Mười mấy bộ tiểu thuyết của Kim Dung có một điểm chung khá kỳ lạ, đó là nhân vật chính đều hoặc mồ côi cha, hoặc đi tìm cha. Dương Quá, Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc, Thạch Phá Thiên… đều như vậy. Ẩn ý đằng sau là gì?
Người say mê Kim Dung đều dễ dàng nhận ra rằng, hầu như tất cả các đại hiệp trong truyện của ông đều mồ côi cha. Đó mặc nhiên trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch, muốn làm đại hiệp thì phải… mồ côi cha hoặc thất lạc cha.
Có người sinh ra không biết mặt thân phụ như Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Vi Tiểu Bảo (Lộc đỉnh ký). Có người thuở nhỏ mồ côi, cha là đại hiệp anh dũng phi phàm như: Quách Tĩnh (Anh hùng xạ điêu), Viên Thừa Chí (Bích huyết kiếm), Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký)…
Lại cũng có người thất lạc cha từ bé, người nuôi nấng mình trưởng thành hóa ra lại chẳng phải cha đẻ như: Tiêu Phong (Thiên long bát bộ – con nuôi một lão nông nhưng cha đẻ là Tiêu Viễn Sơn), Đoàn Dự (Thiên long bát bộ – Đoàn Chính Thuần nuôi lớn nhưng cha ruột lại là Đoàn Diên Khánh) hay Thạch Phá Thiên (Hiệp khách hành – bị bắt cóc từ nhỏ), Hư Trúc (Thiên long bát bộ)…
Câu hỏi đặt ra là vì sao các nam chính trong tiểu thuyết Kim Dung đều mang trong mình một nỗi ám ảnh về người cha ruột lớn đến thế? Có vài nguyên nhân giải thích điều này.
1. Thủ pháp nghệ thuật
Trong tiểu thuyết Kim Dung, các đại hiệp, anh hùng muốn dựng thành tên tuổi đều phải kinh qua hết thảy khổ nạn trong đời ngay từ tấm bé. Kim Dung rất thích đặt nhân vật chính của mình trong một hành trình trưởng thành, một chuyến phiêu lưu. Qua năm tháng dài đằng đẵng ấy, người đọc được chứng kiến từng bước đi của người anh hùng, từng thay đổi, từng bước ngoặt trong đời và từng cảm xúc hỉ nộ ái ố.
Việc để cho các thiếu niên anh hùng mồ côi, thất lạc cha từ nhỏ chính là xếp đặt ra cho họ một bi kịch, đặt họ vào lò lửa luyện đan ngay từ những bước chân đầu tiên. Đó là một thủ pháp nghệ thuật rất tinh tế. Những đại hiệp mồ côi cha thường mang trong lòng nhiều tâm sự, nhiều nỗi niềm, lại thường rất cứng cỏi, nghị lực (vì phải tự lập sớm) nên dễ chiếm được thiện cảm của độc giả.
Thêm một lý do nữa, việc có một mối quan hệ không suôn sẻ với người cha của mình cũng thúc đẩy các mâu thuẫn, đặt ra cho nhân vật chính nhiều nghịch cảnh, buộc họ phải lựa chọn. Có người sùng kính, ngưỡng mộ chỉ mong nối chí cha, có người lại oán hận, căm thù người cha ruột như cừu địch. Điều đó giúp Kim Dung thả sức sáng tạo cốt truyện và tạo ra những điểm cao trào, kịch tính.
Như vậy, đại hiệp mồ côi, trước hết chính là một thủ pháp nghệ thuật.
2. Bi kịch cá nhân
Ngoài việc là một thủ pháp văn chương, bi kịch mồ côi cha của các đại hiệp trong truyện Kim Dung cũng có nguyên nhân từ chính cuộc đời tác giả.
Cha của Kim Dung là Tra Thụ Huân, trong các bản ghi chép khác còn có tên là Tra Mậu Trung. Gia tộc của Kim Dung là một danh môn vọng tộc ở Chiết Giang. Trong từ đường họ Tra còn treo ngự bút của Khang Hy hoàng đế. Họ Tra là một trong những gia tộc lớn nhất ở Giang Nam, có lịch sử nghìn năm từ những triều đại Đường, Tống…
Đến lúc Kim Dung ra đời, gia tộc ông dù đã suy yếu nhiều nhưng vẫn còn nắm trong tay 3600 mẫu đất, hơn 100 nông dân, các tiền trang. Trong nhà có 5 đại viện và hơn 90 căn phòng, ngoài ra còn có hoa viên lớn. Cha của Kim Dung không chỉ là một địa chủ thông thường. Ông tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng như Đại học Giáo hội, đại học Chấn Đán ở Thượng Hải.
Ở quê nhà, Tra Thụ Huân thường ra tay cứu tế, làm nhiều điều nghĩa hiệp. Những năm cuối đời ông đã dành rất nhiều sức lực, của cải để xây dựng nghĩa trang, miếu thờ tổ tiên và cả trường học. Ông còn đem 1000 mẫu đất của gia đình để dựng “Nghĩa điền” chia ruộng cho các hộ dân làm đất cấy cày.
Những “Nghĩa điền” này đều là ruộng tốt, dù hạn hán hay lũ lụt thì sau khi khấu trừ tổn thất mỗi năm vẫn có thể thu được 300 thạch (một thạch là 120 cân). Tra Thụ Huân bán số lương thực này lấy tiền mỗi tháng cứu tế dân nghèo. Mỗi vụ thu hoạch, ông đều tính toán tỉ mỉ rồi giảm hoặc miễn thuế cho điền nông.
Tra Thụ Huân rất nhiệt tâm xây dựng trường học, trích tiền dựng trường tiểu học Long Đầu Các, miễn phí nhập học cho trẻ nhỏ. Điều khiến người ta cảm khái nhất chính là sau này ông lại bị hành hình trên chính sân cỏ ở ngôi trường này trong nỗi oan khốc hại.
Vào những năm 50 của thế kỷ 20, phong trào “Trấn phản” và “Cải cách ruộng đất” ở Trung Quốc lên thành cao trào. Gia đình Kim Dung bị quy là thành phần địa chủ. Người của tổ chức “Trấn phản” muốn vạch tội Tra Thụ Huân nhưng dân làng không ai đứng ra đấu tố vì ông có ân với rất nhiều người.
Cuối cùng, người ta gán cho ông bốn tội danh: Kháng lương (không chịu nộp lương thảo), chứa chấp thổ phỉ, âm mưu sát hại cán bộ, bịa đặt phá hoại, tạo tin đồn thất thiệt. Tra Thụ Huân bị kết tội là địa chủ bất hợp pháp, phải chịu xử bắn.
Ngày bị xử bắn, ông không được thay quần áo, không được uống rượu, ăn cơm, bị trói cổ đưa đến sân vui chơi của trường tiểu học Long Đầu Các. Thụ Huân bị bốn người đồng thời dùng súng bắn đến khi ngã gục xuống. Sau khi ông chết, mộ phần cũng không dám để lại tên tuổi.
Khi cha mình bị hại, Kim Dung đang làm việc cho tờ “Đại Công Báo” ở Hồng Kông. Rất nhiều năm về sau, trong tự truyện “Nguyệt Vân”, ông viết:
“Một đội quân đánh vào quê nhà của Nghi Quan, từ Sơn Đông đến. Cha của Nghi Quan bị phán là địa chủ lừa dối, đàn áp nông dân, phải nhận tử hình. Nghi Quan ở Hồng Kông khóc ba ngày ba đêm, đau lòng hơn nửa năm. Nhưng ông tuyệt không thống hận đội quân đã giết chết cha mình, bởi vì có đến hàng ngàn hàng vạn địa chủ bị phán tử hình. Đây là một biến hóa nghiêng trời lệch đất”. Nghi Quan chính là tên khác của Kim Dung. Cho đến năm 1981, Tra Thụ Huân mới được minh oan. Lúc này vợ của Tra Thụ Huân, Cố Tú Anh đã 73 tuổi.
Nỗi đau mất thân phụ ấy trở thành ám ảnh lớn trong tâm Kim Dung, sau này lại trở thành cảm hứng chắp bút cho ông. Những nhân vật chính của Kim Dung đều có chung một cuộc hành trình tìm cha đầy gian khó. Dương Quá tìm cha, Tiêu Phong tìm cha, Đoàn Dự tìm cha, Hư Trúc tìm cha, Thạch Phá Thiên tìm cha, Trương Vô Kỵ tìm nghĩa phụ… Tất cả đều đang tìm cha.
Thanh Bình – Văn Nhược