Đó là một trong những lời dạy nổi tiếng được Lão Tử để lại cho hậu nhân, đến giờ vẫn còn nguyên giá trị: “Lời hay thì không thật, lời thật thì không hay”.
Trong cuộc sống, những gì chân thật lại thường không màu mè, những người đáng tin cũng thường nói lời thẳng thắn, bộc trực. “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, nếu như lúc nào bạn cũng muốn nghe được lời khen nịnh, hoa mỹ, ngọt ngào, thì quả là không ổn. Rồi sẽ đến lúc bạn nhận ra rằng những lời này sẽ khiến bạn không phân biệt được thật giả, tốt xấu. Rất nhiều khó khăn sẽ ập đến đến từ đó.
Khi Hoàng đế Càn Long hứng chí làm thơ, quan cận thần Hòa Thân liền ca tụng hết lời: “Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế!”. Hễ có dịp là Hòa Thân ca tụng: “Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!”.
Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế, Hòa Thân đã thực sự đã chiếm được hoàn toàn lòng tin của Càn Long, nhân đó mà thừa cơ tham ô, nhận hối lộ, trở thành đại tham quan nổi tiếng lịch sử. Hòa Thân đương nhiên tham lam nhưng vua Càn Long cũng có một phần trách nhiệm vì cái tính thích nghe nịnh của mình.
Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có nhiều nhà lãnh đạo nhận ra được bản chất giả dối và nguy hại của những kẻ xu nịnh. Thời Tam quốc, Tào Tháo đã viết xuống chiếu cầu hiền: “Trị vì đất nước, thiết tập trăm quan, phải thực sự phòng người xu nịnh”. Có thể thấy rất nhiều tấm gương như vậy trong lịch sử.
Tề Uy Vương, Sở Trang Vương cảnh giác trước lời xu nịnh, tuy hay nhưng không thật
Chuyện cũ kể rằng quan đại phu nước Tề là Trâu Ký rất khôi ngô, tuấn tú. Qua việc ba bà vợ đều khen ông đẹp trai hơn Từ Công, ông hiểu là người đời thường xu nịnh nên tâu với Tề Uy Vương tìm biện pháp lắng nghe trực tiếp ý kiến của thần dân. Tề Uy Vương ra lệnh: “Ai vạch chỉ ra lỗi lầm của nhà vua trước mặt triều đình thì được thưởng loại 1. Ai dâng biểu hạch tội nhà vua được thưởng loại 2. Ai có lời chỉ trích nhà vua được thưởng loại 3”.
Lệnh vua vừa ban ra, dân chúng kéo đến cổng thành đông như họp chợ. Tề Uy Vương mới bừng tỉnh, biết mình trước đây toàn nghe theo lời của bọn nịnh thần nham hiểm.
Trong sử sách cũng còn ghi chuyện Sở Trang Vương thường lo lắng việc nước, luôn hỏi han quần thần. Lũ nịnh thần lúc nào cũng ca tụng Sở Trang Vương sáng suốt, tài ba. Sở Trang Vương rất buồn, ông than: “Ta đây đã ngu mà đình thần lại ngu hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được yên”. Sau đó Sở Trang Vương loại bỏ hết bọn nịnh thần, trọng dụng người tài khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh.
Tề Uy Vương, Sở Trang Vương không nghe lời xu nịnh nhưng trên thế gian này vẫn còn vô số những người thích nghe những lời tâng bốc đến mức ảo tưởng về mình, khiến cho sự nghiệp tan tành, thậm chí mất đi mạng sống.
Ngay đến Lão Tử cũng còn bị lừa
Quê nhà của Lão Tử là nơi nổi tiếng với hoa mẫu đơn. Một ngày, có người vào làng bán cây mẫu đơn, nhưng thực chất đó là gốc cây củ gai trông giống hệt như gốc mẫu đơn, được bày trên tấm vải màu đỏ. Người bán hàng dùng những ngôn từ dễ nghe để chào mời khách mua:
“Một đóa mẫu đơn tỏa ánh hồng
Màu sắc rọi người khắp nhà thơm
Đóa hoa lớn cỡ cái thau chậu
Diễm lệ vô cùng, vua loài hoa!”
Lão Tử nghe ông ta nói hay nói ngọt như vậy, bèn mua thử một cây. Sau khi về nhà, ông cẩn thận vun trồng ở trong sân. Không lâu sau, gốc cây đó đã nảy mầm, mọc ra những lá non. Nhưng đợi mãi đợi mãi mà chẳng thấy hoa đâu, thân cây dần dần lộ ra nguyên hình cây củ gai.
Mùa xuân năm sau, lại có một người bán gốc mẫu đơn vào làng. Vì đã mắc lừa lần trước, lần này Lão Tử cẩn thận hỏi người bán rằng: “Thứ ông bán, có phải là mẫu đơn không?”. Người đó không nói nhiều, trước tiên nhìn Lão Tử một cái, tiếp đó không đếm xỉa tới, nói năng thô lỗ rằng: “Chỉ có một đống này, ông muốn mua thì mua, không muốn mua thì thôi!”. Lão Tử cảm thấy người này thật kỳ lạ: “Sao ông ta lại không khen hàng của mình nhỉ?”.
Cuối cùng Lão Tử vẫn mua một cây, về nhà ươm trồng ở trong sân vườn. Mười ngày sau, trên mặt đất đã trồi lên mầm non. Không lâu sau, cây mẫu đơn đó lại nở ra mười mấy bông hoa vừa to vừa đẹp, khiến hàng xóm láng giềng đều đến ngắm nhìn thưởng thức. Lão Tử mừng rỡ, bèn kể lại câu chuyện hai lần mua gốc mẫu đơn.
Về sau khi viết cuốn “Đạo Đức Kinh”, ông viết: “Lời hay thì không thật, lời thật thì không hay”, chính là lời nói thật thì không hoa mỹ, lời hoa mỹ thì không chân thật. Mong rằng mọi người sau này nhớ lấy lời dạy của cổ nhân mà cảnh giác với những lời ngon ngọt.
Chân Tâm