Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng rất cần được trân quý, vậy bạn đã thực sự trân trọng những mối quan hệ trong gia đình mình?

Con người sinh ra, lớn lên đều gắn bó với ngôi nhà và những người thân yêu trong gia đình mình. Gia đình là bến đỗ bình yên, là nơi che chắn sóng gió trong cuộc đời. Những người thân luôn sẵn sàng ở bên khi chúng ta mệt mỏi muốn nghỉ ngơi giữa dòng đời náo nhiệt hay gặp cảnh tai ương. Nhưng kỳ lạ là, lẽ ra cần trân trọng hơn mái ấm đó, cảm ơn những người thân yêu của mình thì không ít người lại thường vô tình hay cố ý làm tổn thương họ nhiều nhất. 

Quý ông “thóc đãi gà rừng”, người dưng thì quý, người nhà thì ky

Nhà Vũ ở cạnh nhà tôi, thi thoảng tôi lại nghe thấy hai vợ chồng cậu tiếng bấc tiếng chì eo xèo trong căn nhà nhỏ. Trong giới bạn bè Vũ được coi là một người hào phóng, hết lòng vì bạn bè. Vũ cũng vô cùng tự hào với cái mác “sống thoáng” mà bạn bè dành tặng cho mình.

Hễ có tiền là Vũ “dựng lều ở trọ” ngay ở quán bia trước cổng làng. Gặp ai Vũ cũng xởi lởi mời vào làm cốc bia, hút điếu thuốc, và nhất quyết giành trả tiền. Vũ cảm thấy đó là cách thể hiện “bản lĩnh đàn ông của mình”. Những ông bạn “thân tình” của Vũ cũng thường vây quanh phỉnh nịnh Vũ. Vũ lại càng phổng mũi và hễ có tiền trong túi là Vũ lại a lô cho đám bạn của mình ra ngoài nhậu nhẹt.

Vũ có tiếng là “thảo” với bạn bè bao nhiêu, thì ở nhà lại “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” với vợ con bấy nhiêu. Nói chuyện với bạn bè thì Vũ hỉ hả ra mặt. Nhưng đặt chân về đến nhà là Vũ sầm mặt lại, cả ngày cạy răng cũng chẳng nói lấy vài lời. Vợ con Vũ sợ Vũ một phép. Ba mẹ con đang đùa ríu rít trong nhà mà nghe thấy tiếng bước chân Vũ bước vào là ai nấy đều lặng thinh, nín thở. Chỉ e chẳng may lỡ lời nói điều gì phật ý Vũ thì cả ngày hôm ấy “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng rất cần được trân quý, vậy bạn đã thực sự trân trọng những mối quan hệ trong gia đình mình? (Ảnh minh họa: shutterstock.com)

Vợ Vũ là một cô thôn nữ thật thà, chất phác, hay lam hay làm. Nhiều lần không chịu nổi cảnh chồng khi thì ghẻ lạnh, lúc lại nổi cơn thịnh nộ mắng mỏ, oán trách, so bì vợ người vợ ta, cô đã vài lần đưa đơn ly hôn. Đứng trước lá đơn xin ly hôn Vũ thoáng sợ hãi, không có vợ ai là người ngày 2 bữa cơm canh, lo liệu việc nhà. Vũ lại thề thốt, hứa hẹn, van nài vợ mình thương hai con mà nghĩ lại. Nhưng chẳng bao lâu thì đâu lại vào đó, Vũ lại trở về với con người lười nhác, cộc cằn, lạnh lùng ngày xưa.

Nhiều khi nghĩ đến số phận mình cô tự thấy cám cảnh thương thân. Nhưng nhìn hai đứa con thơ còn nhỏ dại, cô lại nén lòng, từ bỏ ý định ly hôn, chỉ mong hai đứa trẻ có thể trưởng thành một cách bình yên dưới mái nhà này. Cô thầm nghĩ âu cũng là cái số, chắc kiếp trước mình bạc đãi người ta, nên đời này thành vợ thành chồng mà trả nợ cho Vũ.

Cô đồng nghiệp dịu dàng ở công ty lại thường cáu bẳn với mẹ

Trong mắt mọi người Trang là một cô gái khá xinh xắn và nhã nhặn. Cô bạn đồng nghiệp làm cùng với cô suốt mấy năm trời, nhưng chưa một lần thấy Trang nhíu mày khó chịu với ai. Ngay cả khi bị người khác xét nét, chê trách Trang cũng chỉ lặng thinh và tự nhận lỗi về mình.

Thế nhưng khi ở nhà Trang như một người hoàn toàn khác. Cô rất dễ nổi nóng với mẹ mình. Mỗi lần Tết đến xuân về Trang lại về quê giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị sắm Tết. Hai mẹ con chỉ có thể trò chuyện vui vẻ dăm ba câu. Vì bất đồng quan điểm, Trang thường không thể kiềm chế nổi cơn nóng giận mà cãi lại mẹ vài câu. Đôi khi tình hình căng thẳng Trang hờn dỗi, cả ngày không buồn nói năng gì với mẹ.

Còn nhớ, hồi Trang học lớp 8 không biết Trang làm gì trái ý mẹ mà bị mẹ mắng té tát ngay trước mặt mọi người. Trang tự ái, không nói năng gì với mẹ suốt mấy ngày trời. Cuối tuần anh trai đi học xa, về nhà thấy cảnh cửa nhà lạnh ngắt cũng phải rơi nước mắt. Anh nghẹn ngào nói với Trang rằng: “Anh đi học ở xa nhưng trong lòng anh luôn nhớ về những người trong gia đình mình. Anh chẳng mong gì hơn là gia đình hòa thuận êm ấm. Em là con gái, sao em lại không chịu nhịn mẹ vài câu? Để nuôi hai anh em mình mẹ cũng phải vất vả lắm rồi, nên đôi khi nóng giận không kiềm chế được mà mắng mỏ em trước mặt người khác thì em hãy thông cảm cho mẹ”.

Trang yên lặng nhìn anh không nói câu nào. Trang cũng rất thương mẹ sớm khuya vất vả, nửa đêm nửa hôm, không quản trời nắng hay mưa cũng cặm cụi làm đồng làm bãi, đi chợ bán rau dưa củ quả nuôi hai anh em ăn học. Nhưng không hiểu sao khi lòng tự tôn của Trang bị động tới, Trang lại không kịp nhớ đến những vất vả, lo toan của mẹ, mà cứ làm theo phản xạ tự nhiên là hờn dỗi. Vậy nên mặc dù hai mẹ con vô cùng yêu thương nhau nhưng tình hình vẫn không cải thiện được là bao.

Mặc dù hai mẹ con vô cùng yêu thương nhau nhưng tình hình vẫn không cải thiện được là bao. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Mâu thuẫn với người nhà không thể giải quyết được sao?

Thông thường chúng ta không dám yêu cầu người ngoài làm gì cho mình. Bởi lẽ họ không có nghĩa vụ phải đáp ứng yêu cầu của chúng ta. Nhưng chúng ta lại thường đòi hỏi sự quan tâm, thấu hiểu từ người nhà.

Khi chán nản thất vọng, chúng ta lại sẵn sàng làm tổn thương chính mình hay người nhà để trừng phạt họ. Vậy nên khi mâu thuẫn xảy ra trong tâm chúng ta thầm nghĩ: “Người nhà chẳng bao giờ hiểu mình cả”. Chúng ta có thể nhẫn nhịn trước người ngoài nhưng lại mất khả năng kiểm soát cảm xúc trước những người thân.

Dẫu người gây ra sai lầm là mình, chúng ta vẫn khó có thể vượt qua tự ngã quá lớn của bản thân để hạ mình nói lời xin lỗi. Dường như nói lời xin lỗi là điều gì đó thật mất mặt: “Mình phải xin lỗi ư? Thôi vậy, dẫu sao thì ngày tháng còn dài, sau này mình chú ý một chút là được”.

Kỳ thực, “Vạn sự tại tâm”, chìa khóa cho mọi vấn đề vẫn là sự tu dưỡng tâm tính của mỗi cá nhân. Hãy tìm cho mình một tín ngưỡng chân chính. Bạn sẽ phát hiện ra tâm mình đang hướng thiện, biết yêu mến và trân trọng hơn hết thảy con người và vạn vật xung quanh.

Trước mặt người nhà là cái tôi chân thực của bạn

Những người hiếu thuận với mẹ cha, yêu thương, đùm bọc anh em, biết trân quý mối nhân duyên vợ chồng, con cái ắt là người biết giúp đỡ, chia sẻ, chở che và khích lệ người khác. (Ảnh minh họa: giadinh.net)

Người nhà cùng chung sống với nhau suốt thời gian dài. Vậy nên hết thảy những ưu khuyết điểm của chúng ta chẳng thể thoát khỏi ánh mắt của người thân. Nhiều người vì vậy mà thỏa sức bộc lộ bản tính của mình không buồn ước chế.

Một người thường tức giận trước mặt người nhà, nhất định sẽ khó có thể kiềm chế cơn nóng giận với người khác. Một người thờ ơ, lạnh nhạt với người nhà cũng khó lòng quan tâm, săn sóc tới người khác. Những người đối diện với sự quan tâm của người khác mà coi là điều đương nhiên thì trong cuộc sống chắc chắn họ là một kẻ vô ơn.

Ngược lại, những người hiếu thuận với mẹ cha, yêu thương, đùm bọc anh em, biết trân quý mối nhân duyên vợ chồng, con cái ắt là người biết giúp đỡ, chia sẻ, chở che và khích lệ người khác.

Người thân vĩnh viễn là bến đỗ bình yên, chẳng thể cách xa!

“Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta thì có một thứ mãi mãi không hề thay đổi vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về. Gia đình chính là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai”. Người thân cuối cùng vẫn là những người thân thiết nhất. Dẫu là anh hùng kiệt xuất, danh tiếng lẫy lừng hay kẻ thường dân áo vải vô danh thì đến thời khắc cuối cùng họ vẫn sẽ quay trở về bên cạnh người thân.

Khi đối diện với sóng gió cuộc đời, khi mọi người đều quay lưng lại với bạn thì người cuối cùng đứng bên cạnh an ủi bạn vẫn là người thân. Người thân là một nửa cuộc đời của bạn, xin hãy trân quý!

Người thân là một nửa cuộc đời của bạn, xin hãy trân quý!. (Ảnh minh họa: 2sao.vn)

“Hữu duyên thiên ý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng!”. Kiếp này được sống chung một nhà ắt hẳn duyên này đã gieo từ kiếp trước. Người thân có thể là thiện duyện đến báo đáp ân tình xưa kia, cũng có thể là ác duyên đến đòi lại món nợ từ kiếp trước. Nếu là thiện duyên thì hãy tận hưởng niềm vui cuộc sống quây quần bên gia đình. Nếu là ác duyên thì hãy dũng cảm gánh vác và nhẫn nhịn để ân oán sớm được thiện giải và tương lai hạnh phúc hơn.

Trong mỗi người đều luôn tồn tại cả mặt tốt và mặt xấu. Muốn làm được điều này mỗi người cần tu tâm dưỡng tính, khiến ưu điểm ngày càng nhiều hơn, nhược điểm ngày càng ít hơn. Chẳng ai biết kiếp sau liệu còn có duyên sống chung một nhà hay không? Người thân đời này đến để giúp chúng ta nhận ra thiếu sót từ đó hoàn thiện mình. Cớ chi không cảm ơn họ mà trân trọng hơn mối nhân duyên này.

Hiểu Mai