tập bản thân mà khiến cả triều đình và nhân dân sùng thượng Chính Pháp, làm lành lánh dữ. Chỉ bằng chân trần vân du hóa độ chúng sinh mà hóa giải binh đao 2 nước, thêm vào lãnh thổ 2 châu. Thế mới hay để trị quốc làm nên sự nghiệp vĩ đại nghìn năm thì người lãnh đạo đều không phải vì bản thân mà cầu danh cầu lợi. Vì sao mà Phật gia giảng “Không”, Đạo gia giảng “Vô”, bởi vì tinh thần vô dục vô cầu mới có thể đạt đến trí huệ to lớn nhất và thành quả tốt đẹp nhất. Cũng chỉ có người tu mới có thể làm được mà thôi, chỉ có tu hành thì làm gì cũng đem lại lợi ích lớn nhất cho chúng sinh.

Video: Dự ngôn bí ẩn: Con chim lông trắng báo hiệu vận mệnh Trung Quốc và Tập Cận Bình

videoinfo__video3.dkn.tv||410003a16__