Ai yêu mến “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng khó quên được hình ảnh Khổng Minh Gia Cát Lượng mặc áo Bát Quái, tay cầm quạt lông, ngồi trên xe đẩy. Chiếc quạt lông vũ đã theo Gia Cát Lượng nam chinh, bắc chiến, xuống Nam Man bình Mạnh Hoạch, ra Kỳ Sơn chống Tư Mã Ý. Rốt cuộc nó có ý nghĩa thế nào mà khiến Khổng Minh không thể rời tay?
Có rất nhiều thuyết giải thích cho sự xuất hiện của chiếc quạt lông vũ này. Chúng tôi điểm ra đây một vài kiến giải để độc giả rộng đường suy xét.
Bài học của sư phụ
Tương truyền, gia cảnh nhà Gia Cát Lượng vốn rất nghèo khổ. Ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, ông đã phải chăn cừu trên núi. Lên núi, Gia Cát Lượng tình cờ gặp một đạo sĩ già. Thấy Gia Cát Lượng lanh lợi, thông minh, lão đạo sĩ bèn thu nhận làm đồ đệ và dạy cậu chữ nghĩa, thiên văn, địa lý, Âm Dương Bát Quái rồi kể cả là phép dùng binh. Gia Cát Lượng rất chăm chỉ tu học, chẳng dám lơ là, thấm thoắt qua bảy, tám năm đã tỏ ra là một thiếu niên anh hùng, lòng ôm tráng chí. Thế nhưng cũng chính vào lúc này, cậu đã gặp phải một quan ải lớn.
Một hôm, trên đường xuống núi, Gia Cát Lượng đi qua một cái am bỏ hoang, vừa lúc gặp một trận cuồng phong, mưa gió. Chàng bèn lánh vào trong am ẩn trú thì bất ngờ gặp một người con gái yêu kiều, dáng vẻ thanh tú như tiên nữ hạ trần. Nàng ra đón tiếp chàng ân cần, lại còn rót nước, mời cơm. Hai người dùng bữa, nói chuyện tỏ ra rất tâm đầu ý hợp, xong bữa còn đánh cờ giải khuây. Lúc ra về, nàng còn dặn khi nào rảnh rỗi hãy xuống đây bầu bạn.
Từ nhỏ, Gia Cát Lượng đã theo thầy học Đạo. Ảnh dẫn qua: tinhhoa.net
Gia Cát Lượng trở về tâm thần cứ bồn chồn không yên, học hành bê trễ, đọc trước quên sau, ngay cả đến lời thầy giảng cũng không còn để tâm, ghi nhớ nữa. Sư phụ của cậu biết sự tình, một hôm gọi cậu đến nói: “Đứa con gái mà ngươi thích kia chẳng phải là người. Nó nguyên là một con tiên hạc trên Thiên Cung, chỉ vì ăn vụng hội bàn đào của Vương Mẫu mà bị Thiên Cung đánh hạ xuống để chịu khổ. Tới nhân gian, nó hóa thành mỹ nữ, văn võ thì không, cày bừa chẳng biết, chỉ biết truy hoan. Ngươi thấy tướng mạo nó đẹp, nhưng nó chỉ biết có ăn ngủ thôi. Ngươi cứ thần hồn điên đảo thế này, cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì đâu. Nếu không theo nó chiều ý nó, nó còn làm hại ngươi”.
Gia Cát Lượng nghe xong kinh hãi tột cùng, liền thỉnh cầu sư phụ giúp đỡ. Đạo sĩ già nói: “Con tiên hạc này đến đêm thường hiện nguyên hình bay lên thiên hà tắm rửa. Ngươi đợi đến lúc ấy, lén lấy y phục của nó mà đốt đi. Y phục đó vốn là thứ nó mang từ trên thiên cung xuống. Nếu không có y phục, nó sẽ không thể hoá thành mỹ nữ để dẫn dụ người khác được nữa“.
Lão đạo sĩ còn đưa cho Gia Cát Lượng một chiếc gậy đầu rồng và dặn nếu con hạc có tấn công thì hãy lấy gậy đó đánh trả nó. Gia Cát Lượng y lời thầy dặn, nửa đêm hôm đó vào trong am, châm lửa đốt sạch xiêm y của hạc tiên. Con hạc nhìn thấy đám cháy trong am, vội vã phi xuống dùng mỏ mổ vào mắt Gia Cát Lượng. Nhớ lại lời thầy dặn, cậu dùng cây gậy đầu rồng nhằm vào người con hạc mà đánh. Nó liền rơi xuống đất. Gia Cát Lượng toan tóm gọn nó trong tay thì con hạc cố sức vùng bay đi mất. Thế nhưng đám lông đuôi của nó thì đã bị Gia Cát Lượng giật hết.
Cô gái xinh đẹp thực chất là một con hạc tiên phạm tội trời bị đày xuống trần. Ảnh dẫn qua: tinhhoa.net
Sau biến cố dữ dội đó, Gia Cát Lượng tỉnh ngộ, biết rằng mình đã sa chân vào sắc dục mà suýt nữa huỷ đi con đường học đạo của mình. Cậu trở lại chuyên tâm học hành, cần mẫn tu rèn, học một hiểu mười, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Vì muốn lấy bài học cũ để tự răn mình, Gia Cát Lượng đã tết đám lông đuôi của con hạc tiên thành một chiếc quạt.
Kỷ vật của người vợ
Để giải thích cho chiếc quạt lông đặc biệt của Gia Cát Lượng, trong dân gian cũng lưu truyền một câu chuyện rất đẹp như sau.
Hoàng Nguyệt Anh, con gái của Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh, là một cô nương xuất chúng, tài nghệ phi thường, am tường hội hoạ lại biết cả võ nghệ. Thuở nhỏ, cô theo học một danh sư trên núi. Sau này, danh sư ấy tặng cho cô một chiếc quạt lông ngỗng bên trên có hai chữ “Minh” và “Lượng”. Vị này còn nói hai chữ này chính là tên phu quân sau này của Hoàng Nguyệt Anh.
Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim “Tam Quốc diễn nghĩa” (1994)
Sau này, khi Gia Cát Lượng tìm đến cầu hôn, Hoàng Nguyệt Anh đã tặng ông chiếc quạt lông đó coi như kỷ vật, đồng thời lý giải nguyên nhân: “Vừa nãy thiếp nhìn thấy tiên sinh và cha cùng đàm luận chuyện thiên hạ, hùng tâm tráng chí quả là rất lớn. Nhưng mà, thiếp phát hiện rằng khi ngài nói tới Tào Tháo và Tôn Quyền thì chân mày lại hiện rõ ưu tư, lo lắng. Thiếp tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt những lúc như vậy”.
Khổng Minh hiểu ra, vội tạ Nguyệt Anh, trong lòng cảm thấy hết sức vừa ý. Đây quả thực là vị hôn thê có một không hai, dẫu có lục tung tìm cả thiên hạ cũng không được mấy người. Sau khi thành thân với nàng Nguyệt Anh, Gia Cát Lượng luôn mang theo chiếc quạt lông không rời tay, vừa như để trân trọng tấm lòng của người vợ, vừa như để tự nhắc mình: đại trượng phu làm việc lớn phải biết tiết chế, làm chủ cảm xúc.
Quạt lông vũ trở thành vật bất ly thân của Gia Cát Lượng. Ảnh dẫn qua: tinhhoa.net
Sau này, khi đã xuống núi phò tá Lưu Bị cùng mưu chí lớn, Gia Cát Lượng cũng vẫn luôn mang theo bên mình chiếc quạt lông. Khổng Minh và chiếc quạt lông vũ là những hình ảnh đầy sức biểu tượng. Nói không ngoa, chiếc quạt ấy chính là vũ khí của ông, mang lại sự tự tin và phong thái cho người quân tử. Chiếc quạt lông ấy nhìn thì có vẻ yếu mềm nhưng bên trong tàng ẩn sức mạnh lớn lao. Dù là “Xích Bích hoả công”, “thuyền cỏ mượn tên” hay “lục xuất Kỳ Sơn”, “không thành kế”… chiếc quạt ấy chỉ cần vẫy lên là có thể khiến thiên hạ quy tâm, đất trời nghiêng ngả vậy.
Hữu Bằng tổng hợp
Xem thêm: