Tại sao Phật Đà nhìn thấy vàng của ai đó đánh rơi trên mặt đất lại gọi là “rắn độc lớn”? 

Thời cổ đại có 2 người, một người thông qua thủ đoạn bất chính kiếm được rất nhiều tiền tài, còn một người tham vàng của người khác đánh rơi mà phất lên. Cả hai người đều tham tiền tài bất nghĩa. Kết quả người thứ nhất đột tử, người thứ 2 có được cuộc đời mới. Tại sao lại có kết cục khác nhau nhiều như thế này?

Tham của bất nghĩa, sai nha âm gian tính sổ xóa nợ

Kỷ Hiểu Lam, Đại học sỹ triều Thanh đã kể lại một câu chuyện trong “Duyệt vi thảo đường bút ký”. Quan nha huyện Hiến có viên thư lại nhỏ họ Vương. Vì ông ta am hiểu các điều lệnh pháp luật, giỏi viết cáo trạng, thường khiến rất nhiều vụ án đột nhiên xoay chuyển ngược lại, do đó được rất nhiều đương sự hối lộ hoặc tặng tiền của.

Nhưng kỳ lạ là, mỗi khi ông ta tích trữ được một khoản thì nhất định xảy ra sự cố khiến số tiền tích lũy này bị tiêu hao hết.

Miếu thành hoàng có một Đạo đồng, một hôm vào lúc nửa đêm thanh vắng, đang đi lại trong miếu bỗng nhìn thấy hai viên sai nha âm gian đang hạch toán sổ nợ. Một người nói: “Năm nay ông ta tích lũy được khá nhiều, nên dùng biện pháp gì để xóa nợ đây?”

Vừa nói, viên sai nha vừa cúi đầu trầm tư. Viên sai nha kia đáp: “Chỉ cần một Thúy Vân là đủ rồi, không cần phải phiền não như vậy, thêm mấy nạn nữa”.

Do ở trong miếu Thành Hoàng thường nhìn thấy quỷ nên Đạo đồng đã quá quen với việc như thế này, coi đó là chuyện thường, do đó cũng không sợ hãi. Chỉ có điều cậu không biết Thúy Vân là ai, cũng không biết họ đang tính toán xóa nợ cho ai.

Sau đó không lâu, có một kỹ nữ trẻ tên là Thúy Vân đến huyện. Vì cô ta có chút nhan sắc nên thư lại Vương vô cùng sủng ái cô ta. Vì kỹ nữ trẻ này mà ông ta đã hao tổn 8, 9 phần tiền của tích lũy. Sau lại vì ông ta mắc nhọt độc, để chữa trị nên cũng đã tiêu mất rất nhiều tiền. Đến khi bệnh khỏi thì toàn bộ tích lũy của ông ta hết sạch sành sanh.

Có người ước tính số tiền mà viên thư lại Vương đã kiếm chác được, có thể nói là một khoản kếch xù, khoảng 3, 4 vạn lạng bạc. Sau này ông Vương bỗng nhiên mắc bệnh điên, một đêm bỗng nhiên đột tử. Người nhà ông thậm chí còn không có tiền mua quan tài liệm.

Có lẽ ông Vương đến chết vẫn không biết rằng, tiền tài bất nghĩa mà ông dùng thủ đoạn bất chính kiếm được đều bị chúa tể cõi vô hình lấy đi hết.

(Ảnh minh họa: read01.com)

Nông phu lĩnh ngộ hiểu ra thế nào là rắn độc chân chính

Thời Ấn Độ cổ, một hôm Phật Đà và tôn giả A Nan đi bộ ở cánh đồng nước Xá Vệ. Bên con đường nhỏ ở giữa cánh đồng, họ bỗng thấy như có gì đó đang phát sáng lấp lánh. Phật Đà nói với tôn giả A Nan rằng: “Con xem, ở kia có rắn độc lớn”.

Tôn giả A Nan trả lời: “Thế tôn nói rất đúng, quả nhiên là rắn độc hung ác”.

Lúc đó có một nông phu đang cày ruộng, nghe những lời của Phật Đà và tôn giả A Nan, trong lòng thầm nghĩ: “Mình nên đến xem xem, người xuất gia trông thấy là rắn độc như thế nào”.

Người nông phu bước tới xem, thì ra là một đống vàng. Bác lập tức gói đống vàng lại lấy làm của mình.

Cuộc sống người nông phu vốn rất nghèo khổ, quanh năm cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Từ khi nhặt được vàng, bác đã phất lên sau một đêm, ăn thì sơn hào hải vị, mặc thì gấm vóc lụa là. Tất cả những thứ gì cần đều có đủ.

Tin tức người nông phu bỗng chốc giàu có được truyền đi khắp toàn quốc. Quốc vương nghi ngờ nguồn gốc tài sản của bác liền sai người đến bắt và tống giam vào ngục. 

Tuy số vàng nhặt được đó đã tiêu dùng vung phí hết nhưng người nông phu vẫn không được tha, hơn nữa còn phải chịu xử trảm.

(Ảnh minh họa: punerispeaks.com)

Người nông phu nhớ lại việc tham tiền của trước đây, bất giác hối hận vô cùng. Trong ngục tù, bác cứ nói đi nói lại lẩm bẩm một mình: “Thế tôn nói là rắn độc lớn, tôn giả A Nan nói là rắn độc lớn”.

Ngục tốt đem chuyện này bẩm báo với quốc vương. Quốc vương cho gọi người nông phu đến và hỏi: “Tại sao ngươi nói: ‘Thế tôn nói là rắn độc lớn, tôn giả A Nan nói là rắn độc lớn’?”

Người nông phu trả lời: “Hôm đó thảo dân đang cày trên cánh đồng, nghe thấy Phật Đà và tôn giả A Nan nói rắn độc, rắn ác độc. Hôm nay thảo dân cuối cùng cũng đã minh bạch ra cái gì là rắn độc thực sự”.

Người nông phu bị lòng tham của mình che mất tâm trí, bị tiền tài mê hoặc mụ mẫm đầu óc. Tham tiền tài bất nghĩa, để mình phóng túng vung phí hưởng lạc. Giờ đây cuối cùng bác đã minh bạch, tiền tài bất nghĩa quả thực như rắn độc. Trong khi lâm nạn, bác bỗng nảy sinh lòng sùng tín đối với Phật Đà, đồng thời phát tâm hối lỗi.

Quốc vương thành tín Phật Pháp nghe xong câu trả lời của người nông phu, biết bác đã lĩnh ngộ được lời của Phật Đà, thế là tha tội cho bác. 

Trong đại nạn lao tù, người nông phu tỉnh ngộ liền xuất hiện bước ngoặt. Trái với viên thư lại họ Vương bị đột tử, người nông phu tự nhiên có được vận may thay đổi cuộc đời. Đúng như câu nói trong “Tả truyện”: “Nhân thùy vô quá. Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên”, tức là con người ai mà không có lỗi lầm, có lỗi mà có thể sửa thì chẳng gì tốt đẹp bằng. 

Kiến Thiện 
Theo epochtimes.com

Tài liệu tham khảo:

“Duyệt vi thảo đường bút ký” quyển 1

“Loan Dương tiêu hạ lục – Quỷ toán”

“Đại trang nghiêm luận kinh” quyển 6

Bạn đang đọc bài viết: “Vì sao Đức Phật giảng: Tiền tài bất nghĩa là con rắn độc lớn?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||9d2a56de4__