Rất nhiều phim truyền hình Nhật Bản đều chiếu cảnh này: mỗi khi người đàn ông trở về nhà, trước khi vào cửa họ thường sẽ hô to một tiếng: “Tôi đã trở về!”, chứ không trực tiếp đẩy cửa vào. Có thể mọi người sẽ cảm thấy thắc mắc với cách làm này, nhưng nó có một nguyên nhân bên trong rất đáng cho chúng ta học hỏi.

Toàn thế giới đều thừa nhận Nhật Bản là quốc gia chú trọng giữ gìn lễ nghi, phép tắc truyền thống, nhất là sự tôn trọng giữa phu thê với nhau. Rất nhiều phim truyền hình Nhật Bản đều chiếu cảnh này: mỗi khi người đàn ông trở về nhà, trước khi vào cửa họ thường sẽ hô to một tiếng: “Tôi đã trở về!”, chứ không trực tiếp đẩy cửa vào. Nguyên nhân của hành động này là gì?

Từ chiến loạn đến hoà bình

Tại Nhật Bản từng có một thời kỳ phát sinh chiến loạn, rất nhiều người bất đắc dĩ phải đi lang bạt khắp nơi và lưu trú tại các hang động. Mà hang động sẽ thường xuyên xuất hiện dã thú, khiến mọi người cả ngày đều nơm nớp lo sợ. Cho nên, khi về nhà lúc khuya, những người đàn ông vì không muốn để vợ mình kinh sợ, để nàng biết rằng bên ngoài không phải dã thú, đều sẽ hô to một tiếng: “Tôi đã trở về!”.

Hành động này của những người đàn ông Nhật Bản là một phương cách bảo hộ thê tử để họ an tâm. Dần dần, nó được lưu truyền khắp mọi nơi, cho nên hiện nay dù ở hoàn cảnh tương đối an toàn, khi về đến nhà người đàn ông cũng đều sẽ hô to một tiếng trước khi vào nhà để báo cho thê tử biết.

Kế thừa văn minh Trung Hoa cổ đại

Ngoài ra, phong tục này cũng phản ánh văn hóa lễ nghi truyền thống của Nhật Bản. Vào triều đại nhà Đường, Nhật Bản và Trung Quốc có quan hệ vô cùng mật thiết, rất nhiều lễ nghi văn hóa của Nhật Bản là đến từ nền văn hóa Trung Quốc. Có người nói rằng, việc người đàn ông Nhật Bản trước khi vào nhà thường hô to một tiếng “Tôi đã trở về” có liên quan đến nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại Mạnh Tử.

Tục truyền rằng, Mạnh Tử mỗi khi về nhà, phát hiện thê tử mình nằm trên giường ngủ say với tư thế vô cùng khiếm nhã, cảm thấy nàng rất mất hình tượng, nên vô cùng tức giận.

Sau đó, mẫu thân của Mạnh Tử nói với ông rằng, nếu như trước khi vào cửa ông hô to một tiếng “Ta đã trở về”, thì thê tử ông sẽ không có tư thế khiếm nhã như vậy trước mặt ông nữa. Sau đó, cách làm này của Mạnh Tử dần lưu truyền đến thời kỳ nhà Đường, rồi lại được người Nhật Bản du nhập về, trải qua thời gian lâu dài mà truyền thừa đến ngày nay.

Trong sách dạy trẻ em “Đệ tử quy” do Lý Dục Tú thời nhà Thanh biên soạn cũng có câu:

“Sắp vào cửa, hỏi có ai.

Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”.

Sự tôn trọng của người chồng đối với người vợ ‘nội tướng’ trong nhà

Ở Nhật Bản, đại đa số nữ giới sau khi kết hôn đều không đi làm mà thường ở nhà giúp chồng nuôi dạy con trẻ. Cho nên, người chồng làm việc bên ngoài vất vả một ngày mà trước khi vào cửa hô to một câu “Tôi đã trở về!”, thì chính là thể hiện sự tôn trọng đối với người phụ nữ.

Còn có một tầng hàm nghĩa đơn giản khác, đó là khi người chồng hô to “Tôi đã trở về!”, chính là báo cho thê tử mình biết rằng mình đã làm việc vất vả một ngày, để người vợ có thể chuẩn bị một chút đồ ăn ngon chiêu đãi chính mình.