Tư đồ Trần Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, sống vào đời Trần mạt. Ông là người tài đức vẹn toàn, yêu nước, thương dân nhưng cũng bị nhiều sử gia thời xưa chê là bất trung vì thấy nguy cơ họ Trần mất ngôi không lo bảo vệ xã tắc, mà tính kế giữ thân. Bài viết dưới đây của tác giả La Vinh sẽ đem đến cho chúng ta một góc nhìn về nhân vật lịch sử này.

Vài dòng tiểu sử Trần Nguyên Đán

Trần Nguyên Đán sinh năm 1325, mất năm 1390, hiệu Băng Hồ tử (chàng trai có tấm lòng trắng trong như tuyết), quê hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

Tổ bốn đời là Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, người đã “Đoạt giáo bến Chương Dương”, con thứ vua Trần Thái Tông.

Trần Nguyên Đán được bổ làm quan từ khi còn trẻ tuổi.

Dưới triều Trần Dụ Tông (1341 – 1369), Trần Nguyên Đán làm quan Ngự sử Đại phu, chuyên lo việc khuyến cáo, can gián những lỗi lầm của vua và đàn hặc các quan phạm tội. Bấy giờ vua không chăm lo việc nước, quyền thần có nhiều kẻ không coi trọng phép nước, Trần Nguyên Đán nhiều lần can gián nhưng vua không nghe.

Sau khi Trần Dụ Tông mất, Hiến từ Hoàng Thái hậu cho Dương Nhật Lễ lên làm vua. Đây là kẻ hoang dâm vô độ, tính tình tàn ác nên việc nước càng trở nên tồi tệ. Trần Nguyên Đán lại dâng thư trình bày chính sự nhưng không được vua chú ý. Sau này, Hồ Nguyên Trừng đã viết trong “Nam Ông mộng lục “:

“Vào năm Chí Chính nhà Nguyên (1341 – 1367) ở Giao Chỉ (tức Việt Nam) có Trần Nguyên Đán đứng đầu hàng tông thất nhà Trần, giúp vua Dụ Tông ở chức Đại phu Ngự sử. Vua không chăm việc nước, quyền thần có nhiều kẻ không tôn trọng phép tắc, Nguyên Đán nhiều phen can gián nhà vua không nghe, đến khi vua Dụ Tông mất, cháu kế ngôi là người mê muội. Bấy giờ việc nước càng tệ, Nguyên Đán dâng thư trình bày không được vua hỏi đến, ông bèn xin cáo lỗi mà đi…”

Năm 1370 Trần Nguyên Đán từ chức, bỏ đi giúp Cung Định Đại vương Trần Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông) tập hợp lực lượng, dẹp được loạn Dương Nhật Lễ. Năm 1371 Trần Nguyên Đán được phong chức Tư đồ phụ chính. Ông ở ngôi Tể tướng lâu năm. Đến thời Trần Duệ Tông (1374 – 1377) ông được ban tước Chương Túc Quốc Thượng hầu, lại được giao thêm trọng trách trông coi việc quân ở trấn Quảng Oai.

Trần Nguyên Đán là viên quan trụ cột của vương triều Trần hồi cuối thế kỷ 14. Nguyễn Trãi đã viết về ông ngoại mình trong “Ức Trai thi tập” như sau:

“Vững tay lái trong cơn sóng gió, chống nhà siêu giữa lúc phong ba. Chỉ trong ít năm mà trong nước bình trị. Người trong nước đều khen là hiền tướng, từ đứa trẻ thơ đến người lính tốt cũng đều biết tiếng”.

Những đánh giá của nhà sử học đương thời

Đền thờ Trần Nguyên Đán tại Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương (Ảnh: Giacngo.vn)

Nhãn quan lịch sử qua các thời đại hẳn nhiên có khác nhau. Xin trích ra đây những đánh giá của người đời sau thông qua các bộ sử về quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” viết:

“Làm rõ điều nghĩa mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người quân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, thế mà không nghĩ đến việc vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui lo với nước, lại đem con mình gửi gắm cho họ Hồ để làm kế về sau. [Thế là] mưu lợi mà không nghĩ đến nghĩa, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? Hơn nữa, lúc ấy tai họa người Chiêm là việc cần kíp, mà lại bảo yêu Chiêm Thành như con, thờ nước Minh như cha, thì chỉ là câu nói tầm thường chung chung về đạo thờ nước lớn, yêu nước nhỏ, có bổ ích gì cho việc nước lúc đó? Tiếc rằng học vấn kiến thức của ông biết trước được mọi điều mà lòng nhân thì không giữ được.”

“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” nhận định:

“ …đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy.. ”

Ngô Thì Sĩ trong sách “Việt sử tiêu án” thì cho rằng:

“Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân là đắc sách, biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn gì đến cha con vua Nghệ Tôn được lợi hay bị hại; đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; không biết rằng Quý Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Vua đã mất nước, bầy tôi toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cố nhân đúng lắm.”

Một vài suy nghĩ

Trần Nguyên Đán là người tu theo Đạo gia. Ông đi sâu nghiên cứu thiên văn học, khí tượng học. Tác phẩm “Bách thế thông kỷ” (còn gọi là “Bách thế thông khảo” hoặc “Bách thế thông kỷ thư”) của ông là một bộ lịch pháp rất giá trị. Nó khảo cứu về năm tháng, nhật thực, nguyệt thực, thời tiết, vị trí các ngôi sao… từ trước công nguyên tới thế kỷ 15.

Hồ Nguyên Trừng trong “Nam Ông mộng lục” có viết về ông như sau:

“Ông thông hiểu lịch pháp, thường xem sách thông kỷ trăm đời, ngược lên khảo đến Giáp Thìn vua Nghiêu, vua Thuấn xuống đến nhà Tống, nhà Nguyên, vạch ra vận hành tiền độ của mặt trăng, mặt trời giao dung (che lấp lẫn nhau) so với thời xưa rất phù hợp…”

Tương truyền, Trần Nguyên Đán có hai tác phẩm là “Bách thế thông kỷ” “Băng Hồ ngọc hác tập”. Tuy nhiên, cả hai đã thất lạc. Hiện chỉ tìm thấy 51 bài thơ của ông chép trong các sách “Việt âm thi tập”, “Toàn Việt thi lục”, “Trích Diễm thi tập”, “Tinh tuyển gia luật thi”…

Dù vậy ta có thể khẳng định được rằng ông là người am hiểu thiên tượng. Bởi thiên tượng và nhân gian có sự tương thông nên ông cũng đoán trước được những biến hóa của nhân gian.

Nên ta có thể khẳng định những quyết định trong cuộc đời ông rất có thể là dựa theo thiên ý. Và ông không phải là người duy nhất trong lịch sử làm như vậy.

Khi nhà Tống đang phải chống lại cuộc xâm lăng từ phía Bắc của quân Mông Cổ, đây là đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Năm 1257 vào dịp tết Nguyên Đán tại triều đình nhà Tống, rất nhiều đại thần có mặt chúc Tết Hoàng Đế, trong số các đại thần có Hoàng Bính vốn là một vị quan đậu tiến sĩ thông tỏ thiên văn, tử vi và tướng pháp.

Sau khi chúc tết Hoàng Đế xong, Hoàng Bính liền ghé đến tòa Khâm Thiên Giám thăm bạn bè của mình, là những người giỏi tử vi. Họ cùng bàn luận tử vi của các thân vương, đại thần trong triều đình. Rồi cùng thấy một điều đặc biệt, đó là những người sẽ mất trước năm Kỷ Mão 1279 thì bình thường; nhưng nhiều người đều mất trong năm 1279, lại mất cùng một thời điểm và rất thê thảm.

Hoàng Bính xem kỹ tử vi của Hoàng Đế cùng chư Vương, Thái tử, Tam công, Cửu khanh, thì thấy vận cùng cả rồi. Từ đó Hoàng Bính đoán rằng nhà Tống có lẽ sẽ bị diệt vào năm 1279. Đêm hôm đó ông lên đài thiên văn quan sát thì thấy sát khí trùm lên các vùng thuộc đất Tống; quỷ tinh chiếu xuống vùng Mông Cổ, mạnh bất khả đương.

Trở về nhà, Hoàng Bính lo lắng không yên, thường quan sát thiên văn. Một lần ông nhìn về phương Nam thấy sao tử vi (ứng vào vua) sáng chói, các quần tinh xung quanh sáng rực rỡ, thịnh đến hơn trăm năm. Từ đó ông cho rằng Mông Cổ sẽ diệt nhà Tống, nhưng đến phương Nam sẽ bị chặn lại.

Thế là ngay trong năm 1257, Hoàng Bính đưa toàn bộ gia tộc khoảng 3.000 người xuống phía Nam đến nương thân ở Đại Việt.

Quân Mông Cổ xâm lược nhà Tống (Ảnh: soha.vn)

Như vậy ta có thể thấy Trần Nguyên Đán là người rất có tâm với đất nước, với vương triều nhà Trần. Tuy nhiên nhà Trần suy bại, lại là người hiểu được thiên ý, việc tránh để con cháu rơi vào cảnh đầu rơi máu chảy khi nhà Hồ đoạt ngôi nhà Trần là điều dễ hiểu.

Và chính việc này thậm chí ông có “công” chứ không phải “tội”. Bởi nếu cứ trái với thiên ý mà mù quáng phò trợ nhà Trần lúc này đã suy mạt. Con cháu của ông có thể đã bị nhà Hồ giết hại sau khi soái ngôi. Và chúng ta sẽ không có một Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc có công rất lớn trong việc phò tá vua Lê diệt giặc Minh sau này.